Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Gieo chữ ở vùng biên
Thứ sáu: 18:26 ngày 08/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đó là những thầy cô giáo đang công tác tại các điểm trường tiểu học và mầm non Tân Khai, thuộc Khu dân cư Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Những ngôi trường này nằm sau cánh rừng, sát biên giới Việt Nam – Campuchia, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn.

Một buổi lên lớp của giáo viên Trường tiểu học Tân Khai.

Hiện nay, từ trung tâm xã Tân Lập đến trường chủ yếu là đường nhựa, chỉ có một đoạn ngắn từ đường vành đai biên giới vào trường là đường đất đỏ, nhưng hai bên đường cây cối rậm rạp, thưa vắng người qua lại…

Cô giáo Bùi Thị Kim Yến (sinh năm 1995), giáo viên Trường tiểu học Tân Khai cho biết, cô nhận công tác từ tháng 2.2017. “Do nhà công vụ còn thiếu nên chúng tôi chỉ còn biện pháp sáng đi chiều về. Nhà tôi cách trường khoảng 30 km nên hằng ngày đi dạy, tôi phải rời khỏi nhà rất sớm và khi về đến nhà thì cũng đã muộn.

Đặc biệt, trên quãng đường đó phải vượt qua khoảng 20 km đường rừng và có khoảng hơn 10 km đường rừng này không có sóng điện thoại nên đi lại cũng rất lo sợ, nếu giữa đường gặp chuyện gì bất trắc cũng không biết gọi cho ai, đường thì vắng, ít người qua lại…”.

Thầy Ung Thành Phát, giáo viên Trường tiểu học Tân Khai là một trong số giáo viên nhận công tác từ những ngày đầu mới thành lập điểm trường này (năm 2012). Năm 2016 thầy Phát lập gia đình với một cô giáo cùng trường. Xác định mảnh đất này là nơi lập nghiệp, lại được nhà nước cấp nhà cấp đất, nên thầy Phát đã mạnh dạn đưa ba mẹ ở xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành lên đây sinh sống.

“Mặc dù điều kiện của các thầy cô giáo có nhiều khó khăn nhưng đời sống người dân ở đây cũng còn khó khăn hơn, đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số hoặc những người từ nơi khác đến nên các em chịu rất nhiều thiệt thòi… Vì vậy, cùng với nhân dân địa phương, chúng tôi sẽ nỗ lực gắn bó, quyết tâm mang con chữ đến cho trẻ em vùng dân cư biên giới này”- thầy Phát khẳng định.

Giáo viên Trường mầm non Tân Khai.

Thầy giáo Huỳnh Thanh Danh- Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Khai chia sẻ, trường hiện có 5 lớp tiểu học và 4 lớp THCS. Các lớp THCS là do Trường THCS Tân Lập mượn điểm và điều giáo viên vào giảng dạy cho học sinh cấp 2 ở đây, để các em không phải vượt đường xa đến trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng phòng Giáo dục huyện Tân Biên cho biết: Hầu hết giáo viên đang công tác tại Trường tiểu học Tân Khai và mầm non Tân Khai mới ra trường, lương chỉ hơn 2 triệu/tháng. Khoảng cách đi lại xa, giá cả thị trường đắt đỏ hơn so với trong vùng nội địa nên chi tiêu của thầy cô ở đây khá khó khăn. Trước đây, giáo viên trên khu vực này còn có chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ, nhưng 2 năm nay không còn nữa nên cuộc sống giáo viên vốn eo hẹp, nay càng vất vả hơn.

Để đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, bám trường, bám lớp, bên cạnh lòng yêu nghề mến trẻ, họ rất cần thêm sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp có thẩm quyền để tiếp tục giữ vững niềm tin, cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi miền biên cương…

Huy Liệu

Tin cùng chuyên mục