Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ án bị hại có hai giấy khai sinh khác nhau:
Giữ nguyên bản án sơ thẩm
Thứ sáu: 16:33 ngày 13/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thay mặt HÐXX, thẩm phán, chủ toạ phiên toà Phạm Thị Duyên tuyên: không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tỉnh và kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, tuyên bố bị cáo Ðặng Thanh Tuấn không có tội và giữ nguyên các phần khác, tuyên bố trả tự do cho bị cáo.

Tuấn và cha mẹ, cùng các luật sư vui mừng sau khi toà tuyên án.

Ngày 11.7.2018, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên toà phúc thẩm lần thứ hai xét xử vụ án bị hại có hai giấy khai sinh, HÐXX quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Ðặng Thanh Tuấn không có tội. Trước đây, khi xét xử cấp sơ thẩm, Viện KSND tỉnh truy tố bị can Tuấn phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” theo Ðiều 112 BLHS nhưng TAND tỉnh tuyên bị cáo không phạm tội.

 

Ngày sinh không thể căn cứ vào “sự nhớ”

Tại phiên toà phúc thẩm lần này, bị hại và các nhân chứng đều vắng mặt. Trước đây, khi TAND cấp cao đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND cấp cao đề nghị HÐXX triệu tập nhân chứng, giám định viên, toà hoãn xét xử; nhưng khi xét xử trở lại, các nhân chứng, giám định viên vẫn vắng mặt không lý do.

Tại phiên toà phúc thẩm lần này, trả lời HÐXX, bị cáo Tuấn thừa nhận nội dung vụ án như bị cáo đã khai tại Cơ quan Ðiều tra (CQÐT) và tại phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh, đề nghị HÐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh đã tuyên bị cáo không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”.

Ðại diện Viện KSND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung vụ án mà toà cấp sơ thẩm nêu là đúng nhưng việc đánh giá chứng cứ và vận dụng pháp luật tuyên bị cáo không phạm tội là không đúng theo quy định pháp luật.

Theo đó, vị đại diện Viện KSND cấp cao lập luận, hồ sơ vụ án thể hiện có đủ cơ sở xác định tuổi bị hại T mà không cần giám định. Trường hợp nếu lấy kết quả giám định xương để xác định độ tuổi của bị hại, do kết quả giám định có hai mốc thời gian ngày tháng năm sinh (ngày 22.4.2002 đến ngày 22.10.2002), mà toà sơ thẩm lấy mốc thời gian trước, tức là ngày 22.4.2002, có lợi cho bị cáo là không công bằng đối với bị hại.

Vì vậy, đại diện Viện KSND cho rằng, cần lấy mốc thời gian ngày sinh sau của kết quả giám định, tức là ngày 22.10.2002, có lợi cho bị hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ vị thành niên.

Ðại diện Viện KSND đề nghị HÐXX xét xử theo hướng chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh, huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”.

Trình bày tại toà, luật sư Nguyễn Hữu Lộc, Lê Quang Vũ (Ðoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Tuấn cho rằng, ngày tháng năm sinh của con người là tình tiết khách quan chứ không thể theo lời khai, “sự nhớ hoặc hình như” của các nhân chứng được.

Theo các luật sư, lời khai về ngày tháng năm sinh của bị hại với CQÐT tại cấp sơ thẩm là ý chí chủ quan của những nhân chứng. Những lời khai này không thống nhất, không trùng khớp nhau. Việc xác định ngày tháng năm sinh của con người căn cứ vào giấy chứng sinh nhưng phải khai đúng thời gian.

Trong khi đó, lai lịch và nhân thân của bị hại có nhiều khuất tất như người mẹ không làm giấy chứng sinh, người mẹ cho con cho người khác nuôi dưỡng. Sau đó, khi nhận lại và nuôi con của mình, người mẹ của bị hại làm giấy khai sinh theo “sự nhớ”, rồi khai với cơ quan chức năng. Do đó, việc dựa vào lời khai của “người nào” để xác định tuổi đều không có căn cứ.

Toà án cấp phúc thẩm lần thứ nhất tuyên huỷ bản án, để cấp sơ thẩm giám định độ tuổi của bị hại là có căn cứ. Sau khi có kết quả giám định, toà án cấp sơ thẩm lần thứ hai căn cứ vào kết quả giám định này tuyên bị cáo không phạm tội, vì bị hại trên 13 tuổi, 3 tháng, 3 ngày là có căn cứ.

