Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Môn học mới “Lần đầu ra mắt công chúng”:
Giáo viên vừa học vừa dạy
Thứ tư: 07:43 ngày 30/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trao đổi với phóng viên, một vị giáo viên dạy Toán rất lâu năm khẳng định, không một giáo viên nào đủ trình độ, kiến thức để dạy cả hai hoặc ba phân môn trong sách giáo khoa mới. Thậm chí, trong một môn học, giáo viên cũng chỉ có thế mạnh, sở trường một phần nào đó.

Sách giáo khoa lớp 6.

Chuẩn bị cho năm học 2021-2022, ngày 23.6, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có văn bản gửi Sở GD&ÐT các địa phương về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Theo đó, trong năm học này, nhà trường sẽ thực hiện đồng thời hai chương trình giáo dục phổ thông, là chương trình hiện hành (Chương trình 2006) từ lớp 7 đến lớp 12 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6.

“Nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo”

Ðể triển khai hiệu quả cả hai chương trình, Bộ GD&ÐT lưu ý, Chương trình 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục.

Do đó, khi triển khai thực hiện ở lớp 6, nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.

Chương trình 2018, lớp 6 có một số môn học và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện, gồm hai môn tích hợp Lịch sử và Ðịa lý, Khoa học tự nhiên, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ðể tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục này hiệu quả, Bộ GD&ÐT hướng dẫn nhà trường một số nội dung thực hiện.

Theo đó, chương trình mới này gồm 2 phân môn là Lịch sử và Ðịa lý. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Ðịa lý và nội dung Ðịa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Ðất và bầu trời, được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Do đó, nhà trường cần xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp, sắp xếp các chủ đề của môn học, điều kiện tổ chức dạy học của trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.

Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Căn cứ vào nội dung cụ thể của tài liệu giáo dục địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực thầy cô.

Kế hoạch dạy học nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Ðối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chương trình bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ.

Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường. Ðồng thời cần tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.

Cán bộ quản lý, giáo viên được phân công tổ chức hoạt động nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với lớp 6 dạy học theo Chương trình 2018, Bộ GD&ÐT hướng dẫn nhà trường thực hiện theo Công văn số 5512 ban hành ngày 18.12.2020.

Ðối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 đang triển khai dạy học theo Chương trình GDPT 2006, các trường cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện hiện có. Ðối với kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước, trường cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Chờ hướng dẫn

Chỉ còn vài tháng nữa, Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở lớp 6, lớp học đầu tiên của cấp THCS. Như từng đề cập nhiều lần, điểm mới nhất của cấp học này là việc xuất hiện hai môn học mới trên cơ sở sáp nhập các môn học độc lập lại với nhau, như đã nêu ở phần trên.

Cho đến thời điểm này, khi được hỏi về việc dạy hai môn học mới như thế nào, bố trí giáo viên, xếp thời khoá biểu, kiểm tra, đánh giá chất lượng hai môn học mới ra sao, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên chung một câu trả lời: chưa biết, chưa hình dung cụ thể, đang chờ hướng dẫn từ cấp trên!

Cho đến lúc này, nhiều ý kiến (được đăng trên báo chính thống) vẫn chỉ trích gay gắt về việc cho ra đời môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Ðịa lý, rất ít ý kiến đồng tình, ủng hộ việc ghép ba môn học độc lập thành một môn.

Năm 2018, khi Chương trình GDPT 2018 vừa được ban hành, phát biểu trước báo giới, người được giao xây dựng và biên soạn sách giáo khoa cho môn Khoa học tự nhiên có nói rằng, việc tích hợp ba môn Vật lý, Hoá học và Sinh học ở cấp trung học đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Trước phát biểu này, dư luận trong ngành đề nghị người được giao chủ trì xây dựng môn học Khoa học tự nhiên cung cấp bằng chứng là những nước nào đã áp dụng mô hình môn học nêu trên, điều kiện của họ có giống như Việt Nam hay không.

Ngoài việc khẳng định “nhiều nước trên thế giới” đã và đang áp dụng môn học tích hợp, chủ biên của cuốn sách này còn nói rằng, tuy tích hợp nhưng mỗi giáo viên của từng môn vẫn dạy theo “mạch” chuyên môn của mình trong cuốn sách.

Một câu hỏi không mới nhưng lại được giáo giới đặt ra, nếu mỗi giáo viên vẫn dạy phần chuyên môn của mình thì tích hợp ba môn học lại với nhau để làm gì? Vậy, rốt cuộc, môn Khoa học tự nhiên là ba thầy dạy một sách hay một thầy dạy cả ba phân môn trong cuốn sách này? Mặt khác, theo tinh thần của chương trình tổng thể, việc tích hợp ba môn Vật lý, Hoá học và Sinh học chỉ thực hiện ở cấp trung học cơ sở, còn khi lên trung học phổ thông, ba môn học này vẫn giữ nguyên tính độc lập như vốn có. Vậy, điều này có bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất không?

Không chỉ môn Khoa học tự nhiên, việc dồn hai môn Lịch sử và Ðịa lý thành một cũng khiến giáo viên không khỏi băn khoăn, lo lắng. Chỉ riêng việc soạn giáo án cho môn học cũng đủ “chết”, chưa nói hàng loạt vấn đề thuần tuý chuyên kỹ thuật khác, kể cả chuyện xếp thời khoá biểu, chấm điểm...

Trước tình hình nêu trên, tại thời điểm đó, một phó giáo sư - tiến sĩ đang làm việc trong Ban đổi mới chương trình GDPT cho biết, đang có dự án vay Ngân hàng Thế giới 100 triệu USD để tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp (môn Khoa học tự nhiên).

Dư luận xã hội, đặc biệt là những người trong ngành không thể không bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của các đợt tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo. Trên thực tế, các chuyên đề bồi dưỡng hay “nâng cao năng lực” cho giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành đạt hiệu quả rất thấp.

Việc bồi dưỡng, huấn luyện giáo viên từ dạy đơn môn sang dạy đa môn có thể nói là vô cùng khó khăn. Bởi vì, mấu chốt của vấn đề ở chỗ, trường sư phạm chỉ đào tạo giáo viên để dạy một môn, có trường hợp dạy hai môn nhưng chỉ có tính tạm thời.

Hoặc nếu như phải dạy hai môn học có kiến thức gần nhau, tương tự nhau thì giáo viên cũng chỉ có thể dạy tốt được môn chính mà họ từng được đào tạo. Ngoài vấn đề chuyên môn được đào tạo, chuyện đi học bồi dưỡng của giáo viên cũng có nhiều điều cần nói. Ða phần giáo viên không mấy mặn mà với những lớp học nặng tính hình thức này.

Việc thay đổi cấu trúc chương trình GDPT mới còn kéo theo nhiều xáo trộn, trong đó đặc biệt là vấn về đội ngũ giáo viên. Nếu như các môn học tích hợp được triển khai và chỉ giao cho một người dạy thì những giáo viên còn lại làm việc gì? Còn nếu vẫn giao cho người nào dạy môn của người đó thì tại sao phải gộp ba môn học lại với nhau và gộp để làm gì? Cần nhắc lại là, khi mới có chủ trương xây dựng chương trình mới, Bộ GD&ÐT có nói rằng, sẽ đào tạo giáo viên dạy tích hợp.

Ðây thực ra chỉ là một cách trấn an dư luận, vì để đào tạo giáo viên, trường sư phạm phải mất từ 3 - 5 năm. Trong khi đó, mấy năm nay, trường sư phạm vẫn tuyển sinh đào tạo giáo viên theo cách như đã làm từ hàng chục năm nay, đó là mỗi giáo viên chỉ được đào tạo để dạy một môn học độc lập.

Qua nhiều cuộc hội thảo khoa học về chất lượng giáo dục, phần lớn các nhà quản lý, nhà khoa học đã thống nhất rằng, chất lượng giáo viên quyết định chất lượng nền giáo dục, hay nói một cách hình ảnh là “không có một nền giáo dục nào có thể đứng cao hơn ông thầy”. Trong khi đó, chất lượng giáo viên rõ ràng đang có vấn đề. Ðây là một thực tế buồn nhưng không thể không nói ra.

Không có chuyện “xoá sổ năm môn học”

Thay đổi chương trình và sách giáo khoa là một hoạt động không có gì bất thường ở bất kỳ nền giáo dục nào. Tuỳ vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, có thể 10 năm, 15 năm hoặc lâu hơn, các quốc gia lại thay đổi, điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa một lần.

Ðó là một hoạt động có tính chu kỳ. Thay đổi, xây dựng mới chương trình giáo dục còn để phù hợp với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật. Vấn đề đặt ra, việc xây dựng chương trình mới cần được tiến hành thận trọng, bảo đảm tính khoa học và nhất là tính hiệu quả.

Mỗi lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa tốn không ít tiền của, công sức nhưng không phải lần thay đổi nào cũng thành công. Ðơn cử, chương trình phân ban ở cấp trung học phổ thông được triển khai hồi năm 2005, hoàn toàn không đạt mục tiêu đề ra nhưng không một cơ quan nào công khai thừa nhận sự thật này.

Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin từ trong ngành cho biết, giáo viên trước đây dạy môn nào thì năm học tới vẫn dạy môn học mình từng được đào tạo. Ðiều này có nghĩa, không có chuyện một giáo viên dạy cả ba phân môn trong môn học mới.

Như vậy, hai môn học mới không phải là sự tích hợp mà chỉ đơn giản sáp nhập các môn học lại với nhau một cách cơ học. Bởi vì, môn Lịch sử và Ðịa lý, trong sách giáo khoa mới được chia thành hai phần rạch ròi, độc lập. Còn môn Khoa học tự nhiên lại bố trí theo từng chủ đề.

Trao đổi với phóng viên, một vị giáo viên dạy Toán rất lâu năm khẳng định, không một giáo viên nào đủ trình độ, kiến thức để dạy cả hai hoặc ba phân môn trong sách giáo khoa mới.

Thậm chí, trong một môn học, giáo viên cũng chỉ có thế mạnh, sở trường một phần nào đó. Việc bố trí giáo viên (phân công chuyên môn, xếp thời khoá biểu) như thế nào, khâu kiểm tra, đánh giá, ai chịu trách nhiệm kết quả môn học... được dự báo sẽ có nhiều xáo trộn, rắc rối trong năm học tới.

Chương trình giáo dục 2018, trong đó việc sáp nhập năm môn học độc lập thành hai môn học mới, thực chất được thiết kế, cấu trúc theo tinh thần của Chương trình trường học mới Việt Nam (VNEN), vốn được thí điểm triển khai ở nhiều trường học trong cả nước (Tây Ninh cũng có).

Sau thời gian thí điểm, Chương trình VNEN đã kết thúc. Hiện nay, một số lớp trong trường phổ thông vẫn tiếp tục dùng tài liệu của chương trình này để dạy cho học sinh. Khi còn tại nhiệm, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ trấn an dư luận rằng, Bộ đã có kế hoạch tuyển sinh để trường sư phạm đào tạo sinh viên dạy đa môn.

Thực tế chứng minh, kế hoạch nêu trên, đến thời điểm này chưa thực hiện được. Việc Bộ GD&ÐT giao trách nhiệm cho nhà trường có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng bị cho là không thực tế, vì nhà trường không thể làm được việc đó.

Cuộc tìm tòi nào cũng gặp những rắc rối. Xin nhắc lại, thay đổi chương trình, sách giáo khoa là một hoạt động có tính chu kỳ của ngành giáo dục, quốc gia nào cũng vậy, như Hàn Quốc, cứ 8 năm, nước này thay sách giáo khoa một lần.

Bộ sách giáo khoa hiện hành của Việt Nam đã áp dụng được gần 20 năm. Như vậy, vấn đề không phải thay sách giáo khoa, điều quan trọng là thay như thế nào cho khoa học, phù hợp với điều kiện riêng của đất nước.

Một số tờ báo, vì người viết thiếu hiểu biết hoặc vì mục đích “câu khách” đã đặt vấn đề không đúng, sai bản chất khi giật tít “Chính thức xoá sổ năm môn học”. Thực tế không hề có chuyện “xoá sổ” năm môn học. Cách nêu thông tin, giật tít như tờ báo nọ, hoàn toàn sai sự thật.

Việt Ðông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh