Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giáo viên tài năng, duyên dáng Tây Ninh
Thứ sáu: 01:11 ngày 21/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài các phần thi tài năng và duyên dáng, còn có phần thi chuyên môn với việc thuyết trình các mặt của công tác nữ công trong hoạt động Công đoàn, chăm lo cho viên chức, lao động nữ.

Quang cảnh hội thi (ảnh: Ngô Trinh)

Đấy là tên một cuộc hội thi do Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp tổ chức, vừa diễn ra giữa tháng 10.2022, tại Trường IGC ở TP. Tây Ninh. Ngôi trường có kiến trúc đẹp, lạ, và ngay hội trường có màn hình rộng tới vài chục mét vuông, tạo thành một không gian có công nghệ hiện đại hỗ trợ các thí sinh.

38 thí sinh đến từ mọi điểm trường ở các địa phương trong tỉnh tham gia hội thi. Sân trường IGC vui như ngày hội. Các cô giáo thí sinh áo dài thướt tha cùng các bạn đồng nghiệp; nhiều cô có cả các em học sinh ríu rít vây quanh. Có lẽ, đã lâu lắm mới có một cuộc hội ngộ đông vui như thế, sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Theo Công đoàn ngành Giáo dục, ngoài ý nghĩa tôn vinh trí tuệ, tài năng, vẻ đẹp và sự duyên dáng của nữ giáo viên, còn là “tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ nữ công, viên chức, người lao động về ý nghĩa Ngày Phụ nữ Việt Nam…”. Do vậy, ngoài các phần thi tài năng và duyên dáng, còn có phần thi chuyên môn với việc thuyết trình các mặt của công tác nữ công trong hoạt động Công đoàn, chăm lo cho viên chức, lao động nữ.

Tưởng rằng phần thi chuyên môn này sẽ “hóc búa, khô khan”, khó khăn nhất với các cô giáo? Dĩ nhiên, đã báo cáo thì rất dễ sa vào công thức chung chung, nhưng các thí sinh của cuộc thi có rất nhiều sáng tạo trong việc báo cáo các hoạt động nữ công ở đơn vị. Rất nhiều ảnh đẹp về các hoạt động nữ công đã thay cho lời viết; một số Công đoàn ở các trường vùng biên giới tích cực tham gia vào cuộc chiến đấu với dịch bệnh Covid- 19 suốt 2 năm 2020, 2021; ở Trường Khuyết tật tỉnh thì đối tượng chăm lo không chỉ là các nữ viên chức, lao động mà còn có các em học sinh hoàn cảnh khó khăn…

Phần thi được mọi người mong chờ nhất vẫn là Duyên dáng với Tài năng. Thi duyên dáng có tới 2 phần trang phục áo dài và nhận diện Công đoàn. Trên nền nhạc Một thoáng quê hương, sân khấu sống động bởi phần trình diễn áo dài tha thướt. Những tà áo phấp phới màu hoa sen, hoa súng hay những hoạ tiết độc đáo. Không gian hội trường IGC chộn rộn hẳn lên, các cổ động viên ồ lên, đồng loạt vỗ tay cổ vũ mỗi khi đại diện của trường xuất hiện trên sân khấu…

Ở phần thể hiện tài năng, những lời ca vang lên, từng điệu múa uyển chuyển dịu dàng hay mạnh, nhanh dứt khoát. Những giọng ca không chuyên nhưng lại dễ làm lay động lòng người qua những tác phẩm như Xa khơi, Lời ca dâng Bác, Dạ cổ hoài lang, Ngẫu hứng sông Hồng… Đặc biệt là bài hát, điệu múa nào cũng được dàn dựng kỹ càng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp và cả học sinh. Xúc động làm sao khi cô giáo của Trường Khuyết tật và các em học sinh khuyết tật trình diễn điệu múa “Niềm tin, xanh mãi thời gian”. Trên nền nhạc, họ dùng ngôn ngữ hình thể thay cho tiếng hát. Vậy mà tác phẩm vẫn đọng lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc khó tả.

Còn cô giáo của Trường THPT Tân Hưng lại cùng các đồng nghiệp đưa mọi người trở lại Tây Ninh xưa với áo bà ba, trước một màn hình lớn có quang cảnh hồ đầy sen, súng. Đấy là bài hát “Ngợi ca quê hương em” của một tác giả tỉnh nhà. Tôi đoán khung cảnh này chụp tại Tân Hưng- quê hương cô, ở phía Lòng Hồ, nay đã có một nhà máy điện mặt trời. Tuy thế, tiết mục độc đáo nhất lại là dàn múa “Khúc biến tấu những pho tượng cổ” của cô giáo và các em mẫu giáo Trường mầm non Hoa Mai của Phòng GD&ĐT huyện Tân Biên. Trên màn hình xuất hiện hình ảnh tháp Chót Mạt ngàn năm tuổi sừng sững, au au gạch đỏ. Những nàng tiên Apsara hiện ra, từ lớn đến bé xíu, lộng lẫy trang phục xưa với nón tháp rực vàng. Điệu múa kể cho mọi người nghe về miền đất Tân Biên anh hùng…

Vẫn còn một phần thi nhỏ, dành cho 10 thí sinh vào chung kết. Trả lời câu hỏi bạn nghĩ sao về lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi”, một cô giáo trẻ trả lời: Hoạt động nữ công của Công đoàn cũng như vậy. Không băn khoăn, không tính toán. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi!

NGUYỄN QUỐC VIỆT

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục