Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo đó, giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020. Tiếp tục tổ chức thi trên giấy, từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thí sinh Tây Ninh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Việt Ðông
Tại hội nghị trực tuyến về giáo dục đại học do Bộ GD&ÐT vừa tổ chức, bà Nguyễn Thu Thuỷ- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, Bộ đã báo cáo với Thủ tướng phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ 2021-2025.
Về cơ bản vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020; tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu hướng chung của thế giới về phát triển giáo dục đại học. Thông tin này đã mang lại sự an tâm và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.
Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt, mặc dù chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 và thiên tai nhưng toàn ngành Giáo dục thực hiện tốt “mục tiêu kép”, hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm 1,5 triệu cán bộ, giáo viên và 24 triệu học sinh an toàn trước dịch bệnh, đặc biệt là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng, tạo tiền đề quan trọng cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo số liệu từ Bộ GD&ÐT, cho đến nay, các trường ÐH, CÐ tuyển sinh đạt gần 90% chỉ tiêu dự kiến (riêng ngành đào tạo giáo viên đạt hơn 50%), trong đó hơn 50% chỉ tiêu của các trường dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT.
Ðiều đó chứng tỏ việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đang dần ổn định và ngày càng tốt hơn, giảm áp lực, tốn kém, vất vả, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh, giúp thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng cơ hội trúng tuyển... Từ thành công này, những vấn đề liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng trong thời gian tới đã được hoạch định.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020. Tiếp tục tổ chức thi trên giấy, từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, đại biểu của các trường đại học đề nghị nâng cao tính phân hoá trong đề thi, tăng cường trách nhiệm của các địa phương, sự giám sát của các trường đại học bảo đảm chất lượng kỳ thi công bằng, tin cậy, minh bạch để kết quả kỳ thi tốt nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng, làm cơ sở xét tuyển cho các trường đại học, cao đẳng.
Ðối với tuyển sinh đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục đại học mong muốn công tác tuyển sinh từ năm 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020 với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ của các cơ sở giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Hoàng Minh Sơn cho biết, tới đây, Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, đối với những trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, nên tổ chức gọn nhẹ (1-2 môn) trong một buổi thi, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Bộ cũng khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức, giảm tỷ lệ ảo cho các trường. Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai đầy đủ thông tin trong đề án tuyển sinh gồm phương án xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển, thông tin chỉ tiêu tuyển sinh 2 năm liền kề, học phí, cơ sở vật chất…; tiếp tục thực hiện 3 công khai:
Cam kết chất lượng giáo dục (chương trình đào tạo, số lượng sinh viên thực tế…), điều kiện bảo đảm chất lượng (đội ngũ giảng viên, cơ sở vất chất…), thu chi tài chính (học phí cụ thể, học bổng, các nguồn thu khác…) để thí sinh nắm rõ trước khi đăng ký, bởi trong tuyển sinh, càng tự chủ thì càng cần công khai minh bạch để tăng tính giám sát.
Bộ khuyến khích thí sinh đăng ký xét tuyển với nhiều hình thức khác nhau trên cùng một phiếu, tránh tình trạng ảo khi các em lựa chọn các phương thức xét tuyển khác nhau để không bị áp lực phải xác nhận của các trường… Ðến nay, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến cho năm 2021 với các phương thức khá ổn định, trong đó, phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT được ưu tiên.
Năm học 2020-2021 đã đi được nửa chặng đường với việc kết thúc học kỳ I. Tất cả học sinh lớp 12 đang bước vào học kỳ cuối với nhiều dự định và kỳ vọng. Việc Bộ GD&ÐT sớm công bố những thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng là cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của thí sinh và phụ huynh.
Ðiều đáng vui hơn là kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển sinh vẫn ổn định khiến học sinh an tâm, tự tin, cố gắng học tập, ôn luyện, với mong muốn gặt hái được mùa quả ngọt trong cuộc chạy đua “vượt vũ môn” để kết thúc cuộc đời học sinh, mở ra một trang đời mới.
Diệu Mai