Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Câu chuyện vú sữa Vĩnh Kim xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là một tín hiệu vui cho bước chuyển của nhà vườn miền Tây khi “đặt chân” vào được một trong những thị trường khó tính. Tuy nhiên, để giữ và mở rộng thị trường vú sữa là câu chuyện dài, đòi hỏi sự chuyên cần của nhà vườn và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.
Tháng 12-2017, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (Mỹ Tho, Tiền Giang) đã xuất khẩu lô vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ với sự có mặt của đại diện Bộ NN-PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang. Đúng như mong muốn của ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: “Tiếp theo Cát Tường, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được xuất khẩu trái cây nói chung và vú sữa nói riêng sang thị trường các nước và đặc biệt là Hoa Kỳ”, một năm sau đó, cuối tháng 12-2018, HTX Trinh Phú, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, được Công ty Vina T&T Group thu mua vú sữa để xuất sang Hoa Kỳ.
Tại Tiền Giang, cùng với Cát Tường, Công ty TNHH Đại Lâm Mộc đã xuất khẩu hơn 100 tấn vú sữa đi Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp đã liên kết chặt, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, định vị tọa độ để đăng ký mã số vùng trồng…
Nhiều nông dân ở Mỹ Tho (Tiền Giang) thu nhập bạc tỷ nhờ trồng vú sữa cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nông dân Lê Ngọc Bình, xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, bán 20 tấn vú sữa Lò Rèn đi Hoa Kỳ với giá trung bình 50.000 - 70.000 đồng/kg, thu về hơn 1,2 tỷ đồng (trừ chi phí, lãi gần 1 tỷ đồng).
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ: “Cây vú sữa xuất hiện khá sớm ở vùng Nam Mỹ, đến nay được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Có thể nói, vú sữa Lò Rèn được trồng ở ĐBSCL có chất lượng đầu bảng, vì thổ nhưỡng ĐBSCL lý tưởng để trái vú sữa có chất lượng ngon”. ĐBSCL hiện có khoảng 5.000ha vú sữa. Trong đó, 2 tỉnh có diện tích trồng lớn là Tiền Giang, Sóc Trăng. Song, đã xuất hiện trên thị trường loại vú sữa từ các địa phương khác dán mác vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim để trà trộn tiêu thụ. Tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các bộ ngành và các cơ quan liên quan để tiến hành nhiều giải pháp chấn chỉnh, xử lý những doanh nghiệp sai phạm làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu vú sữa xuất khẩu Việt Nam.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, từ năm 1993, ông đã gợi ý với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nên đăng ký thương hiệu và xây dựng vùng trồng vú sữa Lò Rèn cùng một số trái cây khác. “Chúng ta không thể làm theo cách hiện nay (tận dụng thương lái, vựa trái cây dọc theo khu vực Cái Bè thu gom trái) khó truy xuất nguồn gốc. Đã không ít trường hợp các lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác hoàn trả vì cách làm ăn dối trá, pha trộn hàng không đúng chất lượng. Nông dân trồng vú sữa Lò Rèn cần liên kết hình thành các hợp tác xã gắn với doanh nghiệp để có đầu ra”, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định.
Vú sữa Vĩnh Kim là thương hiệu nông sản nổi tiếng, được khách hàng xem như đặc sản của châu thổ miền Tây. Nông dân, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Tiền Giang cần chung tay bảo vệ thương hiệu. “Bước đi cần thiết nhất ngay lúc này để gắn nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị là chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch mới có thể xây dựng HTX sản xuất”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Nguồn SGGPO