BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữ hồn di sản

Cập nhật ngày: 14/02/2016 - 03:58

Nhạc sĩ Đức Lập luôn nhiệt huyết với việc truyền nghề.

Là người nổi tiếng nhờ điệu múa trống Chhay-dăm, trong cuộc sống hằng ngày ông Trần Văn Xén ngụ ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành cũng bình thường như bao người khác. Các thành viên trong đội múa trống hiện tại đa phần là thợ hồ, thợ hàn… ngày ngày bận rộn với công việc mưu sinh.

Thế nhưng lúc cần, các anh sẵn sàng dành thời gian (thường là buổi tối) tập luyện để biểu diễn. Ông Xén sống bằng nghề gò hàn chì đã hàng chục năm nay, cuộc sống còn vất vả nhưng không vì vậy mà ông thôi niềm đam mê với nghệ thuật múa trống Chhay-dăm.

Dù không phải người sáng tạo ra điệu múa trống ấy nhưng ông Xén là người am hiểu nó. Ông kể lại chuyện bản thân ông đã bị cuốn hút theo điệu múa trống Chhay-dăm ngay sau lần đầu tiên được thấy các tín đồ đạo Cao Đài biểu diễn với tất cả nét uy dũng trong đó. Thế là ông xin theo học mà không ngại sự đau đớn về thân xác khi tập luyện. Rồi ông cũng được trải nghiệm cái cảm giác “nổi da gà” khi được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt cái điệu múa mà ông cùng đội trống của mình đại diện cho tỉnh nhà “mang chuông đi đánh xứ người”, quả thật khó quên.

Điệu múa trống Chhay-dăm gần như “không có đối thủ” nhưng không vì thế mà những nghệ sĩ dân dã như ông Xén lại lơ là chuyện trau dồi, tập luyện và truyền dạy. Mọi người vẫn không ngừng cố gắng để giữ gìn bản sắc cho một điệu múa đẹp đến quyến rũ. Hiện đội múa trống của ông Xén có hơn 30 người, trong đó có các em nhỏ tuổi từ 8 đến 12. “Mình phải truyền dạy lại cho các em cháu, để điệu múa trống Chhay-dăm không bị mai một theo thời gian. Khi điệu múa này được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, chúng tôi càng thấy mình có trọng trách lưu truyền nó”- ông Xén nói. 

Các nhà làm phim người Mỹ ghi cảnh tráng bánh phơi sương. Ảnh: Hoàng Anh

Cũng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia nhưng không mang dáng dấp sôi động, hùng tráng và hào sảng như nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, cái nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng luôn gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ chịu thương, chịu khó.

Làm nghề tráng bánh gần 60 năm trời, bà Nguyễn Thị Lan (79 tuổi) hiện không còn thức khuya dậy sớm tráng bánh nhưng bà chưa quên cái nghề từng trải qua “thời hoàng kim” ở xóm Bọng, khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng thuở trước. Chính cái nghề này đã giúp bà nuôi con cái khôn lớn nên người. Bà cười vui vẻ: “Giờ tôi không còn tráng bánh nhưng nó là “vốn liếng” mà tôi cho các con gái khi chúng theo chồng, giờ chúng nó vẫn sống với nghề này”.

Hiện nay, những người theo nghề làm bánh tráng đã giảm đi nhiều so với trước kia. Tuy thế, ở khu phố Lộc Du vẫn còn những người phụ nữ hằng ngày cần mẫn dậy sớm, ngồi miệt mài bên bếp lửa đỏ rực để tráng bánh hay nướng bánh. Chị Lê Kim Hương là một trong số đó. Gần hết quãng đời 47 năm của chị gắn với nghề làm bánh tráng, sau này là nướng bánh tráng phơi sương.

Chị chia sẻ: “Nghề này cực và phải chịu đựng sức nóng nhưng cũng nhờ nó mà tôi được nuôi lớn. Rồi cũng nhờ nó, tôi có thể trang trải cuộc sống, nuôi dưỡng các con. Thật khó lòng bỏ được”. Chị Đặng Thị Trang, vốn là người từ xứ khác theo chồng về Lộc Du rồi gắn bó với nghề tráng bánh hơn chục năm nay, nhờ vậy cuộc sống kinh tế gia đình chị cũng ổn định. Chị nói: “Nghề này cũng cực lắm nhưng tôi không thể bỏ được, vì nghỉ làm sẽ buồn lắm”.

Nghề làm bánh tráng khá vất vả, thu nhập lại không cao nhưng qua bàn tay những người phụ nữ xứ Trảng, bánh tráng Trảng Bàng không chỉ là thương hiệu, mà đã trở thành nghệ thuật, thành di sản văn hoá độc đáo của cả Việt Nam.

Ông Đặng Bình Chí với quyển sổ ghi chép của mình.

Đã ngoài tuổi bảy mươi, ông Đặng Bình Chí, Phó Trưởng Ban khánh tiết đình Gia Lộc ở thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng vẫn tâm huyết với việc duy trì các lễ nghi cúng tế trong lễ hội Kỳ yên diễn ra tại ngôi đình này- một di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Để duy trì những nghi lễ cúng tế, ông Chí đã dày công học hỏi từ những người đi trước. Hiện nay, khi tuổi đã cao, ông dốc lòng ghi chép lại các nghi thức cúng tế vào sổ tay để giữ cho nét văn hoá ấy khỏi bị thất truyền. Ông nói: “Chúng tôi phối hợp cùng chính quyền địa phương, các trường THPT tạo điều kiện cho các cháu học sinh tham gia cúng lễ Kỳ yên hằng năm để tạo nền tảng kế thừa”.

Là một thành viên của Ban nghi lễ đình Gia Lộc, ông Lê Thành Tánh (Tám Bổn) ngụ ấp An Phú, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng cũng là người hiếm hoi hiểu biết về nghi lễ cúng đình “đúng chuẩn” được truyền lại từ đời xa xưa. Với lòng ham mê, từ lúc còn nhỏ, ông Tánh đã dày công học hỏi để có được những nền tảng kiến thức về cúng đình như ngày nay. Người nông dân chân đất ấy nắm giữ lễ nghi cúng tế để thực hành- không chỉ cho đình Gia Lộc mà còn cho nhiều ngôi đình khác trong tỉnh. Ông Tánh hiện quản lý Ban nghi lễ với hơn 20 thành viên, đều là những con người bình dân có tâm với việc bảo vệ các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Ông Tánh tin những giá trị truyền thống sẽ mãi được lưu truyền.

Nói đến đờn ca tài tử cải lương, người ta nghĩ ngay đến một môn nghệ thuật gắn liền với sự dân dã. Có thể thấy phong trào đờn ca tài tử cải lương nay đang có sự hồi sinh. Nhiều nơi, đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những người thuộc tầng lớp bình dân. Không ít người trong số họ tìm đến “lò” để được đào luyện ca hát cho thoả niềm đam mê. Nói về việc truyền nghề đờn ca tài tử thì ông Lê Đức Lập, ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu là một trong những người thầy đầy tâm huyết.

Ông Lập cho biết, ông dạy hát miễn phí, còn dạy đàn thì có lấy thù lao mức tượng trưng. Hiện số người theo học ở “lò” ông Lập đã lên đến hàng trăm. Những ngón đờn tài tử vốn là niềm đam mê từ thuở nhỏ của nhạc sĩ Đức Lập. Thời trẻ, cũng vì niềm đam mê đó mà ông… bỏ nghề làm công chức để theo và cho đến nay, sau nhiều năm trôi qua ông vẫn không hối hận về điều đó.

Nhạc sĩ Đức Lập cho biết, niềm vui của ông chính là được sống với nghề và truyền nghề. Ông vui vẻ: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục truyền dạy cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở thành di sản văn hoá đại diện của nhân loại cho đến khi nào mình không còn dạy được nữa mới thôi”. Và ông khẳng định: “Đã dạy thì phải dạy cho đúng bài bản để môn nghệ thuật không bị sai lệch làm mất giá trị vốn có của nó”.

VI XUÂN