BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữa lòng Thị xã: 10 năm sống cùng… ngập úng

Cập nhật ngày: 12/09/2009 - 03:08

Đó là tình cảnh khốn khổ của hơn 30 hộ dân ở hai tổ 15A và 15B thuộc khu phố 1, phường 3, thị xã Tây Ninh. Chúng tôi đã đến tận địa bàn khu vực này và đã được “mục sở thị” nhiều điều tưởng rằng không thể xảy ra giữa lòng Thị xã. Vậy mà nó đã xảy ra và tiếp diễn cả chục năm trời…

* Giăng lưới cá giữa lòng... Thị xã

Chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật, sáng ngày 10.9.2009, khi chúng tôi đến thăm một số hộ dân ở khu vực tổ 15A thì thấy ông Trịnh Xuân Kiều đang giăng lưới  bắt cá phía sau nhà. Ông đẩy thau cá cho tôi xem và khoe: “Sáng giờ được gần cả chục con cá rô và hai con cá trê gần bằng cổ tay”. Ông cười, nhưng nụ cười… méo xẹo, rồi ông chỉ cho chúng tôi xem cả một vùng rộng lớn xung quanh nhà ông bị chìm trong biển nước: “Nước ngập hơn một tuần nay rồi đấy. Chiều hôm qua nước lên cao, tràn cả vào nhà bà con xung quanh. Từ tối đến giờ, tôi phải thức canh tát nước trong chuồng heo ra để cứu ba con heo khỏi lạnh”, ông lắc đầu kể.

Ông Kiều giăng lưới bắt cá phía sau nhà.

Nhà ông Lê Văn Chất, Tổ trưởng tổ 15A cũng không khỏi cảnh bì bõm trong biển nước. Ông đưa chúng tôi ra nhà sau, chỉ cho thấy nước vẫn còn ngập hơn 20 cm. Ông kể: “Nước đã rút bớt khoảng 10 cm rồi đấy, chiều hôm qua, nước tràn vào nhà trên, làm ướt và hư hỏng nhiều vật dụng”. Ông tiếc nhất là cái ao cá đã đầu tư gần cả chục triệu vào đó, sắp đến kỳ thu hoạch thì bị nước tràn vào, gây thất thoát hoàn toàn. “Thường thì mọi năm đến khoảng tháng 8 âm lịch, nước mới lên, nên tôi canh đến chừng đó mới thu hoạch cá, ai ngờ, năm nay mưa sớm, nước lên nhanh quá, không trở tay kịp”, ông Chất tiếc rẻ. Còn vợ ông thì bận tâm vì đứa cháu mới 9 tháng tuổi đang bị nóng sốt. Bà kể: “Từ hồi nhỏ tới giờ nó ngủ ở nhà sau. Hôm qua nước ngập, tôi ẵm lên nhà trước cho ngủ, lạ chỗ nó không chịu, cứ khóc đến khuya, nóng ruột quá tôi đem xuống nhà dưới, nó ngủ liền nhưng lại bị cảm lạnh, từ sáng tới giờ cháu bắt đầu bị nóng sốt”.

Nhà ông Đinh Văn Quý còn “thê thảm” hơn. Gia đình ông thuộc diện nghèo Trung ương, bản thân ông là thương binh bậc 3/4. Năm rồi, ông được vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn xoá đói giảm nghèo của địa phương để mua gà, vịt nuôi cải thiện kinh tế gia đình nhưng mấy ngày nay nước lên đã làm cho số gia cầm của ông bị chết gần hết. Thấy tôi đến thăm, vợ ông khóc mếu máo, còn ông vào nhà sau cầm ra một con vịt vừa mới chết, kể rằng: “Do nước ngập, gà, vịt không có chỗ ăn, bị lạnh nên mấy chục gà, vịt của tôi, mỗi con gần nửa ký đã lần lượt chết. Còn lại mấy chục con vịt cũng đang tiếp tục chết”. Vợ ông khóc vì không biết làm sao để trả nợ vay vì hai đứa con (đang học lớp 6 và lớp 7) bắt đầu ngả bệnh.

Ở tổ 15B, tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Nhiều nhà, nước ngập tới đầu gối người lớn. Có nhà nước ngập đã làm sập cả vách. Đó là nhà anh Nguyễn Quý Trung. Anh chỉ cho tôi xem nơi bức vách bằng đất ngăn giữa nhà vừa bị sập, đã được thay vào bằng tấm bạt ni lông. Anh nói: “Nước vào làm lún nền và ướt chân vách nên nó ngã, làm gãy giường và suýt làm gãy tay tôi”. Anh chỉ cho tôi xem tấm vách còn lại đang bị nứt thành những đường ngang, dọc khá rõ và cánh cửa sau không còn đóng được do bị lún đất. “Nếu còn tiếp tục ngập thế này, chắc gia đình tôi phải đi thuê nhà khác để ở, chứ ở đây, nửa đêm sập vách thì toi mạng cả gia đình”.

Bà Dương Thị Sâm, Tổ trưởng tổ 15B cho biết khái quát tình hình: “Trước đây, khu vực này có cống thoát nước rất tốt, nhưng từ

Cống thoát nước quá nhỏ nên nước không thoát kịp.

năm 2000 đến nay, khi Nhà nước làm con đường Đặng Ngọc Chinh cho khu tái định cư thì mặt đường quá cao, cống thoát nước lại nhỏ nên nước không thoát kịp. Ở đây có hơn 30 hộ dân thường xuyên bị ngập. Mỗi lần ngập, khoảng 3 tháng nước mới rút. Do ô nhiễm môi trường, nhiều chị em bị bệnh phụ khoa, trẻ em cũng bị bệnh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng đến nay chưa thấy có biện pháp nào khắc phục”.

* Chờ!

Trao đổi với chúng tôi về việc xử lý tình trạng ngập úng ở hai tổ 15A và 15B, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND phường 3 cho biết: “Khu vực này nằm trong khu quy hoạch sân tập bóng của sân vận động tỉnh nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy những năm qua, Thị xã chờ giải quyết nạn ngập úng mà vẫn chưa được. Trước tình hình bức thiết như hiện nay, UBND Thị xã quyết định không chờ nữa mà giao cho UBND phường 3 giải quyết. Chúng tôi đưa ra giải pháp tạm thời bằng cách thuê Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh đặt một máy bơm rút nước từ khu dân cư ra. Vừa qua công ty này đã khảo sát, thiết kế xong, chúng tôi đã trình dự án lên và UBND Thị xã cũng đã kiểm tra lại xong. Hiện nay chỉ còn chờ UBND Thị xã phê duyệt và cho ý kiến chính thức bằng văn bản nữa là bắt tay vào thực hiện”.

Mong rằng sự việc sẽ sớm được giải quyết- càng nhanh càng tốt, bởi theo những gì chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, tình trạng ngập úng nói trên đã gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân và bà con đang vô cùng bức xúc.

ĐẠI DƯƠNG