Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Sinh năm 1984 ở Trảng Bàng- quê hương của nhiều giọng ca cải lương nổi tiếng, trong đó có đương kim trưởng đoàn hiện nay, nghệ sĩ ưu tú Kim Thoại, Hồng Cẩm theo gia đình đi lập nghiệp ở xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Từ nhỏ, cô đã có năng khiếu văn nghệ dù không được ai dạy. “Lúc nhỏ, có ai dạy bài bản gì đâu, toàn nghe người ta hát rồi bắt chước, tự học.

Từ nhiều năm qua, khi sân khấu cải lương rơi vào tình trạng thoái trào trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình nghệ thuật khác, hàng chục đoàn cải lương từ nhà nước đến tư nhân lần lượt tan rã. Nhiều nghệ sĩ rơi vào cảnh không nơi nương tựa, đành phải chấp nhận phận hát rong quán xá, gọi là cho “qua ngày, đoạn tháng”. Mặc cho những biến thiên, sân khấu Đoàn Cải lương Tây Ninh vẫn tiếp tục sáng đèn, một phần cũng nhờ sự “hà hơi, tiếp sức” của hầu hết các vị lãnh đạo ơ một tỉnh biên giới - vốn được xem là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, từng sản sinh ra những tài danh nức tiếng Nam bộ. Phần khác, chính là nhờ những tâm huyết của những nghệ sĩ quyết sống bằng nghề, quyết gìn giữ và phát huy truyền thống của một đoàn cải lương được thành lập trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cách đây 55 năm. Trong số đó, có nghệ sĩ trẻ đầy tiềm năng Hồng Cẩm.
|
Tôi biết Hồng Cẩm từ khi cô mới về Đoàn năm 2003, chập chững những bước đi đầu tiên trên sân khấu. Khi đó, Đoàn cải lương Tây Ninh còn đóng quân trong trụ sở tạm là nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh. Thật tình, khi ấy tôi cũng không mấy chú ý đến cô gái nhỏ nhắn 19 tuổi, có nước da bánh mật, diễn xuất hơi “cưng cứng”, tay chân có phần lóng ngóng trong những màn vũ đạo. Phải đến lần xuống tận Cần Thơ xem Hội thi Tuyển chọn diễn viên triển vọng và xuất sắc giải Trần Hữu Trang lần X – 2007, đến vòng bán kết, tôi mới có dịp chứng kiến một Hồng Cẩm đầy tự tin, uyển chuyển múa roi, biểu diễn màn phi ngựa trong trích đoạn “Xuân Nương” do đạo diễn Linh Châu dàn dựng. Trước những thành viên ban giám khảo dày dạn kinh nghiệm, hàng chục năm trong nghề, trong đó có cả bậc thầy tuồng cổ Thanh Tòng, Hồng Cẩm diễn cứ như không trong khi ở dưới khán đài, đạo diễn Linh Châu cứ ôm ngực vì lo. Phong cách diễn cùng giọng ca mượt mà đã giúp cô lọt vào vòng chung kết giải năm ấy.
Sinh năm 1984 ở Trảng Bàng- quê hương của nhiều giọng ca cải lương nổi tiếng, trong đó có đương kim trưởng đoàn hiện nay, nghệ sĩ ưu tú Kim Thoại, Hồng Cẩm theo gia đình đi lập nghiệp ở xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Từ nhỏ, cô đã có năng khiếu văn nghệ dù không được ai dạy. “Lúc nhỏ, có ai dạy bài bản gì đâu, toàn nghe người ta hát rồi bắt chước, tự học. Năm 2002, em tham gia đội văn nghệ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh dự Hội diễn Văn nghệ Quân khu 7. Lần đó, đội đoạt huy chương vàng, em cũng đoạt huy chương vàng diễn viên xuất sắc. Khi đạo diễn Đăng Minh cùng bác Út Nghiệm (Nguyễn Thế Nghiệm – nguyên Trưởng đoàn Cải lương Tây Ninh) lên nhà xin ba mẹ cho em về đoàn, em cũng không nghĩ là mình sẽ yêu cái nghề này. Bây giờ thì không dứt được, trở thành máu thịt rồi” – Hồng Cẩm tâm sự. Về đoàn mới mười mấy ngày, Hồng Cẩm được đạo diễn Đăng Minh đề nghị cho dự giải triển vọng Trần Hữu Trang. Tưởng chỉ đi thi “cho có tụ”, ai ngờ nữ diễn viên trẻ Hồng Cẩm lại lọt vào tận vòng bán kết.
