Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong trí nhớ của tôi thuở ấy, mỗi khi đi đâu, ngoại cũng mang theo giỏ trầu bên người. Lúc đó, trong xóm có nhiều người bán trầu cau và cũng có nhiều người ăn trầu chứ không ít như bây giờ…
Buổi sáng cuối tuần, chạy vội ra chợ mua mớ đồ dùng cần thiết cho gia đình, chợt ánh mắt tôi chạm vào mớ cau trầu của bà lão ngồi nép ở góc chợ.
Bà ngồi đó, bày ra một ít trầu được bó thành từng xấp, một ít cau tươi còn trên quày, mớ thuốc rê… Miệng nhóp nhép nhai trầu, cục thuốc xỉa đưa qua đưa lại, không vội vàng, cũng không rao mời như những gian hàng khác.
Ôi! Sao mà nhìn bà thiệt giống bà ngoại của tôi!
Tôi biết đến lá trầu, trái cau cũng từ cái giỏ đựng trầu be bé của ngoại. Ngày đó, bên hông nhà, ngoại có trồng hai nọc trầu, vài ba cây cau, để dành ăn dần. Cái nọc trầu đó nhìn vậy mà có nhiều công dụng lắm! Lá trầu dành cho ngoại ăn trầu, lá trầu dành để hơ ấm cho em bé.
Dân gian kháo nhau rằng lấy chóp lá trầu dán vào giữa trán cho em bé sẽ giúp hết nấc cục. Còn nữa, cuống trầu dùng làm viết vẽ chân mày cho bé gái, giúp định hình chân mày đẹp sau này.
Có lần vô nhà ngoại chơi, bị nấc cục, tôi chạy ra nọc trầu bứt mấy cái chóp nhọn dán vào giữa trán mình mà có thấy tác dụng gì đâu. Ngoại cười, thì cũng “mặc ưa” đó mà!
Trong vài lần chẻ cau cho ngoại, ngoại biểu lấy cái vỏ cau tươi cắt làm đôi rồi chà lên răng sẽ giúp răng trắng sáng. Cái này thì đúng à nha! Tôi làm riết thành thói quen, cứ mỗi lần chẻ cau cho ngoại thì thế nào một lát tôi cũng cầm cái vỏ cau chà chà lên răng của mình, để cảm nhận một chút vị chát chát, ngọt ngọt của vỏ cau.
Tôi thích nhìn cái cách ngoại ngồi lấy vôi trét lên lá trầu rồi quấn lại nhai chứ không cần đưa vô ống ngoái làm nhuyễn như bà Ba giữa xóm. Nhai xong, ngoại lấy một cục thuốc rê quấn tròn để xỉa. Lúc đó, cái miệng ngoại nhìn vui lắm!
Trong trí nhớ của tôi thuở ấy, mỗi khi đi đâu, ngoại cũng mang theo giỏ trầu bên người. Lúc đó, trong xóm có nhiều người bán trầu cau và cũng có nhiều người ăn trầu chứ không ít như bây giờ…
X.V