Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự:
Giữ lửa truyền thống để soi sáng muôn đời sau
Thứ hai: 08:18 ngày 02/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bàn Dân nghĩ rằng ta nên hết sức cảnh giác, tỉnh táo và nâng cao sức đề kháng bằng cách không ngừng đẩy mạnh, nâng cao nhận thức chính trị, tăng cường công tác giáo dục truyền thống, nhất là đối với giới trẻ để không bị sa vào “bẫy rập” của bọn xấu.

Không nói đâu xa, ngay trong những ngày lễ Quốc khánh năm nay, trên các mạng xã hội vẫn có những kẻ xấu tung lên không ít tin, bài xuyên tạc ý nghĩa, diễn tiến cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 với những luận điệu hết sức vô lý, sai trái, không có căn cứ theo kiểu “tung thêm hoả mù vào lớp bụi thời gian” để phỉnh phờ, đánh lừa những người ít quan tâm đến lịch sử, những người có thiên kiến, định kiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta.

- Chào ông bạn già, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh này liền kề với hai ngày nghỉ cuối tuần, tính ra là nghỉ tới bốn ngày, ông không thu xếp đi chơi đâu đó được sao?

- Chịu thôi ông à, mấy ngày nghỉ lễ đúng vào cuối mùa hè, con cháu ở xa tụ về, mình phải ở nhà sum họp với bọn trẻ, thành thử…

- Hai ba thế hệ ít khi “đồng đường”, chắc mấy nhóc tíu tít bên ông bà suốt nhỉ!

- Vâng, mấy cháu đang tuổi học trò cứ hỏi về ý nghĩa kỳ lễ này, trong khi sự kiện Quốc khánh diễn ra gần tám chục năm rồi, lúc mình còn chưa ra đời, khiến mình không khỏi bối rối. May là mình còn nhớ rõ những chuyện do cha mẹ mình kể hồi trước nên cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu tìm hiểu của mấy cháu.

- Hay quá, chuyện như thế nào ông kể lại Bàn Dân nghe với?

- Mình về hưu gần được chục năm, nghĩa là cũng khoảng chục năm sau ngày Quốc khánh 2.9.1945 mình mới ra đời. Còn mẹ mình năm ấy tuổi mới đôi mươi, làm công nhân nông nghiệp cho hãng đường của Pháp bên Thanh Điền.

Bà thường kể cho mình nghe, thời ấy đói khổ dữ lắm, ngày ngày đi làm cỏ mía, đi đốn mía rất cực nhọc mà hễ ngơi tay chút là cặp-rằng quất roi mây lên đầu, trong khi tiền công tháng chỉ có mấy đồng, không đủ tiền mua gạo muối nên đâu có được học hành gì.

May sao đầu năm ấy, có mấy anh Việt Minh trên tỉnh xuống phát động phong trào, cùng với mấy anh Thanh niên Tiền phong mở lớp bình dân ban đêm cho học nên mới biết đọc, biết viết. Mấy anh còn dạy ca hát, những bài hát cách mạng, dạy luyện tập thể dục thể thao.

Chiều chiều anh em trong xóm tụ tập đánh banh, tập đồng diễn đi đều bước “một, hai”; tối tối xách đèn mang vở đi học, rồi “khai hội”, ca hát vui lắm… Qua Tết Ất Dậu chưa đầy một tháng thì Nhựt đảo chánh Tây. Gần nhà ngoại tôi có một tay tên là Ba Mốc “ở bạn” cho người Tây chủ hãng Ca-răng, bên bờ sông Vàm Cỏ.

Đêm đó Ba Mốc lẳng lặng chèo ghe đưa chủ Tây qua Bến Sỏi, nghe nói chủ Tây định trốn qua Miên vì sợ Nhựt bắt. Ba Mốc đưa chủ Tây đi rồi cũng trốn đi mất, hình như là anh ta ôm theo mớ tiền với cây súng của Tây cho đi lớ ngớ đâu đó rồi bị cướp giết chết, đáng đời tay sai.

Sau ngày Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh, cậu tôi theo kháng chiến đi biền biệt, mẹ tôi theo ông bà ngoại tôi sang vùng Long Hoa, rồi lấy chồng ở thị xã mình đến bây giờ. Sau ngày giải phóng, bà ngoại tôi mới biết cậu tôi đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, ông ngoại tôi đã qua đời, chỉ còn bà ngoại được hưởng chế độ gia đình liệt sĩ, bà sống đến gần trăm tuổi rồi cũng qua đời. Giờ thì cha mẹ tôi đều đã “theo ông theo bà”, nhưng câu chuyện ngày xưa mẹ kể tôi vẫn chưa quên, mỗi năm đến dịp lễ 2.9 tôi lại nhớ ông bà, cha mẹ, nhớ cả “một thời thanh niên” của các cụ.

- Bây giờ ông kể lại chuyện ấy cho con cháu nghe, Bàn Dân nghĩ rằng, như thế là “truyền lửa” cho thế hệ trẻ đấy ông ạ!

- Vâng, ông nghĩ vậy chắc cũng đúng, nhưng tôi lại nghĩ những câu chuyện truyền thống thì càng lâu, càng xa xưa sẽ càng trôi nhanh theo dòng thời gian, dễ đi vào quên lãng. Trong khi những người trong cuộc, tức là những “nhân chứng lịch sử”, cũng lần lượt “đi vào thiên cổ”, sợ rằng “bụi thời gian” sẽ phủ mờ dần đi, đến lúc nào đó sẽ không còn ai nhớ chuyện gì đã xảy ra, xảy ra như thế nào… thì làm sao hả ông?

- Ông lo xa như vậy cũng đúng. Nhưng Bàn Dân nghĩ không chỉ có chuyện “thời gian làm quên lãng” thôi đâu, hiện tại vẫn còn không ít điều đáng lo hơn nữa đấy, ông có biết là chuyện gì không?

- Có phải là ông muốn nói đến chuyện trên các mạng truyền thông xã hội, vẫn còn lắm kẻ xấu, kẻ phá hoại lợi dụng tính năng hiện đại, nhanh nhạy của công nghệ thông minh để xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng ta, chống phá đất nước, nhân dân ta đó không?

- Ông biết vậy là rất đúng. Không nói đâu xa, ngay trong những ngày lễ Quốc khánh năm nay, trên các mạng xã hội vẫn có những kẻ xấu tung lên không ít tin, bài xuyên tạc ý nghĩa, diễn tiến cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 với những luận điệu hết sức vô lý, sai trái, không có căn cứ theo kiểu “tung thêm hoả mù vào lớp bụi thời gian” để phỉnh phờ, đánh lừa những người ít quan tâm đến lịch sử, những người có thiên kiến, định kiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta.

Chính vì thế, Bàn Dân nghĩ rằng ta nên hết sức cảnh giác, tỉnh táo và nâng cao sức đề kháng bằng cách không ngừng đẩy mạnh, nâng cao nhận thức chính trị, tăng cường công tác giáo dục truyền thống, nhất là đối với giới trẻ để không bị sa vào “bẫy rập” của bọn xấu. Bàn Dân nói vậy, ông thấy thế nào?

- Tôi hiểu ý ông, và tôi cũng nghĩ việc cần làm ấy không chỉ là việc của những người làm công tác tuyên truyền, công tác thông tin truyền thông, mà tất cả mọi người trong xã hội ta, đất nước ta đều cần làm, nên làm và phải làm nếu mong muốn cuộc sống chúng ta ngày càng lành mạnh, tươi đẹp, hạnh phúc hơn.

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh