Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Thạnh Bắc:
Giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng quê hương
Thứ năm: 23:05 ngày 07/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm qua, các dân tộc thiểu số ở xã Thạnh Bắc luôn tích cực tham gia phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh trật tự địa phương

Ông Ngọc thường xuyên tập luyện cồng chiêng, giữ gìn văn hoá dân tộc trên quê hương thứ hai.

Trên địa bàn xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, hiện nay có các dân tộc thiểu số như Mường, Thái, Tày, Chăm, Khmer cùng làm ăn, sinh sống với dân tộc Kinh. Trong những năm qua, các dân tộc thiểu số ở xã Thạnh Bắc luôn tích cực tham gia phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh trật tự địa phương. 

Ông Trịnh Đình Ngọc, 53 tuổi, cho biết, gia đình ông là người dân tộc Mường ở tỉnh Thanh Hoá. Ông từng công tác trong Binh đoàn 12, nay thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, xuất ngũ vào năm 1989. Cuộc sống ở quê nhà ngày càng khó khăn, vợ chồng ông dắt hai người con vào Tây Ninh lập nghiệp, dừng chân ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên.

“Lúc mới vào đây, chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng và rất bỡ ngỡ trước cuộc sống mới”- ông Ngọc nhớ lại. Vợ chồng ông đi làm thuê làm mướn cho người dân trong xóm ấp, tích cóp tiền bạc, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè đồng hương, mua được 7 công đất nông nghiệp. “Có đất sản xuất, đời sống kinh tế bắt đầu khởi sắc hơn. Hằng năm, vợ chồng tôi trồng lúa và chăn nuôi gà, vịt”- ông Ngọc chia sẻ.   

Vợ chồng ông Ngọc hạnh phúc trong căn nhà mới khang trang.

Năm 2001, Công ty Cao su Tân Biên tuyển công nhân, vợ ông là bà Bùi Thị Liên học nghề cạo mủ, vào làm việc cho nông trường. Thời điểm này, mỗi công nhân được công ty cấp cho một phần đất để làm nhà ở trên địa bàn tổ 1, ấp Suối Mây, xã Thạnh Bắc nên gia đình ông Ngọc dọn về đó. “Khi mới vào đây, tôi xin làm dân quân của xã. Sau đó, lần lượt đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác ở xã Thạnh Bắc, như Phó Chỉ huy quân sự xã, Công an viên, Phó Ban MTTQ xã và từ năm 2012 đến nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Phó Ban đại diện dân tộc Mường”- ông Ngọc bộc bạch.

Bà Liên làm nghề cạo mủ cao su, còn ông Ngọc vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua bò về nuôi sinh sản. “Bò đực thì bán thịt, bò cái để sinh sản tiếp. Từ vài con bò nhỏ, đến nay đàn bò của tôi đã được 15 con. Tháng tới có một vài con sẽ sinh sản lứa bê mới”- ông Ngọc khoe. Nhờ tích cực lao động như thế, vợ chồng ông đã xây được căn nhà tường khang trang và nuôi dạy hai người con ăn học nên người. Người con trai lớn đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, là đảng viên và đang làm nhân viên của một công ty. Người con gái út tốt nghiệp đại học Ngân hàng Cần Thơ, đang chờ xin việc làm.

Lập nghiệp ở vùng đất mới, vợ chồng ông Ngọc mang theo bản sắc của dân tộc Mường. Để giữ gìn và phát huy văn hoá cồng chiêng, năm 2014, ông Ngọc vận động cộng đồng dân tộc Mường tại địa phương đóng góp tiền mua một chiếc trống và 4 chiếc cồng chiêng. Hiện nay, dàn cồng chiêng này để tại nhà ông, dùng để huấn luyện cho thế hệ trẻ dân tộc Mường sử dụng.

Hai năm một lần, vào những dịp lễ Khai hạ đầu xuân (rằm tháng Giêng), ông Ngọc đều tổ chức cho bà con đồng bào dân tộc Mường trong khu vực tham gia các hoạt động văn hoá và trò chơi dân gian như nhảy dây, nhảy sạp, ném còn, bắn cung, bắn nỏ, đánh cù. bà con mặc trang phục Mường hát múa bằng tiếng dân tộc của mình.

“Những ngày lễ, hội ở địa phương, chúng tôi cũng thường tham gia các hoạt động nhảy sạp, biểu diễn cồng chiêng phục vụ văn nghệ”- ông Ngọc cho hay. “Nhiều năm qua, tôi có một mơ ước đó là làm sao cất được một căn nhà sàn trên phần đất rộng khoảng 1 ha để làm nơi sinh hoạt văn hoá truyền thống cho đồng bào dân tộc Mường. Mơ ước này tôi mới chỉ ấp ủ trong lòng thôi chứ chưa dám đề nghị với chính quyền địa phương hỗ trợ”.   

Trong những năm qua, ông Ngọc đã vận động xây tặng 2 căn nhà Tình nghĩa quân nhân cho đồng bào dân tộc Mường gặp khó khăn về nhà ở. Ông Ngọc hướng dẫn chúng tôi đến tham quan căn nhà Tình nghĩa quân nhân đang được hoàn thành để trao cho anh Quách Văn Hưng, sinh năm 1983, ở tổ 4, ấp Suối Mây, hiện làm công nhân ở tỉnh Bình Dương: “Căn nhà này do Lữ đoàn Thông tin 23, Quân khu 7 tặng.

Dự kiến, ngày 28.11 sắp tới sẽ nghiệm thu và ngày 6.12 sẽ làm lễ bàn giao cho anh Hưng”. Ông Ngọc cho biết thêm, sắp tới, ông sẽ tiếp tục vận động xây dựng thêm một số căn nhà nữa trên phần đất trống kế bên; và Tết năm nay, sẽ tổ chức vui chơi, sinh hoạt văn hoá cho đồng bào dân tộc tại đây.

Ông Ngọc nói thêm: “Trong cộng đồng người Mường chúng tôi, nếu có vấn đề gì thì đều tập hợp để hỗ trợ nhau. Gia đình nào có tang ma, hiếu hỉ, chúng tôi đều tập hợp nhau lại để lo công việc. Cùng với các dân tộc khác, chúng tôi đoàn kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”.

Không chỉ riêng gia đình ông Ngọc, một số đồng bào dân tộc Mường khác cũng nhiệt tình đóng góp cho quê hương thứ hai. Em Phạm Thị Hương- Bí thư Xã đoàn, quê ở Thanh Hoá, bảy năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Thanh Hoá, cô gái này xin vào Thạnh Bắc công tác. Những năm đầu, Hương được phân công làm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng của xã.

Trong thời gian công tác ở đây, Hương tranh thủ thi vào Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Khoa Lưu trữ quản trị văn phòng. Sau 4 năm đèn sách, Hương tốt nghiệp đại học và ba năm nay làm Bí thư Xã đoàn. “Ở đây, môi trường làm việc rất tốt. Em được các cô chú lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công tác và học tập. Hiện nay, em đang tìm xem ở tỉnh mình có mở lớp đại học nào dạy vào ngày thứ bảy, chủ nhật để em thi vào học thêm, nhằm nâng cao kiến thức” - Bí thư Xã đoàn bộc bạch.

Đường vào khu dân cư dân tộc Thái được nâng cấp thành đường bê tông xi măng, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại.

Anh Nguyễn Văn Quang- 36 tuổi, ngụ ấp Bàu Mây là người dân tộc Thái, quê ở Thanh Hoá, cùng cha mẹ và 4 anh chị em vào đây sinh sống từ năm 1995. Gia đình anh gặp khó khăn về nhà ở, năm 2011, được Công ty Cao su Tân Biên tặng một căn nhà tình thương. Anh từng thuê 3 ha đất trồng mì, trồng cao su, nhưng không may, giá cả bấp bênh nên lỗ nặng.

Hiện anh làm nhân viên bốc vác ở một vựa than gỗ gần nhà. Khi chúng tôi đến thăm, anh vừa đi làm về, mặt mày, quần áo còn lấm lem bụi than. Theo anh Quang, tính đến nay, ở xã Thạnh Bắc có tổng cộng 6 hộ gia đình là người dân tộc Thái, hầu hết đều chí thú làm ăn.

Bà Phan Thị Tố Nga- Bí thư Đảng uỷ xã Thạnh Bắc cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn xã, trong đó có các dân tộc thiểu số luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đời sống của người dân các dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay, nhà cửa được xây dựng khang trang.

Đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện; văn hoá truyền thống được bảo tồn, giữ gìn và phát triển, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục