BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Gió đông về

Cập nhật ngày: 18/11/2019 - 12:54

BTN - Sau bão số 6 là một ngày mưa trên khắp phố Tây Ninh. Còn may là mưa lúc rỉ rả, lúc tạm ngừng, để ta có thể chạy đó đây, đi chợ, đi làm hoặc tiện ngắm phố phường một lúc. Trên đường, ta còn cảm nhận những cơn gió mùa đông.

Gió mùa đông! Là sao ấy nhỉ? Như là khi có khi không. Chỉ cầm chắc là ra đường phải khoác thêm áo gió. Bởi gió về từ lúc nào chẳng rõ, nhưng cái hơi lạnh đã thấm thía, đôi lúc làm sởn lên gai ốc trên da. Nhưng cái lạnh ấy lại có vẻ ngọt ngào, gợi lên những thương nhớ đâu đâu chẳng rõ. Như tôi á! Khi gặp cơn gió này lại nhớ những câu thơ Nguyễn Bính thuở chưa xa. Đấy là: “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong”. Đôi khi, còn nhớ vẩn vơ xa xôi đâu đó tận…nước Nga.

Là vì thuở còn đi học, có đọc bài Con đường mùa đông của nhà thơ Nga nổi tiếng Puskin. Bài thơ cứ âm vang một nhịp điệu thê lương buồn tẻ, như là tiếng nhạc ngựa. Và nhớ trong lòng được mấy câu sau: “Trên con đường mùa đông vắng vẻ/ Cỗ xe tam mã băng đi/ Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ/ Đều đều khắc khoải lòng quê…”. Cái mùa đông này, ai đã xem phim Liên Xô xưa, hoặc nước Nga bây giờ thì biết, như trong phim “Nữ hoàng Ekaterina đệ nhị” gần đây chiếu trên VTV3, đấy là những mùa đông trắng tuyết, bao la rợn ngợp. Biết, để thấy mùa đông quê ta dù ở Bắc hay Nam vẫn còn dễ chịu biết bao nhiêu.

Đông mà đã chập chờn chim én bay. Và, dọc các đường phố, những loài cây hoa hồng, tím, vàng đua nhau nở. Ai từng sống ở miền Bắc càng cảm nhận hơn gió mùa Đông phương Nam. Đúng như Nguyễn Bính viết, là đã cảm thấy mùa xuân theo gió đông để trở về. Bạn có thể cảm nhận điều này rõ hơn ở các vùng quê lúa, như bên Long Chữ, Long Giang của đất Bến Cầu; hoặc Long Thành Trung, Trường Đông của Hoà Thành; cho đến những cánh đồng ven sông ở các xã Cẩm Giang, Phước Trạch thuộc Gò Dầu.

Có lẽ là do lúa! Gió đông về, cũng là khi người nông dân đã hoặc đang sục bùn trên những cánh ruộng vừa mới vơi đi con nước lớn tràn bờ, để chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân thường rất bội thu. Rồi dăm bữa nửa tháng nữa, trước khi mùa xuân thật sự đến, màu mạ non xanh hoặc lúa thì con gái đã trải những mộng mơ trên khắp cánh đồng.

Tôi đã có một miền “xuân sớm” hơn ở ngay giữa lòng thành phố Tây Ninh. Đấy là khoảng cánh đồng ven rạch Tây Ninh, thuộc khu phố 4, phường 3. Cánh đồng tuy nhỏ nhưng lại một bên sông, một bên phố đông vui sầm uất. Vào những ngày này, khi nước rút thì người nông dân cũng đã cày bừa xới xáo xong, để lại mặt ruộng sục bùn nâu xăm xắp nước.

Khoảnh ruộng đằng xa vẫn còn một bầy cò trắng, chắc là chúng tận dụng cơ hội này kiếm thêm chút ít cá tôm. Và, lạ kỳ thay, có cả hai cô gái đang mải mê giống y như những phận cò đang kiếm cá. Cô áo đỏ thì đi lượm ốc. Cô kia áo vàng thanh thản ngồi câu. Liệu họ có phải là Tấm và Cám trong câu chuyện cổ tích? Có điều khác đây! Là Tấm, Cám thời nay đi xe tay ga, xe còn dựng trên bờ. Hỏi thăm, cô áo vàng mới câu được vài con cá chốt.

Còn cô áo đỏ cũng đã cầm lưng lưng túi ốc trên tay. Thì ra họ cũng là người của phố, tìm tới đây để mò ốc và câu cá giải trí vậy thôi. Đồng trống, gió đông có lúc lồng lộng, với sức trẻ các cô cũng chẳng thấm gì. Nếu có, chỉ là để các cô thêm ửng hồng đôi má. Và với tôi, khoảng ruộng nhỏ hẹp này còn có thêm những niềm vui nhỏ, ngoài niềm vui đi ngắm cò bay về trong ánh hoàng hôn.

Lần thần nghĩ và tự hỏi: Liệu cái khu ruộng này còn cầm cự được bao lâu nữa nhỉ? Bởi người ta đã “hiện đại hoá” con đường, không còn là mấp mô sỏi đỏ. Giữa lúc đài, báo đang cảnh báo về các “dự án bất động sản ma”- cơn đại dịch từ Alibaba tràn tới, thì ở đây cũng có người như “toan tính” chuyện gì khi đã có thửa ruộng được đổ xà bần từ trên đường tràn xuống. Mai này, nếu toan tính ấy (nếu có) mà thành, liệu rồi đàn cò trắng cùng các cô “Tấm, Cám” biết về đâu? Và cả các cơn gió mùa đông hanh hao, se sắt. Tìm các bạn ở đâu giữa lòng một đô thị đã được phân lô quá sức ồn ào?

NGUYỄN