Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trời đất đã đậm đà hương vị của mùa thu. Dường như cái gì liên quan đến mùa thu cũng trở thành quyến rũ. Nào sắc thu, hương thu và cả… gió mùa thu.
Trước hết là ở câu ca mẹ hát, mà một nhạc sĩ nào đó đã khéo léo đưa vào tác phẩm từ chất liệu lời ru: “Gió mùa thu/ Mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày/ thức đủ vừa năm…”. Câu ca này dường như người Việt Nam ai cũng nhớ, bởi ít ra cũng được nghe các mẹ, hay chị ta từng hát ngậm ngùi bên cánh võng đung đưa.
Sau nữa là sắc thu hay hương thu. Chỉ một vài câu hát này của Trịnh Công Sơn là đã vẽ được những mảng màu thu Hà Nội: “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ…”. Rồi: “cốm sữa vỉa hè/ Thơm bước chân qua…”. Hương thu đấy! Và còn rất nhiều dư vị khác đong đầy trí nhớ làm cảm xúc thăng hoa. Như là hương hoa sữa và hương hoa cúc.
Thực ra, chẳng riêng gì Hà Nội mà ở đâu đâu trên đất nước mình cũng đã tràn hương sắc của mùa thu. Còn tại sao lại có nhiều bài hát hay về mùa thu Hà Nội? Thì tại vì đấy là đất Thủ đô, ai cũng ước muốn một lần qua. Nhiều nghệ sĩ tài năng sống ở đây hoặc đi qua, mà cảm xúc thăng hoa thành tác phẩm để đời.
Nói đâu xa, mùa thu ở Tây Ninh giờ cũng đã nồng nàn hương hoa sữa. Hơn 10 mét cách nhà tôi cũng có một cây. Sáng nay ra nhìn đã thấy những chùm bông trắng xanh phủ đầy tán lá. Thảo nào mấy đêm nay, trong những cơn gió thu đã sực nức, ngạt ngào.
Không còn thoảng thoang, thoang thoảng nữa. Mà là quá thơm, thơm đến nhức đầu. Còn sắc thu? Tôi cũng vừa mới thấy ở chùa Chiêu Liêu gần nghĩa trang Trà Võ. Sao mới thu mà cây bàng trong sân chùa ấy năm nay đã chói ngời lá đỏ. Trong khi những tán bàng ở phố vẫn xanh nguyên. Hay là tại vừa mới qua đi mùa lễ Vu lan và tháng cô hồn, lòng cây còn héo hắt nhớ những “người muôn năm cũ”.
Ðã đậm hương thu lắm rồi trong cơn gió mùa thu. Vì nay đã là tuần đầu tháng 8 âm lịch. Nghĩa là chỉ mươi ngày nữa là đến tết trung thu. Người lớn đã dẫn trẻ em đi tìm mua những chiếc lồng đèn, dù ngày nay đã chẳng còn mấy nơi có lễ rước đèn như thời chúng tôi còn là con nít.
Tôi cũng đã chở cháu đi tìm mua, nhưng giữa cả rừng lồng đèn đủ kiểu, đủ màu hoa mắt nên vẫn chưa chọn được cái nào. Lồng đèn bây giờ đã hiện đại hoá, chỉ bật công tắc là đèn nhấp nháy và vang lên bài hát quen thuộc, như: “Tết trung thu rước đèn đi chơi…” hoặc “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…”.
Tôi sực nhớ chiếc đèn kéo quân, còn gọi nôm na là chiếc đèn cù. Nhớ một tết nào đã quá xa, cha tôi đã cặm cụi vót tre, phất giấy pô-luya làm cái đèn cù. Ðể rồi năm ấy cả nhà xúm xít quanh cây đèn kỳ lạ, quên cả vầng trăng đã lơ lửng trước sân.
Cây đèn năm ấy có cả một đoàn quân vác súng, đeo ba lô cứ đi mải miết. Không còn là những “Voi giấy (ối a) ngựa giấy/ Tít mù (ối) lại vòng quanh…” như một bài hát xưa về chiếc đèn cù. Ðấy là những năm, trai làng tôi đã có nhiều người hối hả tòng quân ra mặt trận. Giờ mới nhớ, bài ca đèn cù ấy có câu kết: “Bao giờ em bén (cái) duyên anh”. Vậy mà có nhiều chàng trai tân ra trận đã mãi mãi không về, khiến nhiều cô gái quê tôi héo hắt lòng chờ đợi.
Ðã đi đến 5-7 quầy hàng lồng đèn mà không đâu có bán cái đèn cù tôi nhớ. Gọi là mua cho cháu thôi, nhưng thật ra là muốn mua cho cả chính tôi. Như mua lại kỷ niệm một thời day dứt nhớ. Thế rồi cơn gió mùa thu đã mách bảo tôi đến mua một chiếc đèn ông sao.
Ở đường Nguyễn Thái Học ấy! Hình như đấy là quầy đồ chơi trẻ em duy nhất có treo những chiếc đèn sao vui náo nức thuở nào. Chiếc đèn kết bằng giấy kiếng trên những cọng dây thép với cả dây màu tua rua phơ phất, nên nhẹ bẫng. Mỗi khi có gió, chùm đèn lại chung chiêng va đập vào nhau.
Ôi! Ðúng là chiếc đèn mà năm nảo năm nao, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết: “Chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu/ Cán đây rất dài cán cao quá đầu/ Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Ðèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan…”.
Quý hơn nữa, là những cây đèn ông sao ấy lại do các em ở một cơ sở nuôi dạy các trẻ em khuyết tật tự làm rồi gửi bán. Ông chủ tiệm cho biết thế, như một lời giải thích cho sự “chưa được đẹp lắm” của chiếc đèn sao. Hỏi ý cháu, thì cháu tôi cũng thích mua cây đèn ông sao.
Lý do:- Vài bữa nữa trường cũng tổ chức hội thi làm đèn lồng. Cháu sẽ cầm cây đèn này làm mẫu cho bài dự thi của mình. Ra về, chiếc đèn phất phơ ngược gió. Bầu đèn như được trời khuyến mãi, cho vào trong đầy ắp gió mùa thu.
NGUYỄN