Về mốc thời gian trong kết quả giám định, các luật sư cho rằng, căn cứ vào các quy định pháp luật trong hình sự, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, xác định ngày sinh tại phiên toà sơ thẩm lần hai là đúng quy định.

Hơn nữa, về việc xác định độ tuổi, căn cứ vào Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ LÐ-TB&XH, bị hại sinh vào đầu năm 2002. Ðối với ý kiến của Viện KSND cho rằng kết quả giám định có hai mốc thời gian ngày sinh, nếu chọn mốc thời gian trước bất lợi cho bị hại, các luật sư đề nghị lấy khoảng giữa của hai mốc thời gian của kết quả giám định, bị hại vẫn 13 tuổi, 3 ngày.

Theo quy định pháp luật, trong trường hợp này, bị cáo vẫn không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Vì vậy, toà án cấp sơ thẩm lần thứ hai tuyên là có căn cứ. Trên cơ sở phân tích, lập luận vừa nêu, các luật sư đề nghị HÐXX cấp phúc thẩm bác kháng nghị của Viện KSND tỉnh, giữ nguyên bản án của toà án cấp sơ thẩm.

Bị hại sinh vào ngày 22.7.2002

Trong phần tuyên án, HÐXX nhận định vụ án như sau: vào khoảng thời gian từ ngày 25.7.2015 đến ngày 7.11.2015, bị cáo Tuấn đã 6 lần thực hiện hành vi giao cấu với bị hại T tại nhà trọ ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Khi Tuấn thực hiện hành vi giao cấu với cháu T, bị cáo dưới 18 tuổi.

Thời điểm này, bị cáo Tuấn thực hiện hành vi giao cấu, bị hại tự nguyện, không bị ép buộc nên bị cáo Tuấn không phải là chủ thể có của tội “Giao cấu với trẻ em”. Do đó, việc xác định bị hại T, khi giao cấu với bị cáo Tuấn có đủ 13 tuổi hay không có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc kết tội bị cáo có phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”.

Xét nhân thân, lai lịch bị hại T, HÐXX nhận định: Căn cứ kết quả giám định ADN, chị Lê Hồng Thuý là mẹ cháu T. Năm 2001, chị Thuý quen với anh P; sau đó, có thai và sinh cháu T. Chị Thuý mới 13 tuổi nên ông Lê Hồng Hưng- cha chị Thuý lấy tên em gái mình là Lê Thị Kim Hoa để khai với nhân viên y tế nhưng ghi sai thành Lê Kim Hoa.

Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình ông Hưng cùng con trốn viện, không lấy giấy chứng sinh. Giấy chứng sinh này vẫn còn lưu giữ tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tây Ninh. Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSÐT đã thu giữ giấy chứng sinh này. Kết quả điều tra giấy chứng sinh là Lê Kim Hoa. CQÐT cũng xác định, kể từ khi lập gia đình, bà Hoa bị bệnh u nang nên không thể sinh con.

Sau khi chị Thuý sinh bị hại T, ông Hưng đã cho cháu T cho ông Phạm Văn Hon nuôi. Ông Hon đã tự đi đăng ký khai sinh cháu T và lấy tên là N.T.T.L, sinh ngày 20.1.2004, khai họ tên cha là Nguyễn Thành Long, tên mẹ là Trương Thị Kim Hoa (hai người này là con rể và con gái ông Hon).

Ðến năm 2007, chị Thuý đưa con mình về nuôi và đăng ký lại giấy khai sinh tên là L.N.T.T, sinh ngày 2.10.2002. Chị Thuý cho rằng ngày này là ngày sinh tính theo âm lịch. Như vậy, cháu T làm giấy khai sinh trễ hạn đến hai lần với hai tên, hai ngày tháng năm sinh khác nhau, không dựa vào giấy chứng sinh khi đi khai sinh (người đi khai sinh nêu không có giấy chứng sinh).

Lời khai của chị Thuý và những người có liên quan, nhân chứng không thống nhất, đều khai theo “nhớ ngày sinh”, khai theo “ý thích” và không có chứng cứ nào chứng minh cho lời trình bày của mình.

Chính vì lời khai của nhân chứng và người có liên quan không đủ cơ sở để xác định ngày sinh của cháu T, nên khi xét xử phúc thẩm lần thứ nhất, TAND cấp cao đã huỷ bản án sơ thẩm lần thứ nhất, để điều tra lại, đề nghị trưng cầu giám định xương để xác định độ tuổi của người bị hại, làm cơ sở xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo Tuấn là cần thiết, phù hợp quy định pháp luật.

Theo bản giám định pháp y: “tại thời điểm giám định (ngày 22.2.2017), bị hại T có độ tuổi từ 14 tuổi 4 tháng đến 14 tuổi 10 tháng. Tức bị hại sinh trong khoảng thời gian từ ngày 22.4.2002 đến ngày 22.10.2002”. Ðây là kết luận có tính khoa học và chính xác nên cần căn cứ kết luận này để xác định độ tuổi của bị hại.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định: “theo nguyên tắc xác định tuổi của bị hại là người chưa thành niên được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT, ngày sinh của T là ngày đầu tiên trong khoảng thời gian xác định sinh, tức là ngày 22.4.2002. Do đó, ngày bị cáo Ðặng Thanh Tuấn giao cấu lần đầu tiên với T là ngày 25.7.2015. Thời điểm này, T đã được 13 tuổi 3 tháng, 3 ngày. Theo quy định tại khoản 4 Ðiều 112 của BLHS, Tuấn không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. 

Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh kháng nghị bản án sơ thẩm cho rằng, xác định độ tuổi của bị hại như bản án sơ thẩm là không khách quan, dẫn đến tuyên bố bị cáo không phạm tội là không đúng quy định pháp luật.

Căn cứ vào lời khai của mẹ bị hại và các nhân chứng khác, bị hại T sinh vào ngày 6.11.2002 là có căn cứ pháp luật. Do đó, Viện KSND tỉnh đề nghị huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo phạm tội như cáo trạng đã truy tố.

Tại phiên toà, đại diện Viện KSND cấp cao nêu, nếu căn cứ kết quả giám định, ngày 22.10.2002 là ngày sinh của bị hại, từ đó suy ra bị hại mới 12 tuổi, 9 tháng 3 ngày, không đủ 13 tuổi nên bị cáo vẫn phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” như cáo trạng đã truy tố tại cấp sơ thẩm.

Trên cơ sở kháng nghị của Viện KSND tỉnh và quan điểm của vị đại diện Viện KSND cấp cao, HÐXX nhận thấy rằng, Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT không hướng dẫn ngày nào là ngày sinh trong trường hợp giám định ra kết quả như đã nêu trên.

Ðể thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, phải xác định thời gian sinh của bị hại là khoảng giữa của thời gian mà kết quả giám định nêu, tức mốc giữa của ngày 22.4.2002 và ngày 22.10.2002.

Nghĩa là, việc xác định bị hại T sinh vào ngày 22.7.2002 là có căn cứ, đúng pháp luật, công bằng cho phía bị cáo và bị hại, vì cả hai đều là người chưa thành niên trong vụ án này. Như vậy, căn cứ vào ngày sinh của bị hại T là ngày 22.7.2002 và ngày bị cáo Tuấn giao cấu lần đầu với bị hại là ngày 25.7.2015, thời điểm này, bị hại được 13 năm, 0 tháng, 3 ngày tuổi.

Căn cứ khoản 4 Ðiều 112  BLHS, bị cáo Tuấn không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Vì vậy, HÐXX cấp phúc thẩm có căn cứ không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tỉnh và đề nghị của đại diện Viện KSND cấp cao tại phiên toà phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm như quan điểm bào chữa của các vị luật sư tại phiên toà.

Trên cơ sở phân tích trên, thay mặt HÐXX, thẩm phán, chủ toạ phiên toà Phạm Thị Duyên tuyên: không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tỉnh và kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, tuyên bố bị cáo Ðặng Thanh Tuấn không có tội và giữ nguyên các phần khác, tuyên bố trả tự do cho bị cáo.

Ðược biết, trước đây vào đầu năm 2016, tại phiên xử sơ thẩm lần đầu, TAND tỉnh phạt bị cáo Tuấn 8 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Tại phiên xử phúc thẩm lần đầu vào cuối năm 2016, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên huỷ bản án sơ thẩm để giám định lại tuổi của bị hại. Sau đó, năm 2017, xét xử sơ thẩm lần thứ hai, TAND tỉnh tuyên bị cáo Tuấn không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”.

ÐỨC TIẾN

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục