BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữa mùa khô hạn… ì ạch những trạm bơm

Cập nhật ngày: 11/04/2010 - 05:49

Trạm bơm xã Phan tại bờ kênh chính Tây xây dựng từ năm 2000.

Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua, chia địa phận tỉnh Tây Ninh thành 2 khu vực- bờ hữu và bờ tả. Cho đến nay, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chỉ tưới được cho khu vực bờ tả (phía Đông), còn khu vực bờ hữu (phía Tây) thì không được hưởng lợi từ đại công trình thuỷ nông này. Để tạo điều kiện cho người dân bờ hữu có nước sản xuất, tỉnh đầu tư xây dựng một số trạm bơm để đưa nước vào đồng ruộng. Mặt khác phía bờ hữu cũng có vùng không thể tưới được từ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng do địa thế đất cao, cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng trạm bơm. Trong thời tiết nắng nóng gay gắt như mùa khô năm nay, các trạm bơm là chỗ dựa cho bà con nông dân trong việc chống hạn, duy trì sản xuất. Thế nhưng thực tế lại không được như vậy vì thực trạng nhiều trạm bơm vẫn còn đang ì ạch…

Phía đông sông Vàm Cỏ Đông có một vùng đất nằm sát cạnh tuyến kênh chính Tây, cách bờ hồ Dầu Tiếng chưa đến 10 cây số nhưng 20 năm qua chưa hề được hưởng chút nước nào từ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, đó là vùng đất xã Phan thuộc huyện Dương Minh Châu. Vì thế, từ năm 2000, tỉnh đã lập dự án xây dựng trạm bơm nhằm bù đắp sự thiệt thòi của nhân dân xã Phan trong việc tưới tiêu từ nguồn vốn không hoàn lại của Nhật Bản và vốn đối ứng của tỉnh với tổng kinh phí xây dựng dự kiến hơn 5 tỷ đồng. Trạm bơm được xây dựng từ năm 2001 và năm 2002 đi vào hoạt động, nhưng nhân dân xã Phan chẳng được hưởng gì ngoài cái tên của trạm bơm. Bởi lẽ chẳng biết nhầm lẫn từ đâu mà cả trạm bơm lẫn hệ thống kênh mương đều nằm trọn trên địa phận xã Suối Đá (?!). Lỡ đặt tên rồi nên trạm bơm vẫn cứ mang tên xã Phan nhưng địa bàn hưởng nước tưới thì ở xã khác. Thế nhưng, không chỉ dân xã Phan mà cả dân Suối Đá trong 8 năm qua cũng chẳng hưởng lợi từ trạm bơm này bao nhiêu, do diện tích tưới thực tế còn quá ít so với diện tích thiết kế.

Chỉ chạy 1 trong 2 máy bơm.

Một ngày đầu tháng 4, nắng gay gắt, chúng tôi đến quan sát tình hình tưới chống hạn ở Trạm bơm xã Phan nằm cặp bờ kênh chính Tây, cách cầu K3 khoảng hơn 1.000 m. Lúc này, mực nước kênh chính Tây rất thấp do trong thời gian cắt nước làm vệ sinh kênh mương khi chuyển vụ, nhưng máy bơm cũng “cố gắng” hoạt động hút nước từ kênh đưa lên bể xả để đưa ra kênh chính của trạm bơm. Tuy nhiên, trong cơn hạn nặng, đồng ruộng khô cạn mà ở trạm bơm chỉ có 1 trong 2 máy bơm đang hoạt động mà thôi. Ông Lại Đình Đồn- Giám đốc Xí nghiệp thuỷ nông Dương Minh Châu cho biết không phải máy còn lại hư hỏng không chạy được mà trạm “không dám chạy” cùng lúc cả 2 máy. Vì sao trang bị 2 máy mà chỉ “dám chạy” có 1 máy, trong khi đồng ruộng đang “bốc khói”, có thêm chút nước nào nông dân mừng thêm được chút ấy chứ? Cán bộ thuỷ nông giải thích, khi chạy cả 2 máy bơm thì nước trên kênh chính của trạm sẽ tràn bờ vì không thoát ra được do… hệ thống chưa có các tuyến kênh cấp 1, 2, thì ra hầu hết kênh nội đồng thuộc hệ thống Trạm bơm xã Phan từ trước đến nay chưa được làm.

Theo thiết kế, Trạm bơm xã Phan có 2 máy bơm với công suất mỗi máy hơn 1.000 m3/giờ. Nước lấy từ kênh Tây qua 2 máy bơm đưa lên bể xả và đẩy vào kênh chính của trạm dài hơn 2.200 m. Từ kênh chính có 3 tuyến kênh cấp 1 với tổng chiều dài gần 4.000 m đưa nước vào nhiều tuyến kênh nội đồng dẫn nước ra ruộng. Tổng diện tích tưới thiết kế của hệ thống thuỷ lợi Trạm bơm xã Phan là 300 ha. Thế nhưng, theo ông Lại Đình Đồn, khi bàn giao cho xí nghiệp (lúc ấy là Công ty thuỷ nông thuộc huyện Dương Minh Châu) quản lý vào năm 2002 thì trạm bơm chỉ có nhà trạm và tuyến kênh chính, còn lại toàn bộ hệ thống kênh nội đồng thì chưa có. Chính vì thế mà trên giấy tờ thì năng lực tưới đến 300 ha nhưng khi nhận bàn giao thì thực tế chỉ tưới được có… 13 ha- chưa được đến 5% diện tích thiết kế. Diện tích thực tưới quá ít, khoản thu thuỷ lợi phí không đủ để trả tiền điện, bảo sao Trạm bơm xã Phan chẳng hoạt động ì ạch theo kiểu được chăng hay chớ. Năm 2006, nhận thấy tình hình tưới tiêu quá tệ, chính quyền địa phương phối hợp cùng xí nghiệp quản lý thuỷ nông nỗ lực làm thêm được tuyến kênh cấp 1 đầu tiên dài khoảng 1,6 km, nâng diện tích tưới lên được khoảng hơn 40 ha. Và đây là tuyến cấp 1 duy nhất đến nay cho diện tích tưới cũng “ổn định” ở mức hơn 40 ha. Như vậy so với diện tích thiết kế, đến nay Trạm bơm xã Phan cũng chỉ thực tưới được gần 15%.

Khi khảo sát hệ thống Trạm bơm xã Phan, chúng tôi cũng ghi nhận được nguyên nhân khác qua lời than phiền của một số bà con nông dân về sự bất cập của tuyến kênh chính Trạm bơm khiến cho nhiều đồng ruộng không thể lấy nước tưới được. Ở những hệ thống tưới khác, khi chưa có kênh cấp 1,2 và nội đồng thì nông dân vẫn có thể lấy nước tưới bằng ống dẫn để tưới cho đồng ruộng cặp hai bên bờ kênh. Ở kênh chính Trạm bơm xã Phan thì không thể làm được điều này, bởi vì có đến hơn 1,2 cây số đoạn đầu từ bể xả ra kênh chính được xây dựng chìm dưới mặt đất. Theo đánh giá của một số nông dân thì nếu như đoạn kênh này được xây dựng cao hơn mặt đất thì ít nhất bà con cũng có thể đặt ống dẫn nước tưới được cho 50 ha đồng ruộng. Còn hiện nay, dù trong kênh nước đầy ắp tràn bờ nhưng dọc theo đoạn “kênh chìm” hơn 1,2 km đồng ruộng cứ khô nứt nẻ! Chẳng biết kiểu thiết kế “kênh chìm” như thế này “lợi hại” như thế nào, chỉ biết từ khi Trạm bơm xã Phan hoạt động đến nay, toàn bộ khu vực cặp 2 bên bờ kênh đoạn này không hề được hưởng nước tưới. Muốn tưới được đồng ruộng khu vực đoạn đầu kênh chính chìm thì phải có tuyến kênh cấp 1 dẫn nước từ phía… cuối kênh chính chảy ngược trở lại. Điều này rõ ràng là hết sức “lạ lùng” và kém hiệu quả và hết sức lãng phí về đất đai và vốn đầu tư.

Đất trên đoạn kênh chính chìm (phía sau bể xả) khô cạn nhưng không thể lấy nước được.

Việc đầu tư xây dựng Trạm bơm xã Phan lúc bắt đầu xây dựng là nỗi vui mừng đối với bà con nông dân, thế nhưng chẳng bao lâu sau nó lại là nỗi bức xúc của người dân trong khu vực. Nỗi bức xúc kéo dài gần 8 năm nay đòi hỏi phải được giải quyết. Theo lãnh đạo Xí nghiệp thuỷ nông Dương Minh Châu thì để giải quyết sự ì ạch ở Trạm bơm xã Phan, cần phải có thêm vốn đầu tư đủ để xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương- từ cấp 1, 2 đến các tuyến nội đồng. Tổng kinh phí dự kiến vào khoảng trên dưới 5 tỷ đồng. Nên chăng Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng để Trạm bơm xã Phan không còn là hình ảnh “chướng tai gai mắt” của nông dân trong khu vực, nhất là vào những đợt khô hạn gay gắt như hiện nay.

Sơn TrẦn

(Còn tiếp)