Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giữ nghề đan lát
Thứ tư: 11:36 ngày 09/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo bà Nguyễn Thị Đào, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Khởi Nghĩa, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, nghề đan lát đã tồn tại ở địa phương từ lâu đời. Hơn mười năm nay, do nhu cầu thị trường nên chị em trong ấp chuyển sang đan giỏ bội đựng trái cây.

Bà Nga mỗi ngày đan gần 20 chiếc giỏ bội.

Trước đây, ấp Khởi Nghĩa có gần 60 hộ làm nghề đan lát. Khi các khu công nghiệp thành lập, thanh niên ở địa phương đều thích vào làm ở xí nghiệp để có thu nhập cao hơn. Nghề đan giỏ bội chỉ còn những người lớn tuổi theo làm.

Bà Đào nói: “Hầu hết những người làm nghề này đều đã ngoài 50 tuổi. Tuy nhiên, với lứa tuổi các chị có thể vừa làm việc nhà, vừa kiếm thêm thu nhập trên một trăm ngàn đồng trong một ngày cũng tốt rồi. Công việc này vừa với sức khoẻ của người lớn tuổi, có người tuổi gần 70 vẫn làm nghề”. Mỗi chiếc giỏ bội hiện nay nếu chọn gia công thì người đan được trả 6.000 đồng; nếu tự mua trúc về chẻ nan thì người đan được trả từ 8 đến 10.000 đồng/chiếc.

Bà Nguyễn Thị Nga, 54 tuổi,  cho biết, một ngày bà có thể vừa làm việc nhà vừa đan được gần hai mươi chiếc giỏ. Mỗi chiếc giỏ, bà được trả 8.000 đồng. Hai mươi năm trước, bà Nga bị tật ở chân sau một cơn bệnh. Với sức khoẻ của mình, bà khó có thể làm việc gì đó để có thu nhập ổn định. Nhưng gần chục năm nay, bà Nga tìm thấy niềm vui khi kiếm được tiền, nguồn thu nhập lại ổn định.

Bà nói: “Tôi tự học là chính, nghề dạy nghề vì đan giỏ này cũng đơn đản, dễ học. Nhờ cái nghề này, tôi thấy vui hơn rất nhiều, không còn thấy tủi thân nữa. Tôi đã có thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng”.

Bà Hồ Thị Hường, 65 tuổi, cũng đã có hơn hai mươi năm làm nghề. Lúc trước, bà Hường đan giỏ bội to, loại dùng chở hàng bông nhưng bây giờ giỏ loại đó ít dùng nên bà chuyển sang đan giỏ nhỏ. Bà Hường kể, bà theo nghề này cũng tình cờ. Khi mới 40 tuổi, trong lúc nhàn rỗi, bà thấy người ta đan giỏ nên cũng muốn theo học. Bà tự mua giỏ bội về tháo ra rồi đan lại, lặp lại vài lần là thạo nghề.

Gắn bó với nghề đã 25 năm, bà Hường thấy an tâm vì nguồn thu nhập ổn định. Bà nói: “Ngày nào tôi cũng đan giỏ, trung bình 15 cái mỗi ngày, những lúc rảnh rỗi thì đan được trên 20 cái/ngày. Ở tuổi này, tôi vẫn có thể làm ra tiền và tích góp được chút đỉnh như vậy là vui rồi”.

Vốn có nghề đan rổ, thúng, nia của ông bà truyền lại nhưng mấy năm nay bà Nguyễn Thị Hồng, 57 tuổi lại chuyển sang đan giỏ bội. Sẵn nhà có nguồn nguyên liệu, bà Hồng tự chẻ lạt, tự đan giỏ mà không nhận gia công như nhiều người khác. Bà cho biết: “Lúc trẻ, khi nào làm xong việc đồng áng, tôi mới nghĩ đến việc đan lát. Còn bây giờ, khi con cái đã ra riêng, tôi làm nghề này để tìm niềm vui, cho khuây khoả và cũng có thêm thu nhập tự trang trải cho mình”.

Hiện nay, ấp Khởi Nghĩa còn khoảng 40 phụ nữ làm nghề đan giỏ bội. Những người này nhận gia công hoặc trực tiếp bán sản phẩm cho một đầu mối đã nhiều năm, lượng hàng tiêu thụ cũng ổn định khiến các chị rất an tâm với nghề. Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cầu Khởi đã tập hợp những phụ nữ này vào Tổ liên kết đan giỏ bội và duy trì hoạt động đến ngày nay. Lúc thành lập, Hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi tổ viên vay vốn xoay vòng 3 đến 4 triệu đồng để mua nguyên liệu sản xuất.

NGÔ TUYẾT

Báo Tây Ninh
Tìm hiểu exp là gì Tìm hiểu cv là gì
Tin cùng chuyên mục