Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giáo viên không được lợi dụng nghề nghiệp để xuyên tạc nội dung giáo dục, học sinh có thể được học vượt lớp hoặc có quyền ở lại lớp (lưu ban) là ba nội dung đáng chú ý của thông tư này.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư (dự thảo) về điều lệ trường tiểu học với một số điểm mới so với các quy định hiện hành. Giáo viên không được lợi dụng nghề nghiệp để xuyên tạc nội dung giáo dục, học sinh có thể được học vượt lớp hoặc có quyền ở lại lớp (lưu ban) là ba nội dung đáng chú ý của thông tư này. Ngày 6.7 là thời hạn chót để ngành Giáo dục các địa phương gửi ý kiến góp ý về Bộ GD-ĐT.
Học sinh tiểu học tham gia hội thi “Vở sạch chữ đẹp”.
Mỗi trường có ít nhất một thư viện. Thư viện được tổ chức và hoạt động theo quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thư viện nhà trường phục vụ hoạt động học tập, dạy học, nghiên cứu khoa học, giải trí cho học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên. Thư viện nhà trường được sắp xếp bố trí an toàn, khoa học và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Khuyến khích các trường xây dựng thư viện mở tạo không gian đọc riêng dành cho học sinh (Điều 42 của dự thảo thông tư).
Không lợi dụng giáo dục để bóp méo thông tin
Điều 28 của dự thảo thông tư quy định giáo viên có nhiệm vụ thực hiện giáo dục theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Giáo viên chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách.
Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường, thường xuyên cập nhật những chỉ đạo của ngành, chuẩn bị, tổ chức dạy học và đánh giá học sinh theo quy định. Xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh và với cha mẹ học sinh, giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện.
Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, ứng xử văn hoá, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, gương mẫu trước học sinh. Thương yêu, đối xử công bằng, tôn trọng học sinh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của học sinh…
Điều 32 quy định quy tắc ứng xử và những việc không được làm của giáo viên, nhân viên, Theo tinh thần này, giáo viên không được xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức. Giáo viên không được gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh. Đồng thời, không được ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất, không được bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục.
Học sinh được học vượt lớp
Đối với học sinh, Điều 34 của dự thảo quy định, tuổi của học sinh vào học lớp một là 6 tuổi và được tính theo năm. Trẻ em khuyết tật ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số, mồ côi không nơi nương tựa, trong diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ, ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định, nhưng không quá 3 tuổi. Trường hợp tuổi của học sinh vượt quá 3 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng giáo dục và đào tạo quyết định.
Học sinh tiểu học học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, mồ côi không nơi nương tựa, thuộc hộ nghèo, ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 35, dự thảo quy định học sinh có ý thức tự giác học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập, biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Học sinh phải hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi…
Theo Điều 36, ngoài quyền được đi học, học sinh được chọn trường học hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Học sinh trong độ tuổi tiểu học từ nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam, trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn chưa được đi học ở nhà trường nếu có nguyện vọng chuyển đến học trong một trường tiểu học thì được hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ để xếp vào lớp phù hợp.
Học sinh khuyết tật được học hoà nhập ở một trường tiểu học; được bảo đảm các điều kiện để học tập, rèn luyện, được học và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh. Học sinh được học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian thực hiện chương trình, học lưu ban.
Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau: cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường; hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội; căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Học sinh được tham gia các hoạt động phát huy khả năng của cá nhân; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, được nhận học bổng và được hưởng chính sách xã hội theo quy định, được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 38 dự thảo thông tư quy định quy tắc ứng xử và các hành vi không được làm của học sinh. Theo quy định này, học sinh không được thực hiện các hành vi sau: có thái độ thiếu nghiêm túc, không trung thực trong học tập, kiểm tra, đánh giá và sinh hoạt; gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến các hoạt động của lớp học, nhà trường, nơi công cộng; gây nguy hiểm cho bản thân và người khác khi tham gia các hoạt động vui chơi.
Không “khoán trắng” cho nhà trường
Ngoài những nội dung chính nêu trên, dự thảo thông tư còn quy định cụ thể về mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Mối quan hệ này nhằm bảo đảm sự đồng thuận trong thực hiện các hoạt động giáo dục, giúp đa dạng và tối đa hoá các nguồn lực xây dựng cơ sở giáo dục theo hướng mở, bảo đảm môi trường giáo dục tốt nhất cho từng học sinh. Phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội bảo đảm tính chủ động, dân chủ, bình đẳng, hợp tác, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh.
Nhà trường tuyên truyền và thông báo tới cha mẹ học sinh về chủ trương, đường lối và kế hoạch phát triển, hoạt động giáo dục của nhà trường. Trao đổi với cha mẹ học sinh về tình hình học tập và rèn luyện của học sinh, thống nhất biện pháp giáo dục và tư vấn cho cha mẹ học sinh việc giáo dục học sinh ở nhà và hướng dẫn tham gia các hoạt động của nhà trường, xã hội.
Vận động gia đình đưa học sinh bỏ học trở lại lớp, huy động và tạo điều kiện để cha mẹ học sinh tham gia xây dựng nhà trường theo đúng quy định của pháp luật, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đóng góp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
Gia đình chủ động trao đổi với nhà trường về tình hình của học sinh để cùng nhà trường hỗ trợ, giúp đỡ học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục và rèn luyện thân thể. Tạo điều kiện cho học sinh được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường và giúp đỡ học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
Gia đình chủ động phối hợp với giáo viên trong quá trình giáo dục học sinh ở trường và hỗ trợ học sinh học tập rèn luyện ở nhà; tham gia và tạo điều kiện cho con em được tham gia các hoạt động của cộng đồng.
Sau khi dự thảo được ban hành, giới chuyên môn băn khoăn về quy định “giáo viên không được dạy sai kiến thức”. Quy định này so với các ngành nghề khác, giáo dục là một lĩnh vực có tính chuyên môn cao hơn hẳn. Như vậy, việc yêu cầu giáo viên không được phép dạy sai kiến thức là cần thiết. Tuy vậy, quy định này được nhìn nhận là không thực tế và cũng khó thực hiện, khó kiểm chứng, vì giáo viên trình độ mỗi người mỗi khác.
Đối với quy định, giáo viên không được lợi dụng vị trí nghề nghiệp để xuyên tạc, bóp méo nội dung giáo dục, điều này thực tế, vì động cơ, mục đích nào đó, có giáo viên cố ý làm sai lệch nội dung bài học. Thậm chí đã có giáo viên bị xử lý hình sự vì lợi dụng vị trí nghề nghiệp để tuyên truyền những điều lệch lạc.
Về quy định học sinh được quyền ở lại lớp, điều này cũng xuất phát từ thực tế, có trường hợp học sinh học quá yếu, phụ huynh phải xin cho con ở lại lớp nhưng nhà trường không muốn, vì liên quan đến chỉ tiêu.
Việt Đông