Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND tỉnh vừa có Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn. Kế hoạch hành động này hướng đến mục tiêu chung là phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Theo kế hoạch, tỉnh Tây Ninh giữ vững ổn định khoảng 40.000 ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 27.000 ha để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ảnh minh hoạ
Giá trị sản phẩm trồng trọt đạt hiệu quả cao
Theo lộ trình, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, ngành nông nghiệp tỉnh có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8-10%/năm.
Bảo đảm tưới chủ động trên 90% diện tích đất chuyên trồng lúa; 70% diện tích cây trồng cạn được tưới, trong đó ít nhất 35% diện tích có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương...) 5 - 10%, trồng trọt hữu cơ (193 - 375 ha); tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 20 - 30%.
Năm 2030, giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phấn đấu để lĩnh vực trồng trọt phát triển thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu vùng Đông Nam bộ và cả nước. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Định hướng chung là phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường; hướng sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đầu ra của tiểu ngành này thành đầu vào chất lượng của tiểu ngành khác nhằm khai thác và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế chất thải, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi để cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hoà giữa các bên tham gia; phát triển các chuỗi ngành hàng chủ lực.
Áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; hình thành, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh tại một số vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản; phát triển và áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất nông sản cả về số lượng, chất lượng và gia tăng giá trị, nhất là công nghệ bảo quản lạnh.
Phát triển thị trường trong và ngoài nước bảo đảm ổn định và nâng cao giá trị cho các sản phẩm trồng trọt; xây dựng và phát triển thương hiệu một số nông sản chủ lực có lợi thế và khác biệt.
Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia
Về định hướng phát triển một số cây trồng chính trên địa bàn tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh yêu cầu phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, hậu cần logistics. Giữ ổn định diện tích khoảng 40 ngàn héc-ta đất trồng lúa, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước 27 ngàn héc-ta, sản lượng trên 720 ngàn tấn thóc, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Trong đó, lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 70 - 80%.
Đối với mặt hàng rau, trên cơ sở phát huy lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu để tăng diện tích và đa dạng chủng loại, mùa vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng nhanh trong nước và xuất khẩu. Xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ rau tại các địa phương, các vùng có sản lượng rau lớn; phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Sản xuất rau hướng vào nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đối với mặt hàng bắp, khuyến khích phát triển bắp sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, bắp thực phẩm phục vụ thị trường ăn tươi và chế biến. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh như sử dụng những giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu, chịu hạn, úng, những giống có hàm lượng protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với nông dân, hợp tác xã sản xuất, thu mua bắp tươi tại các vùng sản xuất tập trung để sấy đạt độ ẩm tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân đầu tư hệ thống sấy, làm dịch vụ sấy bắp cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung.
Giữ ổn định khoảng 60.000 ha khoai mì trên toàn tỉnh
Riêng khoai mì, kế hoạch hành động về phát triển trồng trọt đề ra mục tiêu ổn định diện tích trồng khoai mì khoảng 60.000 ha, tập trung thâm canh tăng năng suất, sản lượng để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột, chế biến thức ăn chăn nuôi và các nhu cầu khác.
Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất nguyên liệu với các nhà máy chế biến, tạo sự cân đối giữa sản xuất và chế biến; thúc đẩy đổi mới công nghệ chế biến, sản xuất theo hướng tuần hoàn; đa dạng các sản phẩm chế biến sâu từ bột khoai mì, các sản phẩm phục vụ công nghiệp, dược phẩm...
Đối với cây trồng thế mạnh của tỉnh như mía, UBND tỉnh yêu cầu duy trì diện tích trồng mía khoảng 7.000 ha, sản lượng đạt 595.000 tấn để bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; tăng cường áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch nhằm hạ giá thành sản xuất; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đánh giá, chọn lọc các giống mía mới có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh; khuyến khích các nhà máy chế biến đổi mới công nghệ chế biến, sản xuất theo hướng tuần hoàn; đa dạng các sản phẩm chế biến.
Cây cao su, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ cao su; tổ chức sản xuất cao su theo mô hình đại điền, xây dựng cơ cấu giống cao su phù hợp từng vùng sinh thái, áp dụng kỹ thuật trồng xen, kỹ thuật canh tác, thu hoạch mủ cao su theo hướng giảm giá thành, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Cây ăn quả, tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ như: chuối, sầu riêng, nhãn, xoài, dứa...
Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... được cấp mã số vùng trồng; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm.
Định hướng phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tiếp tục phát triển mạnh các cây trồng chủ lực của tỉnh và cây ăn quả. Xây dựng các trung tâm logistics và chế biến nông sản phục vụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong khu vực.
Tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển các vùng trồng trọt có khả năng phát triển thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của tỉnh.
Mỗi vùng trồng trọt được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm trên 1 ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030.
Thanh Hà