BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữ lửa đam mê để theo nghề 

Cập nhật ngày: 17/01/2018 - 06:18

BTN - Ông Lâm Thành Hưng- Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh cho biết: “Hiện nay, anh em nghệ sĩ theo nghề đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Tuy nhiên, với lòng đam mê, họ vẫn có động lực để tiếp tục gắn bó với nghề.

Các diễn viên tập vở cải lương “Đằng sau khu đất vàng”.

Trong năm 2018, chúng tôi sẽ xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật của đoàn” nhằm phát triển nghệ thuật cải lương trên địa bàn tỉnh nhà”.

Đoàn Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh hiện có 32 thành viên, trong đó có 13 nghệ sĩ. Nhiều người trong số họ đã trải qua hàng chục năm gắn bó với nghề. Những năm cải lương đang thời vàng son, không ít nghệ sĩ đã nếm trải vị ngọt cuộc đời dưới ánh hào quang sân khấu.

Rồi cải lương suy yếu dần đi, mang theo những nỗi buồn man mác. Hiện tại, những nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Tây Ninh chủ yếu chỉ còn biểu diễn phục vụ tuyên truyền là chính. Ai có chút lợi thế thì được mời đi show, có điều kiện tăng thêm thu nhập.

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thanh Mai- Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh cho biết, hoạt động nghệ thuật hiện nay có nhiều cái khó.

Trong đó, có cái khó về lực lượng kế thừa. Đào chính của đoàn hiện có hai người, một đã ngoài 40 và một cũng đã quá 30. Tuổi đời của kép nam còn lớn hơn nữa- có người đã ngoài 50. Vậy mà hiện tại vẫn chưa có diễn viên đủ sức để thay thế. Nhân lực mỏng, kinh phí hoạt động của Đoàn lại thấp.

Chính sự khó khăn này đã ảnh hưởng đến việc chọn, nhận kịch bản để dựng và biểu diễn. Theo chị Thanh Thanh Mai: “Với những kịch bản mà số lượng nhân vật quá đông hoặc tuổi tác nhân vật quá trẻ, chúng tôi đều không thể chọn lựa bởi không có đủ người phù hợp để diễn”.

Chị Mai cũng cho biết thêm: “Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, nhiều năm qua, ngoài đào tạo diễn viên sẵn có, Đoàn còn thông báo tuyển người trên các phương tiện truyền thông, hoặc tìm kiếm tài năng tại các hội thi đờn ca tài tử cấp huyện, cấp tỉnh và các lò đào tạo; thế nhưng, vẫn không thể bổ sung nhân lực mới”.

Lý do không tìm được nguồn kế thừa được giải thích là- có người hát hay nhưng không có sắc vóc và ngược lại; cũng có những người đáp ứng đủ điều kiện đòi hỏi nhưng họ lại không muốn trói mình vào khuôn khổ mà chỉ thích hoạt động tự do, chủ yếu là vui chơi theo kiểu tài tử. Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử đang phát triển mạnh, số người “tầm sư học nghệ” để ca được các bài bản khá đông, nhưng nếu để chọn theo nghiệp ca diễn cải lương thì hầu như không có mấy người.

Theo quy định, việc tuyển diễn viên vào Đoàn Nghệ thuật có yêu cầu khá cao về bằng cấp. Trong khi đó, đa số nghệ sĩ chỉ có năng khiếu tự thân là chủ yếu. Vì vậy, nhiều nghệ sĩ tuy có năng lực nhưng vẫn chỉ làm theo diện hợp đồng bởi thiếu bằng cấp chuyên môn.

Những diễn viên trẻ tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng sân khấu (tại thành phố Hồ Chí Minh) đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp, nhưng họ lại không muốn về quê, chỉ thích bám trụ thành phố lớn để tìm kiếm một công việc có thu nhập tốt hơn so với về tỉnh nhà để hưởng đồng lương cố định.

Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều năm nay Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh chưa thể tiếp nhận các gương mặt tài năng mới. Nghệ sĩ Đông Dương, một trong những kép trụ cột của Đoàn là người đã theo đuổi nghiệp cải lương trong 25 năm. Mải mê theo nghiệp, 10 năm sau anh mới có điều kiện tiếp tục học để lấy bằng tốt nghiệp THPT, rồi học tiếp các lớp quản lý, đại học.

Sau 21 năm làm theo chế độ hợp đồng với Đoàn, cuối cùng, nghệ sĩ Đông Dương cũng được vô biên chế chính thức. Anh chia sẻ: “Khi vào nghề, tôi cũng từng suy nghĩ đến việc mai này khi không còn hát được nữa thì phải chuyển đổi công việc, nên phải cố gắng học tập để có vị trí vững chắc hơn”. Anh nói mình không có gì để tiếc nuối khi chọn theo nghề cải lương, bởi đó là truyền thống gia đình, là đam mê của bản thân.

Nghệ sĩ Ưu tú Anh Thư, một trong hai đào chính của Đoàn cũng có thời gian dài gắn bó với nghệ thuật cải lương. Theo nghề hơn 20 năm, chị đã trải qua một quá trình rèn luyện không ít gian khó. Từ một cô bé có năng khiếu và đam mê loại hình nghệ thuật tài tử cải lương, Anh Thư đã không ngừng cố gắng theo đuổi niềm đam mê của mình.Ngoài trau dồi kỹ thuật chuyên môn, chị còn chịu khó học tập nâng cao trình độ để đáp ứng các điều kiện theo quy định đối với người diễn viên.

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ đào chính tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Nghệ sĩ Ưu tú Anh Thư cũng có nhận show biểu diễn bên ngoài. Chị cho biết: “Tôi có sự tiến bộ rõ rệt là nhờ sự dìu dắt, chỉ dạy của các đàn anh, đàn chị. Và tôi hài lòng với vị trí hiện tại”. Cũng theo chị, trong thời buổi hiện nay, việc thưởng thức nghệ thuật không còn khó khăn gì đối với mọi người, nên công chúng ít đến xem hát cải lương cũng là điều đương nhiên.

Trong tình hình mới, Nghệ sĩ Ưu tú Anh Thư thường hay đi diễn ở các vùng sâu, vùng xa để phục vụ công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh nhà. Chị vui khi thấy ở những nơi ấy còn nhiều khán giả yêu mến sân khấu cải lương. Chị cho rằng: “Để khán giả không thấy chán mà quay lưng lại với sân khấu thì anh chị em nghệ sĩ chúng tôi phải luôn cố gắng làm việc thật nghiêm túc, phải biết thả hồn vào nhân vật mình thủ vai, khiến cho nó trở nên sống động, gần gũi với họ”.

Theo nhận định của Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thanh Mai, với mức thu nhập tính theo bình quân hiện nay, các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh vẫn “sống được”. “Với nghệ sĩ chúng tôi, chỉ cần còn một khán giả nghe và hiểu, chúng tôi còn hát, còn phục vụ. Và khi thấy có thêm một người nào đó biết hát, biết say mê cải lương, chúng tôi lại có thêm niềm vui, tin tưởng vào sức sống bền vững của bộ môn nghệ thuật truyền thống này”- chị nói.

VI XUÂN