Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau khi thông tin giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của xã hội, nhiều luồng ý kiến bình luận rằng, không cần thiết phải có loại giấy phép này.
Giáo viên làm công tác giám thị tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh hoạ
Một trong những thông tin trở thành tâm điểm của thời sự giáo dục mấy ngày vừa qua là, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên. Việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được quy định chi tiết trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Sau khi thông tin giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của xã hội, nhiều luồng ý kiến bình luận rằng, không cần thiết phải có loại giấy phép này. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT- cơ quan được giao chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo lại có góc tiếp cận khác.
Có chứng chỉ hành nghề, lễ dàng dạy thêm
Khi được hỏi, quy định giáo viên có cần phải có chứng chỉ hành nghề hay không, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở Tây Ninh (đang công tác hoặc đã nghỉ hưu) đều chung một câu trả lời: Không!
“Tôi nhìn nhận rằng, ý tưởng cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên là không cần thiết. Vì, giáo viên tốt nghiệp ngành Sư phạm đã đủ điều kiện đứng lớp. Sinh viên Sư phạm học xong là để đi dạy học, đó là nghề của họ.
Trong thời gian học, sinh viên Sư phạm đã học một học phần (hoặc tín chỉ) về nghiệp vụ sư phạm, như vậy, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên, không cần thiết. Điều quan trọng hơn, tôi không tán thành ý tưởng của Bộ GD&ĐT ở chỗ, nếu cấp chứng chỉ hành nghề, tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ càng phức tạp hơn.
Có chứng chỉ hành nghề, giáo viên hoàn toàn tự do mở lớp dạy thêm hoặc lò luyện thi, không cần giấy phép của chính quyền, của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Nói ngắn gọn, nếu cấp giấy hành nghề đối với giáo viên, câu chuyện dạy thêm học thêm sẽ càng lộn xộn hơn hiện nay”- một vị có thâm niên hàng chục năm làm công tác tổ chức cán bộ trong ngành Giáo dục Tây Ninh bày tỏ quan điểm. Vẫn theo ý kiến này, chứng chỉ hành nghề chỉ nên áp dụng đối với một số nghề khác, không cần thiết và không nên áp dụng đối với giáo viên.
Rất nhiều hiệu trưởng trường phổ thông ở Tây Ninh bày tỏ quan điểm không cần thiết phải có thêm chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên. “Chúng tôi chưa được lấy ý kiến về việc này, nhưng qua thông tin trên báo chí, tôi nghĩ quy định giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề là không cần thiết. Đơn giản là vì loại chứng chỉ đó… chẳng để sử dụng vào mục đích gì cả, tức nó không có ý nghĩa”- hiệu trưởng một trường THPT phát biểu.
Những người được hỏi cũng thống nhất rằng, bằng tốt nghiệp đại học Sư phạm là “giấy thông hành” có giá trị cao nhất đối với một sinh viên Sư phạm. Chỉ riêng tấm bằng này, họ đã đủ điều kiện đứng lớp. Đó còn chưa kể, trong nhiều năm qua, giáo viên từ mầm non cho đến phổ thông đã tham gia học và nhận rất nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận khác nhau.
Cấp chứng chỉ để… tôn vinh nhà giáo?
Trao đổi với báo giới, đại diện Bộ GD&ĐT nêu ba lý do, căn cứ chính để ra quy định giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề. Thứ nhất, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên, trên thế giới, nhiều quốc gia đã có quy định này. Thứ hai, tại Việt Nam, nhiều ngành nghề khác quy định phải có chứng chỉ hành nghề như luật sư, bác sĩ, kỹ sư. Thứ ba, giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo.
Tìm hiểu kỹ, đối chiếu thông tin thì thấy, quy định chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên mới chỉ ở dạng đề xuất, kiến nghị của Bộ GD&ĐT. Bộ đưa vấn đề này ra để lấy ý kiến đóng góp của cả trong và ngoài ngành trước khi đưa vào dự thảo luật (dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tháng 10.2024). Bộ GD&ĐT trình bày thêm rằng, nhà giáo là lực lượng lao động đông đảo trong xã hội, có nhiều đặc thù và có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đội ngũ nhà giáo đã có những đóng góp to lớn vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, tiếp tục truyền thống văn hiến của dân tộc. Xu thế hội nhập quốc tế và đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay đặt ra yêu cầu sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm luật hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng, vai trò, vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.
Việc ban hành Luật Nhà giáo có thể khắc phục được tình trạng các quy định đối với nhà giáo hiện nằm tản mát trong các sắc luật và văn bản dưới luật, tạo ra sự minh bạch, rõ rang, dễ dàng tiếp cận với các quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo; khắc phục sự bất bình đẳng công tư trong chế độ chính sách nhà giáo.
“Nghiên cứu, triển khai cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo đối với những người thực hiện các dịch vụ về giáo dục được pháp luật quy định, tạo hành lang pháp lý hợp pháp và minh bạch cho nhà giáo trong việc dạy thêm, tăng nguồn thu nhập hợp pháp cho nhà giáo. Cải thiện hệ thống khen thưởng và trừng phạt nhà giáo, làm rõ các yêu cầu đối với việc khen thưởng nhà giáo và sàng lọc các vi phạm của nhà giáo để có các biện pháp xử lý”- Bộ GD&ĐT nêu.
Bị tước giấy phép hành nghề có được dạy học không?
Một trong những lý do, luận cứ để dư luận trong và ngoài ngành chưa tán thành ý tưởng cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên là vì việc này có thể làm sản sinh thêm một loại giấy phép con. Thực tế, nhiều loại chứng chỉ chức danh này kia “hình thành và phát triển” trong ngành Giáo dục (thật ra không riêng gì ngành nào) những năm gần đây, về bản chất là một loại giấy phép con.
Giấy phép con vốn chỉ được áp dụng đối với những ngành nghề kinh doanh có tính chất nhạy cảm hoặc nguy hiểm, rủi ro. Thế nhưng, loại giấy phép đó, có những giai đoạn “không ngừng phát triển”, gây ra nhiều phiền toái, tốn kém và không loại trừ tiêu cực.
Có những chứng chỉ người học vừa sở hữu xong, một thời gian ngắn lại có quy định bãi bỏ. Đó còn chưa kể, việc theo học để lấy đủ loại chứng chỉ, chỉ để hoàn thiện hồ sơ theo quy định, còn giá trị thật, giá trị ứng dụng, áp dụng khi học để lấy các loại chứng chỉ đó, gần như không đáng kể, thậm chí thừa, vì những kiến thức đó, họ đã học trong thời gian đào tạo chính quy, tập trung dài hạn.
Mặc dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên hoàn toàn miễn phí, nhanh chóng, tiện lợi, không gây ra sự phiền toái nào, song, nếu việc cấp chứng chỉ không có nhiều ý nghĩa thì có cần thiết hay không, cần cân nhắc. Một câu hỏi đặt ra, nếu vì một sai phạm nào có, giáo viên bị tước giấy phép hành nghề thì có tiếp tục được dạy học không? Nếu có, điều này trái với Luật Giáo dục năm 2019 không?
Hiện nay, cả nước có khoảng 1,5 triệu giáo viên, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lưọng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Do đó, việc xây dựng một chính sách hay một quy định cụ thể nào cần được tính toán, cân nhắc, tránh những điều không trông đợi.
Theo kết quả rà soát, thống kê của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2010-2021, cơ quan có thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cụ thể:
Về văn bản luật, có 4 luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo chịu sự chi phối của một số luật, bao gồm: Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2018; Luật Tổ chức chính phủ năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019; Luật Công đoàn năm 2012; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Thể dục, thể thao năm 2006; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018...
Việt Đông