BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giữa mùa khô hạn… ì ạch những trạm bơm: Trạm bơm Phước Chỉ, liệu có vận hành đúng thời hạn?

Cập nhật ngày: 15/04/2010 - 05:49

>> Giữa mùa khô hạn… ì ạch những trạm bơm: Trạm bơm xã Phan tưới chưa tới 15% diện tích thiết kế

>> Giữa mùa khô hạn… ì ạch những trạm bơm: Trạm bơm Long Khánh, lê thê tiến độ nâng cấp

 

Chỉ có một đội thi công nhỏ trên kênh chính Trạm bơm Phước Chỉ

Xã Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng nằm phía bờ hữu sông Vàm Cỏ Đông. Đây là một trong những xã biên giới nghèo của Tây Ninh và cũng là khu vực hết sức khó khăn về nước sinh hoạt cũng như nước tưới cho cây trồng. Chính vì thế, ngay từ sau ngày giải phóng 30.4.1975, lãnh đạo tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng Trạm bơm Phước Chỉ cùng hệ thống kênh mương để đưa nước tưới cho hơn 1.000 ha đồng ruộng khu vực này. Thế nhưng từ khi vận hành đến nay, trạm bơm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí nhiều năm hoạt động ì ạch do kênh mương xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.

Trạm bơm Phước Chỉ là hệ thống bơm tưới đầu tiên và có quy mô diện tích tưới thiết kế lớn nhất Tây Ninh từ trước đến nay. Lúc đó ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước xây dựng trạm bơm, tỉnh còn huy động thêm nhân lực nhiều huyện khác đến tham gia xây dựng hệ thống kênh mương. Do vậy Trạm bơm Phước Chỉ có thể coi như là công trình thuỷ lợi đầu tiên của toàn dân Tây Ninh. Thế nhưng do hệ thống kênh xây dựng chưa đồng bộ, nên khi vận hành không đạt theo diện tích thiết kế. Hơn nữa các tuyến kênh đều là công trình đất, cộng thêm đơn vị quản lý vận hành không chuyên nghiệp và không đủ kinh phí duy tu, sửa chữa, nên đã dẫn đến hậu quả kênh mương bị xuống cấp rất nhanh. Đến năm 2000, khi được bàn giao về cho Công ty KTCTTLTN quản lý vận hành thì toàn hệ thống Trạm bơm Phước Chỉ chỉ còn tưới được khoảng 170 ha. Sau khi nhận bàn giao, Công ty đầu tư sửa chữa máy bơm, ống hút, và một số tuyến kênh… nâng diện tích tưới của Trạm bơm Phước Chỉ lên được khoảng 400 ha- vẫn chưa đạt được phân nửa diện tích thiết kế.

Năm 2009, từ nguồn vốn đầu tư thuộc dự án “Thành phần III kiên cố hoá kênh mương” của tỉnh, Trạm bơm Phước Chỉ được đầu tư nâng cấp toàn bộ- từ kênh dẫn, nhà trạm, máy bơm… đến các tuyến kênh chính, kênh nội đồng và các công trình trên kênh. Vụ đông xuân 2009-2010, toàn hệ thống Trạm bơm Phước Chỉ ngưng cung cấp nước tưới để thi công. Những tháng cuối năm 2009, các hạng mục chính của Trạm bơm Phước Chỉ lần lượt được khởi công. Cụ thể: hạng mục xây lắp kênh dẫn, nhà trạm, nhà quản lý được khởi công vào ngày 26.11.2009 với thời gian thi công là 6 tháng; hạng mục kênh và công trình trên kênh chính đoạn từ Ko- K2 +417 (giai đoạn 1) được khởi công vào ngày 27.11.2009 và thời gian hoàn thành là cuối tháng 5.2010; hạng mục cung ứng và lắp đặt thiết bị bơm được khởi công đầu tháng 1.2010, hoàn thành giữa tháng 6 năm 2010… Tổng vốn đầu tư cho việc thi công các hạng mục chính này là gần 8,5 tỷ đồng. Nếu các hạng mục hoàn thành đúng thời hạn quy định theo lệnh khởi công thì Trạm bơm Phước Chỉ có thể tưới chống hạn cho vụ mùa năm nay.

Bể xả chưa nối với đầu kênh chính

Chúng tôi đến khảo sát Trạm bơm Phước Chỉ vào tuần đầu tháng 4. Tuy chưa đến thời hạn hoàn thành các hạng mục, nhưng nhịp độ thi công ở đây khiến không ít người lo ngại về tiến độ công trình. Kênh dẫn và bể hút vẫn đang còn như cũ và nhà trạm mới vừa xây xong phần tường bao, mái chưa lợp. Các hạng mục này khởi công đã hơn 4 tháng mà chỉ mới thi công có vậy, liệu chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa thì có thể hoàn thành kịp hay không? Bể xả sau nhà trạm đã xây xong nhưng chưa nối với đầu tuyến kênh chính. Tuyến kênh chính nâng cấp giai đoạn 1 có chiều dài gần 2,5 km, sau hơn 4 tháng thi công thì chỉ bê tông hoá được có đoạn giữa, còn đoạn đầu chỉ mới làm đất và đoạn sau thì còn như cũ. Trên tuyến kênh chính lúc chúng tôi đến khảo sát thì chỉ có 1 đội thi công chừng mươi người đang làm việc mà thôi. Riêng hạng mục kênh và công trình trên kênh cấp 1,2 thì sau một thời gian đo đạc, đền bù giải thửa, chọn thầu, đến đầu tháng 4 mới ký hợp đồng thi công, giữa tháng 4 mới có thể khởi công và thời gian hoàn thành là giữa tháng 9.2010. Như vậy, nếu như nhà trạm, thiết bị và kênh chính có nỗ lực hoàn thành kịp thời gian quy định đi nữa- vào cuối tháng 5, thì hệ thống Trạm bơm Phước Chỉ cũng chưa thể vận hành đưa nước đến chân ruộng do lúc đó hệ thống kênh cấp 1,2 chưa làm xong.

Có ý kiến cho rằng vẫn có thể vận dụng biện pháp vừa thi công nâng cấp, vừa tiếp tục tưới tiêu, không phải ngưng cung cấp nước toàn bộ liên tục mấy vụ như hiện nay. Đó là biện pháp đắp đập thi công đoạn cuối kênh trước, nghĩa là đoạn đầu kênh có thể vẫn tưới bình thường. Đến khi làm đến đầu kênh chính thì ngưng tưới toàn bộ trong khoảng thời gian vừa đủ tập trung xây dựng nhà trạm và lắp máy bơm mới. Thi công như vậy thì thời gian ngưng cung cấp nước tưới sẽ được rút ngắn hơn đáng kể. Sau khi làm xong nhà trạm thì coi như công trình hoàn thành toàn bộ và đưa vào vận hành. Theo biện pháp này thì tuy diện tích tưới giảm dần so với trước, nhưng ít ra cũng còn một số diện tích chống được hạn, duy trì được sản xuất. Còn nếu ngưng tưới toàn bộ trong khi có những đoạn kênh chưa làm tới thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cả vùng tưới.

Trạm bơm Phước Chỉ trước đây đã ì ạch, đừng nên để giai đoạn nâng cấp tiếp tục ì ạch kéo dài trong khi bà con Phước Chỉ đang “khát nước” từng ngày…

Lời kết

Nhà trạm mới xây dựng phần tường bao

Đoạn cuối kênh chính chưa thi công

Từ trước đến nay Tây Ninh chỉ có 5 trạm bơm đưa vào hoạt động, nhưng đã có đến 3 trạm bơm đã và đang ì ạch, chỉ có 2 trạm được đánh giá là hoạt động tương đối có hiệu quả là Trạm bơm Long Thuận sau khi được nâng cấp và Trạm bơm Hoà Thạnh. Hiện nay ngành chức năng đang khẩn trương hoàn thành thêm 2 trạm bơm mới ở huyện Bến Cầu là Trạm bơm Bến Đình và Trạm bơm Long Hưng. Hai trạm bơm này cũng đã trải qua thời gian mấy năm ì ạch mới triển khai xây dựng, cho nên thời điểm hoàn thành đưa vào tưới tiêu cũng có chậm hơn so với dự kiến.

Đầu tư xây dựng trạm bơm thuỷ lợi không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có hiệu quả to lớn về mặt xã hội. Thực tế cho thấy đã có không ít trạm bơm hoạt động không mang lại hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, tình trạng ì ạch đó không phải không thể khắc phục. Vấn đề là các ngành chức năng có tập trung nỗ lực khắc phục hay không!

SƠN TRẦN