Ngồi trò chuyện bên ly cà phê trong một quán nhỏ kề nơi đóng quân cũ của Đoàn trong một ngày gần Tết, Hồng Cẩm cười rất tươi khi nghe tôi nhắc lại những kỷ niệm nho nhỏ trong những lần cùng đi với đoàn vào giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn để biểu diễn cho công nhân xem hay lần gà gật cùng với Đông Dương, Ngân Thanh bên nồi cháo gà sau đêm diễn. Tháng 10.2006, khi Đoàn về biểu diễn ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên, con nít trong xã bu kín phía sau sân khấu dã chiến để coi đào, coi kép hoá trang.
|
Cẩm bảo mình gặp khá nhiều may mắn khi về Đoàn, được Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thanh Mai - Phó đoàn sửa cho từng cách nhả chữ, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Thoại – Trưởng đoàn uốn nắn cách diễn xuất, từ vai xã hội đến vai tuồng cổ. Nhưng Hồng Cẩm vẫn chưa hài lòng về bản thân mình vì chưa đạt được thành tích như mơ ước. Năm 2013, một lần nữa, Hồng Cẩm lại để vuột huy chương vàng khi vào đến tận vòng chung kết xếp hạng của giải Trần Hữu Trang với vai Lý Chiêu Hoàng trong vở “Độc thoại đêm”. Tháng 9.2014, Hồng Cẩm lại lọt vào top 9 của giải Chuông vàng vọng cổ với bản tân cổ “Biển với tình yêu” của tác giả Hoàng Thành (biểu diễn cùng với sự hỗ trợ của Chuông bạc 2007 Lê Văn Gàn). Thất bại nhiều nhưng có vẻ như Cẩm vẫn không nản chí. Cô nói, nếu có cơ hội, cô sẽ tiếp tục đi thi, tiếp tục phấn đấu để đạt được những điều mà mình mơ ước.
Đoàn Cải lương Tây Ninh đã được tỉnh quan tâm đầu tư, cho sửa chữa rạp chiếu bóng Hoà Thành cũ để làm trụ sở mới, lại được trang bị xe cộ cùng nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng mới… nhưng cải lương đang thời khốn khó, kinh phí bồi dưỡng biểu diễn hằng đêm theo quy định của Nhà nước chẳng đáng là bao so với thời hoàng kim mà Nghệ sĩ Ưu tú Kim Thoại từng bồi hồi kể lại: “Chỉ cần bước lên sân khấu là đã có cả chỉ vàng”. Bây giờ, cây son, hộp phấn trị giá đã hàng trăm ngàn, huống gì những bộ trang phục tuồng cổ lấp lánh kim sa, mão ngạch sang trọng… bèo nhất cũng một, hai triệu bạc. “Trời ơi, nếu không có chồng em hỗ trợ, em đâu sắm nổi cả chục bộ đồ diễn, chưa kể là chuyện cơm áo gạo tiền, con đi học…” - mắt Hồng Cẩm ánh lên niềm vui khi nhắc đến chồng mình – nhân viên kỹ thuật của Viễn thông quân đội Viettel. Cẩm bảo, tuy không phải cùng nghề nhưng chồng cô rất hiểu và thông cảm cho những khó khăn của nghệ sĩ. Gần thì ít, xa thì nhiều, lấy nhau được 3 năm, chồng cô chuyển công tác xuống Long An hết 5 năm. Những ngày ấy, tuần lễ, nửa tháng anh về một lần. Bây giờ thì mỗi ngày được nhìn thấy nhau nhưng lại qua video thoại khi anh được Viettel cử sang tận lục địa đen, làm trong một chi nhánh Movitel – mạng viễn thông của Viettel ở Mozambique. “Thương lắm nhưng có khi cũng bực, mỗi lần gọi điện, ảnh lại hỏi con gái đâu rồi em?”.
Phong trào đờn ca tài tử- cải lương ở Tây Ninh khá mạnh nhưng không phải ai cũng muốn gắn bó với sân khấu cải lương. Trong thời buổi sân khấu cải lương gặp khó khăn, Hồng Cẩm cũng như nhiều nghệ sĩ khác của Đoàn Cải lương Tây Ninh vẫn bền bỉ ấp ủ ước mơ và hy vọng, giữ lấy niềm tin tổ nghiệp sẽ không phụ tấm lòng thành của những nghệ sĩ yêu nghề, quyết tâm gắn bó với nghề để sân khấu đêm đêm lại tiếp tục sáng đèn.
Đặng Hoàng Thái