Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong khi dịch Covid-19 còn nguy cơ đe doạ, ngành y tế tỉnh Đắk Nông tiếp tục ra quân khống chế ổ dịch bạch hầu với khó khăn chồng chất.
Tính đến nay, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó một bệnh nhi đã tử vong. Bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho biết những ngày qua, địa phương này đã ra quân rà soát và phát hiện 3 ổ dịch bạch hầu.
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn nguy cơ đe doạ, việc kiểm soát thêm một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khiến cán bộ y tế làm việc cật lực, khó khăn chồng chất.
Bệnh nhi đầu tiên tử vong
Bác sĩ Hùng cho biết hai trường hợp đầu tiên ghi nhận dương tính bạch hầu là học sinh trường Tiểu học Bế Văn Đàn. Bệnh nhi Sùng Thị Hoa và Ma Văn Thành (cùng 9 tuổi) là hàng xóm, chơi chung với nhau.
Ngày 19/6, bé Hoa sốt cao, ho, đau họng, khó thở, được người nhà đưa cấp cứu tại Bệnh viện Đắk Nông. Tình trạng bé tiếp tục chuyển biến nặng, bệnh viện địa phương tiến hành hội chẩn và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ sau 2 giờ nhập viện, bệnh nhi không qua khỏi do bệnh biến chứng tim. Bệnh nhi Thành đang được cấp cứu, sức khoẻ tạm ổn định.
Xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong nằm trên vùng núi hiểm trở tại tỉnh Đắk Nông. Ngay khi phát hiện hai trường hợp dương tính, ngành y tế tỉnh lập tức thực hiện vệ sinh, khử trùng các hộ gia đình, trường tiểu học và trạm y tế xã Quảng Hoà - nơi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu. Đồng thời, cán bộ y tế lập chốt chặn, cách ly toàn bộ các hộ gia đình trong ổ dịch.
Phun khử khuẩn tại trường tiểu học nơi có học sinh dương tính bạch hầu. Ảnh: BSCC.
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cho biết các hộ trong ổ dịch xã Đắk R’măng cách rất xa trung tâm xã. Đường vào các thôn, cụm thuộc địa bàn sinh sống của người Mông, hai bên là vách núi hiểm trở. Tại đây, người dân chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy. Do đó, việc vận động tiêm chủng, rà soát người tiếp xúc gần gặp nhiều khó khăn.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng là tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu của người dân thuộc các ổ dịch này rất thấp. Trung bình với cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng an toàn trên 85%. Trong khi đó, các xã có dịch vừa được ghi nhận, tỷ lệ tiêm chủng chỉ 40-50%”, bác sĩ Hùng nói.
Ngoài ra, đường hiểm trở, các thôn, bản cách xa nhau, người dân sinh sống phân tán, cán bộ y tế chủ yếu chạy xe máy, vượt đèo dốc để vận động người dân, gặp nhiều khó khăn, kể cả ngày lẫn đêm.
Không cần thiết truy tìm F0
Tại Đắk Nông, ổ dịch mới được phát hiện ở xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong. Tại đây, bệnh nhi Giành A Phủ (13 tuổi) có chuyển biến phức tạp. Chiều 24/6, bệnh viện tỉnh đã chuyển bệnh nhi này đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để theo dõi, điều trị.
Đến nay, nguồn lây ban đầu của ổ dịch bạch hầu ở Đắk Nông chưa xác định được. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng cho rằng không cần thiết tìm nguồn lây F0 như Covid-19. Nguyên nhân là ổ chứa vi khuẩn bạch hầu ở người bệnh và người lành mang trùng. Đây là bệnh nội tại, có trong cộng đồng. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là khoanh vùng, ngăn chặn nguồn lây.
Cán bộ y tế đến từng hộ dân trên các thôn bản xa xôi, vận động tiêm chủng và cách ly. Ảnh: BSCC.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Bác sĩ Hùng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nguy cơ đe doạ hiện nay, việc tiếp xúc với nguồn lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu cũng là thách thức lớn với ngành y tế.
Yếu tố phân biệt Covid-19 và bạch hầu là biểu hiện ở bạch hầu thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc bạch hầu tại Đắk Nông, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Hiện tại, hơn 650 người tại các ổ dịch đang được cách ly, hơn 1.200 người điều trị dự phòng. Bác sĩ Hà Văn Hùng cho biết ngành chức trách dự kiến lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người có liên quan đến ổ dịch nhằm không bỏ sót.
Đến nay, các ổ dịch đã ổn định, huyện Krông Nô đã qua 16 ngày và huyện Đắk Glong 4 ngày không ghi nhận thêm trường hợp dương tính với bạch hầu. Bác sĩ Hùng cho biết các ổ dịch đến nay cơ bản được kiểm soát.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
- Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
- Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
- Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Nguồn zingnews