BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong thời đại 4.0 

Cập nhật ngày: 01/11/2021 - 00:09

BTN - Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu hướng hội nhập quốc tế, không thể phủ nhận sự thật đáng báo động là “quốc hồn quốc tuý” của chúng ta đã và đang bị pha tạp quá nhiều. Nhiều người quen sử dụng ngôn ngữ đan xen nửa Việt nửa Anh trong văn nói lẫn văn viết.

Từ “oder” thường thấy ở các quán cà phê.

Thách thức và thực trạng

Mấy tháng trước, dân tình lan truyền câu chuyện dở khóc dở cười thế này: một gia đình nọ ở chung cư, cứ mỗi tuần là phải xét nghiệm Covid-19 một lần. Tới ngày xét nghiệm, ông bố nhờ đứa con lấy giấy ra ghi giúp dòng chữ “Xin 5 kit test” để dán trước cửa.

Cô bé ngây thơ, nghe không rõ, tưởng nhà mình thiếu thức ăn nên ghi là “Vui lòng cho 5 ký (kg) tép”. Phải chi ông bố bảo là “Xin 5 bộ xét nghiệm” thì đứa con đâu có nhầm lẫn như thế.

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì một ca sĩ Việt Nam vừa sang Mỹ vài tuần mà đã có màn nói chuyện theo kiểu nửa tây nửa ta (trong một đoạn phát trực tiếp), cứ vài ba chữ thì lại chêm thêm tiếng Anh vào, nghe rất “chói tai”.

Đáng nói, cô này sử dụng tiếng Anh nhưng theo ngữ pháp tiếng Việt. “Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (hiểu nôm na: “mọi người lại làm cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn”), nên là mình cứ enjoy cái moment (tận hưởng khoảnh khắc) này”- câu nói của cô đã phá vỡ mọi quy tắc tiếng Việt lẫn tiếng Anh, tạo nên sự tranh cãi, chê bai.

Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy rằng, dân ta ngày nay khá lạm dụng tiếng nước ngoài, song không phải ai cũng có thể hiểu. Mặc dù không phải là danh từ riêng hay thuật ngữ khoa học và có sẵn từ thay thế trong tiếng Việt, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên “tây hoá”, làm xuất hiện nhiều cụm từ lai căng, như bắt trend (bắt xu hướng), tụt mood (xuống dốc cảm xúc), làm online (làm việc trực tuyến), book phòng (đặt phòng), ship hàng (giao hàng), triệu view (triệu lượt xem), fix giá (điều chỉnh giá), hàng auth/authentic (hàng chính hãng)…

Thậm còn phát sinh nhiều từ rất rườm rà như “fan hâm mộ” (“fan” đã có nghĩa là người hâm mộ), “mã QR code” (từ “code” đã mang nghĩa là mã), bộ kit test nhanh (đã có “bộ” rồi còn “kit”)…

Trong các hoạt động thương mại, đặc biệt là lĩnh vực thời trang, làm đẹp, nhiều nhãn hàng tích cực quảng bá thương hiệu bằng các hình thức giảm giá, tặng quà như: “Sale (bán hạ giá) sốc sập sàn”, “Nhận ngay gift set (bộ quà tặng) khi mua combo (gói kết hợp sản phẩm)”, “Free ship (miễn phí vận chuyển) cho đơn hàng từ 99k”…

Cũng dễ hiểu, vì muốn bán được nhiều, phải nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng. Một chiến dịch quảng cáo thành công là khi thu hút được sự chú ý của nhiều người. Hay nói cách khác, càng sáng tạo thì khả năng tiếp cận khách hàng càng cao.

Ngoài phố, nhan nhản quán cà phê dành cho giới trẻ có dòng chữ “Order tại đây”. Trông cực kỳ “ngứa mắt”. Sao không ghi một câu tiếng Việt rất dễ hiểu là “Gọi món tại đây” thay cho cái câu “nửa nạc nửa mỡ” kia? Nếu như phục vụ cả khách nước ngoài, tại sao họ không để một câu tiếng Anh hoàn chỉnh là “Order here” và kèm theo câu tiếng Việt? Sau khi khách đã chọn món, nhân viên nói: “Quán mình đang có chương trình grand opening, discount 30% toàn menu.

Mình xin confirm lại bill của bạn gồm…”, thay vì “Quán mình đang có chương trình mừng khai trương, chiết khấu 30% toàn bộ thực đơn. Mình xin xác nhận lại hoá đơn của bạn gồm…”.

Hay khi bước vào một quán ăn theo phong cách hiện đại, nhân viên sẽ nói “anh chị đợi chút để em set up bàn ghế ạ”, mà không phải là “anh chị đợi chút để em sắp xếp bàn ghế ạ”.

Nếu quán hết chỗ ngồi thì họ sẽ thông báo “quán em hiện tại full (đầy) rồi ạ”. Thỉnh thoảng, khách lại khen “quán này view đẹp, décor cute”, thì nên hiểu là “quán này có tầm nhìn đẹp, trang trí dễ thương”.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, người ta sử dụng ngôn ngữ kiểu tây ta lẫn lộn trong mọi tình huống, từ câu chuyện phiếm với bạn bè đến những cuộc trao đổi mang tính chất nghiêm túc.

Có khi khiến người đọc phải mất thời gian lên Google tra từ điển mới hiểu nổi. Ví dụ: “Tuần này em xin phép off (nghỉ) 1 ngày”; “Baby (em bé) nhà em mới được 3 months (3 tháng); hay “Hôm qua em pm nhưng chưa thấy anh rep”- có nghĩa “Hôm qua em nhắn tin riêng nhưng chưa thấy anh trả lời”; “Btw mình xin review về bộ phim”- nghĩa là “Nhân tiện mình xin đánh giá về bộ phim” (btw là viết tắt của cụm từ “by the way”)…

Những người rao bán hàng thì vẫn cứ ra rả “nhớ share vào các group”, dịch ra là “nhớ chia sẻ vào các hội nhóm”; hay tư vấn “em highly recommend cho chị mẫu này”- tức là “em gợi ý, khuyến khích chị chọn mẫu này”.

Hoặc trước khi kết thúc một nội dung nào đó, họ thường kêu gọi “hãy like, follow, để lại comment…”, được hiểu là “Hãy nhấn thích, theo dõi, để lại bình luận…”. Đó là chưa kể những trường hợp vô tư dùng các từ ngữ tục tĩu đến khó coi từ cư dân mạng ở lứa tuổi mới lớn.

Lại có một số công ty đăng bản tin tuyển dụng nhân sự như sau: “Nhân viên sẽ được training trước khi vào làm chính thức. Yêu cầu teamwork tốt. Deal lương khi phỏng vấn (note: upto 15M + bonus + bảo hiểm, được join year end party).

Call or Ib để nhận JD và apply ngay”. Không biết là họ cố ý chứng tỏ môi trường làm việc năng động hay sao mà không dùng hẳn một ngôn ngữ thôi?! Thông tin trên phải được hiểu là: “Nhân viên sẽ được tập huấn trước khi vào làm chính thức.

Yêu cầu có tinh thần làm việc nhóm tốt. Lương thoả thuận khi phỏng vấn (lưu ý: có thể lên tới 15 triệu đồng + tiền thưởng + bảo hiểm, được tham gia tiệc tất niên). Hãy gọi hoặc nhắn tin cho chúng tôi để nhận thông tin miêu tả chi tiết công việc và ứng tuyển ngay”.

Chưa hết, vài năm trở lại đây, dưới các bài viết thông báo về sự ra đi của ai đó thường xuất hiện các bình luận “R.I.P” hay “RIP anh nhé!” (RIP là viết tắt của cụm từ “Rest in peace”- dịch ra là Hãy yên nghỉ) để thay cho một lời chia buồn sâu sắc. Nhiều ý kiến cho rằng dòng chữ chia buồn gọn lỏn ấy trông thật kệch cỡm, không thể hiện thiện chí cũng như không phù hợp với văn hoá Việt Nam.

Đối với người trẻ, việc sử dụng ngôn ngữ pha tạp đã trở nên rất bình thường, mấy từ tiếng Anh đơn giản cũng không đến nỗi quá xa lạ. Tiếc thay, nhiều người sử dụng từ nước ngoài như một thói quen, nói cho “sang” nhưng chưa chắc hiểu rõ ngữ nghĩa hoặc không nắm về mặt chính tả, phát âm không chuẩn.

Nghe bạn bè nói mà không dám hỏi lại vì sợ “quê”, rồi bắt chước một cách vô tội vạ để không lạc hậu. Hậu quả là dễ bị nhầm lẫn, nói sai và trở thành trò hề trong mắt người khác.

Hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ ngoại lai khiến nhiều người không còn thích xem các trò chơi trên sóng truyền hình. Bởi cách phát ngôn của một số “ngôi sao” rất hay pha trộn, làm khán giả cảm thấy khó chịu.

Đâu phải ai cũng biết “talk show” nghĩa là buổi toạ đàm, “team” là đội, “event” là sự kiện, “idea” là ý tưởng, “complain” là phàn nàn... Nhưng đó lại là tình trạng chung của rất nhiều chương trình giải trí.

Còn nhớ năm ngoái, trong một cuộc thi âm nhạc, có một ca sĩ người Việt thường nhận xét các thí sinh: “Amazing! Good job em!” (Thật tuyệt vời! Làm tốt lắm em!). Có vẻ như anh này rất thích cách nói như vậy nên cách đây không lâu, trong mùa thứ hai của chương trình, anh ta lại gây chú ý khi “ném” một tràng: “Khi anh làm việc với em, mình không cần nói về flow nữa, mình chỉ nói về content thôi.

Lúc đó mới là big things gonna happen”. Thấy thí sinh ngơ ngác, người dẫn chương trình dịch lại: “Cái nhịp của em đã chắc rồi, chúng ta sẽ làm việc với nhau về chủ đề, nội dung”.

Tình huống vô tình tạo ra sự hài hước nhưng cũng làm khán giả thắc mắc: phải chăng họ đã quên luôn lối diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ, không tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Việt hay cố tình trổ tài ngoại ngữ để cho người ta thấy mình thật ngầu?

Đi tìm nguyên nhân

Nhiều người cho rằng, căn nguyên của ngôn ngữ “lồi lõm” bắt nguồn từ “bệnh sính ngoại” và tâm lý thích khoe khoang. Không hẳn ai cũng vậy. Đúng là vẫn có đâu đó một bộ phận muốn tỏ ra là họ giỏi ngoại ngữ, nhưng để giải thích cho hiện trạng này, có rất nhiều lý do.

Có người lý giải, do họ thường xuyên tiếp khách, xử lý thư từ, đọc các tài liệu nước ngoài hoặc chủ đầu tư công ty là người ngoại quốc mới dẫn đến việc dùng lẫn lộn tiếng Việt với tiếng Anh như một “căn bệnh nghề nghiệp”.

Có những từ, người ta vẫn biết nghĩa tiếng Việt của nó, nhưng vì tính chất chuyên môn vẫn sử dụng từ tiếng Anh. Tiêu biểu: marketing (tiếp thị), public relations - PR (quan hệ công chúng), viral (lan toả), digital (kỹ thuật số), copywriter (người viết nội dung), database (cơ sở dữ liệu), admin (quản trị viên), agency (công ty cung cấp dịch vụ truyền thông)… Nếu chỉ áp dụng trong phạm vi công việc thì cũng nên chấp nhận và thông cảm.

Một số thành phần cho rằng việc đệm từ nước ngoài giúp câu văn ngắn gọn hơn. Sở dĩ như vậy là vì một số từ trong tiếng Việt dù rất hay nhưng dài dòng. Bằng chứng: từ “mall” dịch ra là “trung tâm mua sắm”; “laptop” chỉ có hai âm tiết, trong khi “máy tính xách tay” có tới bốn âm tiết; tương tự, “smartphone” tức “điện thoại thông minh” cũng vậy.

Một số thì cho biết do ảnh hưởng của sự phát triển mạng xã hội, việc sử dụng các từ tiếng Anh như thank you (cảm ơn), sorry (xin lỗi), ok (đồng ý), bye (tạm biệt)… hoặc những từ như dạng tiếng lóng, theo trào lưu giúp cho cuộc trò chuyện trong một nhóm người nào đó trở nên thân mật, gần gũi hơn, giảm bớt tính trịnh trọng, trang nghiêm.

Trong một số trường hợp nhạy cảm, người ta cũng có thể thay thế các từ tiếng Việt bằng tiếng Anh một cách tinh tế, như là một biện pháp nói giảm nói tránh. Giống như những người bán hàng bảo rằng họ bán “hàng fake”, thay vì tự nhận là hàng giả, hàng nhái, khách nào hiểu thì thôi, còn khách nào không hiểu thì dễ “sụp bẫy”. Điều này cũng tương đương với việc những cửa hàng thường dùng từ bigsize (cỡ lớn), sexy (gợi cảm) như để thể hiện sự tế nhị với người mua.

Có ý kiến gay gắt rằng, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và mạng xã hội là một không gian mở để họ thể hiện cá tính. Không ai được quyền kiểm soát cách sử dụng ngôn ngữ của người khác, miễn là họ không vi phạm pháp luật.

Mặt khác, các bạn trẻ lên tiếng, việc trộn ngôn ngữ là một phương pháp học tập, rèn luyện kỹ năng Anh ngữ rất hiệu quả. Thường xuyên liên tưởng, sử dụng Anh văn trong cuộc sống hằng ngày sẽ giúp não bộ ghi nhớ từ vựng tốt hơn. Và thực tế tồn tại nhiều từ tiếng Anh mà tiếng Việt không thể dịch ra sát nghĩa, cũng như không thể diễn tả chính xác hàm ý hoặc có dịch ra thì nghe cũng hơi… kỳ.

Như đã nói, đánh vào thị hiếu khách hàng cũng là một chiến lược kinh doanh của nhiều công ty lớn nhỏ. Nhiều người có cùng quan điểm rằng, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin trong bối cảnh toàn cầu hoá, chúng ta nên có cái nhìn cởi mở hơn. Tức là phải chấp nhận giao lưu văn hoá, không nên quá bảo thủ, cứng nhắc, chỉ cần cố gắng nói sao cho đừng quá khó hiểu là được.

Những lý do trên nghe có vẻ hợp lý, nhưng nguy hiểm ở chỗ đôi lúc người ta lại lạm dụng từ ngữ “lai căng” trong đời sống sinh hoạt thường ngày, làm mất đi những cái hay trong tiếng Việt. Vậy nên, chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, tuỳ vào từng hoàn cảnh, mục đích mà vận dụng.

Bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt - trách nhiệm không của riêng ai

Một điều khá đáng buồn là kể cả các đài truyền hình hay sách, báo cũng thường mắc lỗi sử dụng từ ngữ không chuẩn mực. Thời gian gần đây, một số tờ báo (nhất là các báo điện tử) vẫn hay chêm các từ tiếng Anh (rộng rãi như từ “netizen”- cư dân mạng) mà không hề có chú thích hay để trong dấu ngoặc kép, cứ như thể người đọc sẽ hiển nhiên hiểu.

Một số đài truyền hình trong nước thì dùng từ “kit test” thay vì là “bộ dụng cụ xét nghiệm”. Song song đó, từ “shipper” cũng được nhắc đến trong các bản tin thời sự, trong khi tiếng Việt đã có từ “người giao hàng”.

Đó chỉ là ba từ điển hình mà chúng ta thường gặp, bên cạnh rất nhiều từ khác. Điều này đã phần nào gây nên sự khó hiểu cho người xem, nhất là đối với người già, các em nhỏ, người dân tộc thiểu số và những người sống ở khu vực nông thôn.

Có thể một số người sẽ phản ứng: “Thời buổi nào rồi mà còn khắt khe bắt bẻ mấy chuyện đó làm gì, bây giờ người ta dùng những từ ngữ đó đầy ra mà”. Tuy nhiên, xin nhắc lại, đối tượng mà truyền thông đại chúng hướng tới là đông đảo các tầng lớp nhân dân, rất đa dạng và đủ mọi trình độ văn hoá.

Vì vậy, thiết nghĩ các phương tiện báo chí nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, dùng từ cẩn thận, rõ nghĩa, để mọi người dân đều có thể hiểu. Có như vậy thì mới đạt được ý nghĩa truyền thông và mang về những hiệu ứng tốt nhất. Đấy cũng là một cách góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

Có lẽ không chỉ tiếng Việt mà hàng trăm ngôn ngữ khác trên trái đất cũng đang bị đe doạ như vậy. Liệu tiếng Việt có giữ gìn được sự trong sáng vốn có của nó trước những sức ép trong thời đại 4.0? Đây không phải là một vấn đề mới, mà đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu.

Rõ ràng, thật khó tránh khỏi sự méo mó của ngôn ngữ khi đất nước đang trong giai đoạn mở cửa. Nên chăng, chúng ta phải có những quy định chung, đặt ra những giới hạn, quy ước mức độ cụ thể thế nào, đặc biệt là khi những người của công chúng phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Xin nhấn mạnh rằng, muốn bảo vệ tiếng Việt, chúng ta không thể lơ là trong môi trường giáo dục. Chính những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ là những người quyết định cho số phận của tiếng Việt đi đâu về đâu. Và giáo viên là tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Vì vậy, ngành Giáo dục cần chú tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác xác định tư tưởng cho học sinh, sinh viên, quán triệt về nguyên tắc sử dụng tiếng Việt, đồng thời giúp các em trau dồi thêm cách diễn đạt.

Việc lạm dụng tiếng nước ngoài sẽ làm tổn hại đến vẻ đẹp riêng của tiếng nước ta. Dẫu biết phải thay đổi, suy nghĩ thoáng hơn nhưng không có nghĩa là dễ dãi chấp nhận mọi thứ. Thay vào đó, chúng ta có thể bổ sung thêm những từ chưa có trong tiếng Việt, tạo ra những từ mới như cà phê, phim, ti vi, bít tết, bia, sô-pha, sút, ki-ốt…

Lấy tiêu chí “hoà nhập nhưng không hoà tan”, tiếng Việt nói riêng và bản sắc văn hoá Việt Nam nói chung cần được tôn trọng, bảo tồn, phát triển một cách đúng đắn, theo những lộ trình phù hợp.

Làm sao để sự trong sáng của tiếng Việt sống mãi với thời gian và luôn là niềm tự hào của dân tộc? Việc này đòi hỏi phải có sự chung tay, cùng nhau nỗ lực, kết hợp các yếu tố tình cảm, nhận thức, hành động từ mọi tầng lớp nhân dân chứ không riêng gì với các cấp quản lý, các nhà nghiên cứu.

Anh Thư