Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Giới báo chí Afghanistan chỉ trích biệt kích Anh
Thứ năm: 06:01 ngày 10/09/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Câu lạc bộ truyền thông Afghanistan (MCA) cho rằng biệt kích Anh đã phân biệt đối xử khi thực hiện chiến dịch giải cứu phóng viên của tờ New York Times Stephen Farrell.

Ngày 10.9, Câu lạc bộ truyền thông Afghanistan (MCA) cho rằng biệt kích Anh đã phân biệt đối xử khi thực hiện chiến dịch giải cứu phóng viên của tờ New York Times Stephen Farrell hôm 9.9.

MCA là CLB dành cho các phóng viên, thông tín viên người Afghanistan làm việc cho các hãng truyền thông nước ngoài. Theo MCA, Stephen Farrell, một người mang quốc tịch đôi Anh-Ireland, bị Taliban bắt cóc cùng với phóng viên Sultan Munadi, người Afghanistan làm việc bán thời gian cho tạp chí Time, hôm 5.9 khi đến Kunduz, miền bắc Afghanistan điều tra về vụ máy bay NATO không kích 2 chiếc xe bồn bị Taliban đánh cướp, làm 90 người thiệt mạng, trong đó có nhiều dân thường. Tuy nhiên, thay vì đàm phán với Taliban qua các kênh ngoại giao, Anh đã ra lệnh cho lực lượng biệt kích SAS mở chiến dịch giải cứu. Farrell được giải thoát, Munadi cùng một phụ nữ, một bé trai người Afghanistan và chỉ huy Taliban tử thương vì trúng đạn. Trong chiến dịch này, một biệt kích Anh cũng bị thiệt mạng.

Trước đó, các quan chức của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế đã trực tiếp liên lạc với những kẻ bắt cóc. Được các bô lão, tù trưởng người Afghanistan giúp đỡ thương lượng, chỉ huy Taliban tại Kunduz đã đồng ý trả tự do cho Farrell và Munadi mà không cần lấy tiền chuộc, một điều xưa nay hiếm ở Afghanistan.

Đông đảo đồng nghiệp người Afghanistan và nước ngoài đến dự lễ an táng phóng viên Sultan Munadi hôm 10.9 tại Kabul. Ảnh: Reuters.

Văn phòng của tạp chí Time tại Kabul cũng đã cảnh báo sứ quán Anh rằng, việc sử dụng vũ lực để giải cứu Farrell Munadi chỉ là giải pháp cuối cùng khi mọi kênh thương lượng đều bị cắt đứt. Tuy nhiên, theo các nguồn tin ngoại giao, chính London đã ra lệnh cho biệt kích Anh hành động mà không thông báo cho văn phòng tạp chí Time lẫn gia đình Farrell.

Một vài giờ trước khi biệt kích Anh thực hiện chiến dịch giải cứu, Munadi được phép gọi điện về nhà để trấn an gia đình. Phóng viên Stephen Farrell thuật lại, lúc biệt kích SAS của Anh bất ngờ tấn công vào ngôi nhà mà Taliban cầm giữ hai người, Munadi và Farrell tung cửa chạy ra ngoài. Munadi vừa chạy vừa hét lớn “Nhà báo! Nhà báo!”, nhưng anh bị trúng đạn ngã xuống ngay trước mặt Farrell. Điều đáng tiếc là cho đến giờ, Stephen Farrell vẫn không chịu tiết lộ, Munadi trúng đạn của ai, Taliban hay biệt kích Anh.

Được biết, Sultan Munadi vừa mới tốt nghiệp trường báo chí ở Đức. Anh mới về Kabul có vài tháng và làm việc bán thời gian cho tạp chí Time.

Theo MCA, sự tàn nhẫn và vô nhân đạo của biệt kích Anh chính là việc họ chỉ chăm chăm giải cứu Farrell, không quan tâm đến số phận của nhà báo người Afghanistan. Thậm chí biệt kích Anh còn làm mọi cách để lấy xác đồng đội của mình, đưa lên trực thăng rồi rút đi, bỏ xác Munadi ở lại.

Fazul Rahim, một nhà sản xuất chương trình truyền hình người Afghanistan của hãng CBS News cho rằng, sự kiện này cho thấy, NATO vẫn duy trì “tiêu chuẩn kép” giữa mạng sống của người nước ngoài và người Afghanistan. Bất chấp mọi hiểm nguy, gia đình của Munadi từ Kabul lặn lội đến Kunduz, nhờ các nhà trung gian đàm phán, mới được Taliban cho phép đưa xác Munadi về thủ đô an táng.

Tuy nhiên, phía NATO chỉ tuyên bố rất lấy làm tiếc chứ không thừa nhận trách nhiệm của mình đối với cái chết của phóng viên Sultan Munadi. Đại tá Wayne Shanks, người phát ngôn của liên quân Mỹ - NATO còn cho rằng, trong hoàn cảnh “tên bay, đạn lạc”, không thể chỉ trích biệt kích SAS “tại sao phải làm thế này mà không làm cái khác”.

Cái chết của Sultan Munadi có thể sẽ gây khó khăn cho các phóng viên chiến trường người nước ngoài khi tác nghiệp ở Afghanistan. Phần lớn các phóng viên người nước ngoài, nếu muốn đưa tin trung thực về tình hình Afghanistan, đều phải nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ của các đồng nghiệp bản xứ. Afghanistan là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, với “tiêu chuẩn kép” của NATO, khó có phóng viên người bản xứ nào chấp nhận mạo hiểm.

Mặt khác, đây cũng là tiền lệ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bất cứ phóng viên nào bị Taliban bắt cóc. Taliban sẽ không dễ dàng chấp nhận trả tự do, dù có tiền chuộc, cho những người bị họ cầm giữ.

Đ. Hoàng Thái

(Theo AP/Time)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục