Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giữ hoa cho làng huệ
Thứ tư: 08:21 ngày 04/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong giai đoạn cực thịnh, hoa huệ trắng còn trở thành cây trồng “xoá đói giảm nghèo” của xã. Nhiều người thoát nghèo, vươn lên khá giả cũng nhờ huệ trúng mùa, được giá.

Hội Nông dân xã thường xuyên khảo sát chất lượng hoa huệ trên địa bàn.

Nhắc đến xã Hảo Đước (huyện Châu Thành) là nhắc đến làng hoa huệ trắng nổi tiếng của tỉnh. Trong giai đoạn cực thịnh, hoa huệ trắng còn trở thành cây trồng “xoá đói giảm nghèo” của xã. Nhiều người thoát nghèo, vươn lên khá giả cũng nhờ huệ trúng mùa, được giá. Vài năm trở lại đây, cây huệ chẳng còn được người nông dân Hảo Đước mặn mà.

Diện tích hoa huệ giảm mạnh

Theo số liệu từ Hội Nông dân xã Hảo Đước, cách đây khoảng 5 năm, toàn xã có hơn 50 ha trồng hoa huệ. Hầu như nhà nào cũng có vài công đất trồng huệ. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng hoa huệ của xã giảm dần, hiện chỉ còn hơn 20 ha. Nhiều hộ trồng huệ lâu năm chuyển sang trồng mì, thuốc lá và hoa màu khác. Nguyên nhân được cho là hoa huệ ngày càng có nhiều bệnh lạ vì thời tiết; giá vật tư nông nghiệp, công thợ tăng cao; ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19...

Tính đến nay, ông Phan Văn Hùng (sinh năm 1973) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa huệ, và là một trong những hộ trồng hoa huệ lâu năm ở Hảo Đước. Ông Hùng còn làm thêm việc thu mua hoa huệ của người đân trong xã để sang lại cho thương lái các tỉnh, thành, từ đó tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho người trồng huệ tại địa phương.

Ông Hùng cho biết, trồng hoa huệ mang lại giá trị kinh tế cao hơn các loại hoa màu khác, chỉ cực công chăm sóc và nặng vốn phân bón, diêm tro để dưỡng hoa. Hoa huệ chỉ xuống giống 1 lần trong năm vào tháng 8 âm lịch. Sau khoảng 3 tháng, hoa huệ bắt đầu cho thu hoạch và kéo dài đến tháng 8 năm sau. Mỗi vụ huệ chỉ cần đạt khoảng 70% là nông dân đã có ăn, không cần phải đạt 100%.

Tết Nguyên đán là mùa vụ lớn nhất và có giá trị nhất của người trồng huệ. Do đó, ai ai cũng hồi hộp trông đợi mùa hoa tết. Mỗi mùa tết đến, khắp các nẻo đường trên địa bàn xã đều là hoa huệ. Người dân phải làm chòi, thắp đèn canh hoa tại ruộng. Nhà này nối nhà kia, rộn rã khắp xóm làng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hình ảnh các ruộng huệ trải dài, nối tiếp giữa các hộ với nhau không còn nữa.

Theo ông Hùng, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm diện tích trồng hoa huệ của xã lại giảm một ít do thời tiết khắc nghiệt, hoa huệ xuất hiện nhiều bệnh mới khiến bông bị sượng, xấu không bán được, dẫn đến việc thua lỗ. Giá phân bón, nhân công tăng cao cũng góp phần làm giảm diện tích trồng huệ. Cách đây 3 năm, phân bón có giá từ 700.000 - 800.000 đồng/bao. Hiện nay, giá khoảng 1,3 - 1,4 triệu đồng/bao, tăng gần gấp đôi. Chi phí thuê nhân công cũng tăng, từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng tuỳ theo công việc nặng hay nhẹ.

“Bệnh sượng bông vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người nông dân chỉ có thể phun, xịt thuốc theo kinh nghiệm, nếu “hên” thì hoa bớt bệnh và bán được. Nhiều hộ dân bỏ huệ trồng cái khác vì vốn đầu tư cao nhưng hoa dễ bị bệnh”- ông Hùng nói.

Năm 2019, Hội Nông dân xã thành lập Tổ hợp tác trồng và thu mua hoa huệ trắng xã Hảo Đước do ông Hùng làm tổ trưởng. Tổ hợp tác có 19 thành viên với tổng diện tích trồng khoảng 19 ha. Trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, người trồng huệ chật vật vì hoa không bán được. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân cũng dần chuyển sang trồng những cây kinh tế khác hoặc giảm diện tích trồng huệ. 

Đến năm 2021, tổng diện tích trồng của Tổ hợp tác giảm còn khoảng 12 ha. Năm 2022 chỉ còn hơn 10 ha. Diện tích trồng giảm khiến giá hoa huệ vào dịp tết năm ngoái tăng đáng kể. Dự kiến, tết năm nay, giá huệ trắng cũng sẽ rất cao và không đủ nguồn hàng cung cho thị trường. Dù được giá song người dân lại mất mùa do hoa bệnh, chẳng bán được bao nhiêu.

Điểm tập kết thu mua hoa huệ tại nhà ông Hùng.

Niềm tin vào hoa huệ

Tết năm nay, hộ ông Nguyễn Tấn Võ (sinh năm 1980) trồng 1,2 ha huệ. Vụ hoa vừa rồi, trừ các chi phí, ông thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi (vụ kéo dài 1 năm). Ông Võ chuyển sang trồng huệ được 10 năm nay. Năm ngoái, ông đầu tư khoảng 200 triệu đồng trồng huệ, còn năm nay phải tăng thêm vài chục triệu đồng vì tiền phân bón và công thợ tăng. Tuy nhiên, ông Võ vẫn quyết tâm duy trì trồng hoa huệ.

Quan trọng là người trồng phải luôn theo sát cây trồng và có kinh nghiệm nhìn cây bắt bệnh, sớm phòng bệnh, chữa bệnh cho cây. Vụ huệ năm nay thời tiết khắc nghiệt, mưa gió trái mùa nên người dân chăm sóc hoa vất vả hơn.

“Hoa huệ tuy khó chăm sóc và dễ bị bệnh song nó mang lại giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Tôi may mắn khi vụ huệ năm ngoái hoa đạt chất lượng vào mùa tết. Năm nay, chất lượng hoa rất khả quan. Mỗi khi hoa có dấu hiệu sượng bông, tôi thường tự chế thuốc phun chữa cho hoa. May mắn hoa vẫn phát triển tốt”- ông Võ cho biết thêm.

Năm nay, ông Phan Văn Hùng chỉ xuống giống 1 ha hoa huệ, giảm một nửa so với các năm trước. Huệ nhà ông Hùng cũng bị sượng hoa do thời tiết mưa nhiều, lạnh kéo dài. Ông Hùng khá lo lắng khi tết cận kề mà hoa lại không đạt chất lượng.

“Huệ không chỉ là cây trồng mà còn là loài hoa đặc trưng của xã Hảo Đước. Hơn 20 năm nay, trồng huệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân xã. Tôi luôn hy vọng các sở, ngành chức năng hỗ trợ nông dân tìm phương pháp trị bệnh cho cây hoa huệ, để người dân an tâm trồng trở lại”- ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Trung- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hảo Đước cho biết, trong 2 năm 2020 và 2021, diện tích hoa huệ giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19, hoa không đạt chất lượng, hoặc giá trị thị trường không như người dân mong muốn.

Ngoài ra, vấn đề phân bón tăng giá cao cũng góp phần làm giảm diện tích trồng huệ trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ đề xuất Hội cấp trên hỗ trợ tìm phương pháp chữa bệnh trên hoa huệ, để người dân có thể yên tâm tái trồng, qua đó duy trì làng hoa huệ truyền thống cho xã Hảo Đước.

Lê Thuỳ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục