Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
LUẬT GIÁO DỤC SỬA ĐỔI:
Giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ?
Thứ tư: 14:52 ngày 22/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu vẫn tiếp tục duy trì mô hình như lâu nay, Bộ GD-ÐT thực chất không khác gì một ban giám hiệu khổng lồ, lo từ việc lớn đến việc nhỏ, chạy theo và đối phó với từng sự vụ. Nhiệm vụ chính của Bộ là hoạch định chiến lược phát triển giáo dục ở tầm quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước chứ không phải đi in từng cái đề thi- kể cả giấy nháp.

Hôm qua 21.5, tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo các vị đại biểu, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc nếu không bỏ thì giao việc đó cho từng địa phương tổ chức. Ý kiến khác đề xuất, nếu vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT thì quy định rõ trong luật là giao cho Chính phủ nghiên cứu thực hiện, sau này khi thấy cần thiết sẽ bỏ mà không cần phải sửa luật. Lại có ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao cho các trường tuyển sinh đại học như giai đoạn trước…

 

Trước các đề xuất nêu trên, lãnh đạo Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hoá giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài”.

Căn cứ thông tin nêu trên, có thể rút ra một số điều.

Trước hết, ý tưởng đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc giao kỳ thi này cho địa phương tổ chức, không phải lần đầu được đề cập. Thật ra, ý kiến đó đã được báo chí phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục từ rất lâu. Suốt một thời gian dài, người ta đã tranh luận, giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, nên bỏ kỳ thi nào? Hai luồng ý kiến này bất phân thắng bại.

Cuối cùng, Bộ GD-ÐT quyết định gộp hai kỳ thi làm một, đó chính là kỳ thi THPT quốc gia, được tổ chức từ năm 2015 đến nay. Bốn năm tổ chức là quá đủ để đánh giá về ưu điểm, hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia. Như đã đề cập nhiều lần, thực tế chứng minh rằng, kỳ thi này có nhiều ưu điểm nhưng cũng không ít hạn chế về chuyên môn và rủi ro trong khâu tổ chức.

Trên phương diện chuyên môn, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và thi tuyển sinh đại học có mục đích khác nhau. Thế nhưng, khi làm bài thi, thí sinh lại phải làm toàn bộ đề thi, cho dù thí sinh có nguyện vọng vào đại học hay không. Ðây là điều bất cập vì dù có nguyện vọng vào đại học hay không, thí sinh vẫn phải làm bài thi. Về khâu tổ chức, kỳ thi được tổ chức tại địa phương không còn là “tiềm ẩn rủi ro” mà thực tế cho thấy, ở một số nơi, kết quả kỳ thi đã bị những người có chức trách làm sai lệch điểm bài thi một cách nghiêm trọng. Không ai có thể hình dung, một thí sinh thi 3 môn được nâng gần 30 điểm hoặc câu có trường hợp ba điểm không (0) thành ba điểm 9.

Trở lại vấn đề giữ hay bỏ thi tốt nghiệp THPT. Luồng ý kiến đề nghị giữ kỳ thi này không phải không có cơ sở. Ngoài những lý do, căn cứ mà Uỷ ban của Quốc hội trình bày, như đã dẫn ở phần trên, có một thực tế khác mà thường những người trong ngành mới hiểu sâu, đó là nếu không tổ chức thi, học sinh sẽ không chịu học. Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, tâm lý chủ đạo của người học, không riêng gì học sinh phổ thông mà cả sinh viên đại học, sau đại học là tâm lý đối phó. Thi mới học, không thi… không học. Do đó, việc duy trì kỳ thi cũng là duy trì động lực, động cơ học tập của học sinh.

Tuy nhiên, xét cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, các hoạt động giáo dục, trong đó có hoạt động dạy đã và đang chuyển từ tâm lý đối phó sang tự giác, tự ý thức. Ðiều này có nghĩa, người học, cụ thể ở đây là học sinh THPT, lứa tuổi bắt đầu trưởng thành đã ý thức được việc học là của mình, là tương lai của chính bản thân chứ không phải học cho thầy cho cô.

Do vậy, dù có thi hay xét tốt nghiệp thì học sinh vẫn phải học, nếu muốn tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Nhìn lại quá khứ, trước khi kỳ thi tốt nghiệp tiểu học được bãi bỏ, dư luận cũng ào ào phản ứng với những “phản đối, bức xúc” này kia. Có ý kiến còn “cực lực phản đối” Bộ GD-ÐT vì quyết định bỏ thi tốt nghiệp ở cấp tiểu học. Song thời gian cho thấy, quyết định bỏ thi tốt nghiệp ở cấp học này là đúng, đơn giản vì nó không còn cần thiết nữa.

Sau tiểu học, Bộ GD-ÐT quyết định bỏ thi tốt nghiệp cấp trung học cơ sở. Cũng như trước đó, quyết định bỏ thi tốt nghiệp cấp trung học cơ sở (được ghi vào luật) đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, cách nay chỉ vài năm, có vị đại biểu Quốc hội còn đòi khôi phục lại kỳ thi này. Thực tế cho chứng minh rằng, sự lo ngại “không thi không học” là không có cơ sở. Các em học sinh lớp 9 vẫn học và thi hoặc nộp hồ sơ xét tuyển sinh vào lớp 10 một cách bình thường. Còn điểm thi tuyển sinh cao hay thấp là một câu chuyện khác.

Giáo dục phổ thông có ba cấp, trong đó tiểu học, trung học cơ sở đã bỏ thi tốt nghiệp. Vậy có nên bỏ nốt kỳ thi này ở cấp trung học phổ thông không? Câu trả lời là, hoàn toàn có thể bỏ kỳ thi này. Xin nhắc lại, đề xuất bỏ kỳ thi này đã được đưa ra từ lâu. Tổ chức một kỳ thi không phải để ấn định bao nhiêu phần trăm thí sinh thi đỗ, bao nhiêu thi trượt.

Nhưng, kết quả công bố sau các kỳ thi cho thấy, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đều gần 100%. Như vậy, dù chưa thực hiện phổ cập giáo dục song trên thực tế, cấp THPT coi như đã mang tính chất của phổ cập giáo dục. Một khi đã phổ cập giáo dục thì việc tổ chức thi tốt nghiệp ở cuối cấp học không còn cần thiết nữa. Thay cho tổ chức thi, chỉ cần quy định trong luật, sở Giáo dục - Ðào tạo cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông, giống như ở cấp trung học cơ sở và tiểu học đã và đang làm.

Giấy chứng nhận này có giá trị sử dụng tương đương với bằng tốt nghiệp. Sau khi đã có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, thí sinh dự thi hoặc xét tuyển vào đại học, cao đẳng… tuỳ theo nguyện vọng cá nhân.

Sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì mặc nhiên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức bốn năm nay không còn cần thiết và cũng không tồn tại. Thay vào đó, các trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh theo yêu cầu riêng, phù hợp với tính chất, đặc điểm đào tạo của từng trường. Cơ sở pháp lý để thực hiện điều này là Luật Giáo dục đại học.

Luật này đã quy định rõ, các trường được tự chủ trong khâu tuyển sinh, song thực tế cho thấy, Bộ GD-ÐT vẫn đang chủ trì tất cả các kỳ thi. Nói khác đi, sự tự chủ trong tuyển sinh đại học chỉ là sự tự chủ nửa vời. Nhiều trường đại học từng đòi hỏi cơ chế tự chủ nhưng khi luật cho phép lại không muốn tự chủ hoặc không thể tự chủ, vì đã có Bộ GD-ÐT lo việc này.

 Tóm lại, có thể hình dung, sau khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi THPT quốc gia, khâu tuyển sinh là việc của các trường đại học, cao đẳng. Ðể hạn chế tiêu cực, Bộ GD-ÐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, đó là kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu tuyển sinh của trường đại học. Trường nào có uy tín, đào tạo có chất lượng, “làm ăn đàng hoàng”, người học sẽ tìm đến, ngược lại, chấp nhận bị đào thải, giống như doanh nghiệp vậy.

Nếu vẫn tiếp tục duy trì mô hình như lâu nay, Bộ GD-ÐT thực chất không khác gì một ban giám hiệu khổng lồ, lo từ việc lớn đến việc nhỏ, chạy theo và đối phó với từng sự vụ. Nhiệm vụ chính của Bộ là hoạch định chiến lược phát triển giáo dục ở tầm quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước chứ không phải đi in từng cái đề thi- kể cả giấy nháp.

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục