Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Giọt nước cho chút lá xanh
Thứ sáu: 11:52 ngày 29/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - * Truyện ngắn của Nguyễn Đức Thiện

Truyện ngắn của Nguyễn Đức Thiện

Cánh cửa nhà giam khép lại. Anh công an đã thật nhẹ tay, nhưng tiếng động vẫn dội lên, khắc nghiệt. Bao giờ cũng thế, mỗi khi tiếng động ấy dội lên thầy giáo Quỹ đều ngoái đầu nhìn lại. Mắt thầy trĩu buồn. Cạnh thầy, đứa nhỏ gầy guộc cũng đang ngoái cổ nhìn về phía cánh cửa nhà tù. Những giọt nước ắp đầy mi mắt nó.

Hai người hai chiếc xe đạp, sóng hàng. 

Anh trực đài truyền thanh của nhà máy chờ thầy ở cổng nhà:

- Thưa thầy. Có người điện thoại báo chiều nay người ta sẽ đến thăm thầy.

- Ai thế?

- Dạ không biết. Họ điện thoại hỏi thầy còn không. Em bảo còn. Họ hỏi thầy còn ở chỗ cũ không. Em bảo họ vẫn còn. Họ nhắn em báo thầy chiều nay họ đến thăm. Thôi em về. Thầy sắm cái điện thoại đi. Trong nhà, không có cái điện thoại bất tiện lắm thưa thầy….

Thày dựa chiếc xe đạp vào bờ hiên, nhắc đứa nhỏ khoá xe của thầy lại.

- Con nghe rồi đó. Chiều nhà ta có khách. Con cầm tiền ra chợ, mua thêm chút dầu ăn. Lỡ người ta có ở lại ăn cơm với thầy trò mình thì còn có cái mà nấu. Đi nhanh, về nhanh, còn ăn cơm mà đi học chiều.

Thằng bé vâng một tiếng thực lễ phép, làm hết việc được nhắc rồi cầm những đồng tiền thầy giáo Quỹ đưa cho, chạy xe đi.

Thầy Quỹ bước ra sau vườn. Mảnh vườn con con và những cây rau đủ loại mọc tuỳ tiện. Rau dền xen rau cải. Lá mồng tơi chen mọc với mấy cọng rau muống cạn. Cũng không nhiều, mỗi lần hái nấu chừng hai nồi canh là hết. Với thầy như thế là đủ. Đã lâu lắm rồi thầy đã quen với rau dưa. Rau dưa sạch ruột

Thầy không phải chỉ có một mình. Vợ thầy mới “về” cách nay gần chục năm. Con trai lớn đi bộ đội vào những năm ác liệt nhất của chiến tranh. Ở miết bên chiến trường Lào. Hoà bình, anh ta về thăm thầy và xin thầy cho ở lại xứ đó vì trót yêu một cô gái xứ Chămpa rồi. Đứa con trai thứ hai học xong đại học về quê đi dạy. Một cô con gái chẳng nói làm gì. Gái về nhà chồng rồi. Hồi bà còn sống, thầy có nuôi một đứa cháu nội con anh cả. Lâu lâu căn nhà cũ kỹ này sôi lên một trận vì có con cháu, hoặc có những học trò bỗng nhớ đến thầy về thăm, rồi sau đó lại chìm nghỉm trong sự tĩnh lặng. Nhất là khi bà “về”. Anh con trai thứ hai mấy lần mời thầy về ở trong quê. Thầy không đi. Lý do thực đơn giản: thầy còn bao lớp học trò. Đi rồi lỡ chúng muốn gặp lại, làm sao mà gặp được.

* * *

Khách đến vào giấc ba giờ chiều. Ông ta đi trên một chiếc Wave màu bạc len lách trên con hẻm bê tông đến tận cửa nhà thầy giáo Quỹ. Ông ta cúi đầu chui qua cái cổng có hai cánh xiêu vẹo. Ông ta giơ cả hai tay lên và ôm choàng lấy thầy giáo Quỹ khi thầy mới từ trong nhà bước ra.

- Em chào thầy. Thưa thầy…

Thầy giáo Quỹ khẽ đẩy tay người đàn ông ra và nhướng mắt:

 - Anh là ai, sao tôi không nhận ra…

- Dạ, em là Vĩnh. Vĩnh bàn cuối lớp bốn của thầy ngày xưa đây ạ…

- Vĩnh… Ờ, ờ, Vĩnh…

Thầy ngập ngừng thế một lúc khá lâu và rõ ràng, thầy chưa thể tìm ra được cái nét của cậu học trò lớp bốn có gì giống với người đàn ông rắn rỏi, mạnh mẽ trước mặt mình. Thầy đưa cả hai tay, mời khách vào nhà. Ông khách cẩn thận dắt chiếc xe máy qua cổng và lấy ra từ chỗ đèo hàng một bọc nhỏ mang vào nhà, hai tay nâng lên đưa cho thầy giáo Quỹ: 

- Thưa thầy, kể từ ngày lên học cấp hai đến giờ, em không về thăm lại thầy. Em đến để xin lỗi thầy xin thầy nhận cho em gói quà này, coi như thầy đã tha lỗi cho em…

Thầy Quỹ không thể chối từ giơ tay nhận lấy:

- Anh đến thăm tôi thế này là quá tốt rồi… Lần sau đừng quà cáp gì nhé. Mà này, tôi nhớ ra anh rồi đấy. Đừng trách tôi già lẩm cẩm hay quên. Gần tám mươi rồi còn gì…

Cả hai bỗng yên lặng. Chuyện về một đêm cách nay hơn bốn mươi năm bỗng hiện về.

Đó là một đêm mùa đông, rét như cắt da cắt thịt. Không ai còn đi lại trong cái đêm rét mướt như thế. Vĩnh một mình lang thang trên đường. Nó không còn đường nào để về. Nhà nó giờ này chắc đã đóng cửa. Bố nó chắc đã hết cơn giận, lên giường ngủ. Chắc là chỉ còn có mẹ thức vì lo cho nó. Con đường ra cổng Nhà máy giấy Đáp Cầu cũng đã vắng tanh, vắng ngắt. Nó đói và rét. Đói vì từ chiều đến giờ nó không có hạt cơm nào vào bụng. Rét vì trên mình nó chỉ có một chiếc áo sợi chùm ra bên ngoài chiếc áo sơ mi mỏng tanh. Nó không dám về nhà. Một cây roi tre đang chờ nó. Một ông bố dữ đòn đang chờ nó. Chiều nay, khi nghe ông bố quát lên: “Đứa nào lấy tiền trong túi tao?” là nó biết mọi chuyện sẽ bắt đầu nếu nó không trốn nhanh ra khỏi nhà. Không oan một chút nào. Chính nó chứ không phải ai khác. Lần này nữa là lần thứ bao nhiêu mà nó vẫn không chừa. Hễ túi áo bố sơ hở, thế nào nó cũng móc. Khi thì vài xu. Khi thì vài hào. Cũng vì vài xu, vài hào đó mà nó đã từng bị những trận đón tím tái cả cái mông vốn gầy đét của nó. Vậy mà nó cứ không chừa. Lần này không phải vài xu, vài hào mà vài đồng. Vài đồng với mức lương công nhân cơ khí của bố, sẽ không còn là nhỏ nữa. Vĩnh là một đứa trẻ không ra ngang ngược mà cũng không ra một đứa trẻ hiền lành. Mỗi khi bị đánh đòn là mỗi lần nó khóc thảm thương và lạy bố như tế sao. Nhưng rồi sau đó đâu lại hoàn đó. Có gan sang nhà hàng xóm bẻ cổ gà mang ra suối nướng ăn. Có gan chặt cả buồng chuối nhà hàng xóm, rấm chín ăn dần. Chơi đáo bằng cúc áo về nhà vặn tất cả cúc áo trong nhà. Với nhà, nó là một đứa trẻ bất trị. Ông bố rát đòn đánh nó mãi rồi cũng nản. Nhiều khi chỉ còn biết nhìn nó mà thở dài. Lần này là mấy đồng. Không còn là chuyện nhỏ nữa, Vĩnh biết thế. Nó còn biết lần này nó đã đi quá đà, nên nó không dám về nhà. Con đường ra cổng nhà máy sao mà dài thế. Nó thèm được rúc vào chiếc chăn bông khai mù nước đái của mấy đứa em. Nó bỗng thấy cả một khoảng rộng sâu thẳm và đen thui trước mặt. Vĩnh nhận ra, đó là sân vận động của nhà máy. Mà bên cạnh sân vận động là lớp học của nó. Thôi được ghé vào lớp, ngả lưng lên mấy chiếc ghế mà ngủ qua đêm. Chứ còn biết đi đâu bây giờ. Lớp học tường đất mái lá, không cửa nẻo gì. Ngày ấy trường học giống như nhà thờ, chẳng ai dám đến mà phá phách. Vĩnh lẳng lặng chui vào lớp, đến ngay cái bàn mình ngồi học mỗi ngày và ghé lưng xuống cái ghế băng dài. Nhưng cơn đói cứ thúc vào dạ dày nó, khiến cái lạnh càng lạnh hơn. Nó lại bò dậy. Bỗng có một đốm lửa hiện ra. Bếp nhà thầy giáo Quỹ. Hồi ấy, thầy giáo Qũy chưa có nhà. Thầy còn ở trong một gian hẹp cạnh ngay lớp học. Gian bếp được làm tách ra. Vĩnh bò dậy. Mong sao, trong bếp nhà thầy còn một ít cơm nguội. Thế nào cũng có muối. Cơm nguội chấm muối cũng tốt chán rồi. Cũng chẳng mấy khó khăn để lọt được vào bếp nhà thầy giáo Quỹ. Chỉ có một cái phên nứa đan lóng một. Trong bếp có một lò than đã bị trét kín chỉ còn hở có một cái lỗ tròn bằng ngón tay. Nồi cám lợn. Nhà thầy cũng nuôi lợn.. Vĩnh thò tay vào chạn. Cái chạn trống không. Ngọn lửa than tạo ra một thứ ánh sáng yếu ớt đủ cho nó thấy được hết các thứ trong bếp. Vài cái nồi. Nó mở vung từng cái. Toàn là nồi không. Nó thất vọng ngồi xệp xuống ngay cạnh bếp than hồng. Nó kiếm được một thanh củi và nhè nhẹ mở nắp vung nồi cám. Bàn tay nó chạm vào nắp vung, bỏng rãy. Nó buông vội. Nắp vung rơi xuống làm vang lên một tiếng động khiến nó rụng rời chân tay. Một ánh đèn pin loé lên. Hồn vía Vĩnh bay đi đâu hết. Bây giờ thì nó run lên vì sợ, chứ không phải vì rét nữa.

- Vĩnh phải không em?

- …

- Lên nhà đi em. Đừng sợ. Không ai làm gì em đâu. Lúc tối, bố em có đến đây tìm em. Vì thế khi nghe tiếng động ở ngoài lớp tôi đoán là em đã đến. Lên nhà đi, tôi rang cơm lại cho mà ăn… Đói lắm rồi phải không?

Đã từng bốc vụng ruốc thịt, từng xẻo trộm một miếng thịt nạc bỏ vào chảo mỡ rán vàng, từng ăn vụng một miếng thịt gà kho nước mắm… ngon thật. Ăn vụng, bao giờ cũng ngon thật. Nhưng chắc không thể ngon được bằng bát cơm rang đêm ấy thầy giáo Quỹ rang cho Vĩnh.

Sáng hôm sau, thầy giáo Quỹ lấy xe đạp đèo Vĩnh về nhà. Thầy giáo và bố Vĩnh nói gì với nhau ở nhà trên Vĩnh không nghe được nhưng khi thầy về, không thấy bố Vĩnh gầm lên vì giận dữ như trước kia.

Bốn mươi năm rồi. Chuyện ấy, Vĩnh nhớ đến tận hôm nay.

- Em cảm ơn thầy…

- Sao em nhiều lời cảm ơn thế? Mà cảm ơn vì cái gì nào.

- Vì bát cơm rang đêm hôm ấy… Nếu không có nó, không biết bây giờ em sẽ thành con người như thế nào?

- Thế bây giờ em làm gì?

- Dạ, em đi viết báo… Em muốn viết về cái xóm này.

- Xóm không tên, cầu không tên, suối không tên, có gì mà viết?

- Dạ, nó có tên rồi đấy, thưa thầy.

- Tên gì?

- Xóm nghiện

- À tôi hiểu rồi.

Thầy lặng đi, buồn. Lát sau:

- Anh có muốn nghe tôi khuyên anh một câu không?

- Dạ, nghe ạ!

- Anh đừng viết gì cả. Đừng viết gì hết. Xóm nghiện. Anh có thấy nó rất chua xót không? Tôi ở đây đã gần năm chục năm trời, người ta chưa bao giờ nghĩ đến đặt cho xóm này một cái tên. Bây giờ là xóm nghiện. Có cả đứa là học trò tôi đó. Tôi làm thầy mấy chục năm. Về hưu cũng đã mấy chục năm rồi. Học trò thành đạt nhiều, tôi mừng lắm. Nhưng mừng bao nhiêu thì buồn bấy nhiêu. Một trăm học trò thành đạt không giúp tôi hết buồn khi có một học trò hư hỏng. Vậy mà vẫn có những đứa học trò như thế. Lại còn đi tù nữa chứ…

Đã xế chiều. Nắng đã bắt đầu nhạt. Thằng bé dắt chiếc xe đạp lọc cọc vào cổng:

- Thưa thầy con về. Cháu chào bác ạ!

Thầy giáo Quỹ nhận ra ánh mắt ngạc nhiên của Vĩnh:

- Con của thằng học trò tôi đấy. Hôm tuyên án nó xong, thằng bé gào lên gọi bố gọi mẹ nghe mà xót ruột, xót gan. Tôi đưa nó về và nuôi nó đến bây giờ. Mỗi tháng đưa nó lên thăm bố mẹ nó một lần. Hai mươi năm. Tôi muốn khi vợ chồng nó ra tù sẽ có một đứa con tử tế. Nhưng không biết tôi có sống được đến ngày đó không?

Thầy giáo Quỹ thở dài. Tiếng thở dài bật ra làm buồn cả một chiều.

- Thầy vẫn dạy học ạ?

- Tôi mở cái lớp ở tại nhà này cho chúng nó. Anh có biết không, sau nhà tôi có một vườn rau. Rau trồng có, rau dại có. Ngày nào tôi cũng tưới. Sức già rồi, tưới chẳng được bao nhiêu. Nhưng vài giọt thôi có khi cũng làm tươi lại được một cái lá…

Vĩnh xốn xang. Thầy ơi, có thể em đã là chiếc lá nhận được vài giọt nước thầy tưới mỗi ngày…

N.Đ.T

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục