Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giữa thời chống dịch Covid- 19, xuất hiện trò lừa đảo mới
Thứ tư: 15:59 ngày 21/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian gần đây, xuất hiện thêm một số trò lừa đảo mới, hòng chiếm đoạt tài sản của người dân.

Đối với trường hợp khách hàng còn nợ tiền điện, Điện lực sẽ thông báo tiền điện thông qua tin nhắn SMS hoặc Zalo, có tên thương hiệu EVN SPC (ảnh mang tính minh họa).

Trưa ngày 19.7, tôi đang xịt nước sát khuẩn nhà cửa, nhằm phòng chống dịch Covid- 19 thì chuông điện thoại di động reo vang. Cầm máy lên nghe, từ số máy +4514406115217 có giọng nữ từ hộp thư thoại thông báo nội dung: “Công ty Điện lực xin thông báo: Do quý khách chưa thanh toán tiền điện. Điện lực sẽ tạm ngừng cung cấp điện trong ngày hôm nay.

Để tránh trường hợp bị ngưng cung cấp điện, vui lòng bấm phím 0 để biết thêm chi tiết”. Tôi nhớ gia đình mình đã thanh toán tiền điện trong tháng vừa qua rồi sao lại có thông báo chưa thanh toán tiền điện và sẽ bị ngừng cung cấp điện trong ngày hôm nay. Để hiểu rõ vấn đề, tôi bấm phím số 0 đúng theo hướng dẫn. Sau một hồi chuông ngắn, một giọng nam miền Bắc, nghe máy và tự xưng: “Tổng Công ty Điện lực xin nghe”.

Tôi trình bày thắc mắc của mình về vụ việc nêu trên. Người kia tỏ ra sốt sắn hỏi han kỹ: “Anh đã đóng tiền điện lâu chưa? xin cho biết họ tên để kiểm tra lại hồ sơ”. Không nghi ngờ gì cả, tôi vui vẻ cung cấp đúng họ tên của mình. Khoảng 1 phút sau, người kia liên lạc lại cho biết, sau khi kiểm tra trên hệ thống của Điện lực thấy có họ tên, số điện thoại di động của tôi đứng tên một đồng hồ điện ở địa chỉ số 69, Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Đồng hồ điện này đăng ký sử dụng vào ngày 26.4.2021 và đến nay chưa thanh toán số tiền hơn 56 triệu đồng. Công ty cũng đã thông báo nếu không thanh toán số tiền trước 16 giờ cùng ngày, thì Tổng Công ty sẽ ngừng cung cấp điện, đồng thời, Tổng Công ty sẽ đề nghị Tòa án thông qua ngân hàng sẽ kiểm tra tài khoản ngân hàng của tôi.

Trong khi tôi còn đang bối rối, chưa biết thực hư ra sao thì  người kia tiếp tục hỏi về địa chỉ cụ thể của tôi hiện đang cư trú và gặn hỏi xem tôi có ủy quyền cho người thân hay bạn bè ra Hà Nội đăng ký đồng hồ điện không? Tôi cho biết, mình chỉ là thường dân, không có kinh doanh buôn bán gì ngoài Hà Nội và cũng không ủy quyền cho cho ai ở Hà Nội đăng ký đồng hồ điện.

Tất cả các trường hợp liên hệ khách hàng, nhân viên Điện lực đều có xưng danh, thông báo là nhân viên Điện lực.

Sau một lúc chuyện trò thân mật, giọng nam này hỏi thời gian qua, tôi có làm rơi, làm mất giấy chứng minh nhân dân ở đâu không? Sau khi tôi khẳng định giấy chứng minh nhân dân vẫn còn cất giữ trong bóp.

Giọng nam đầu dây bên kia đề nghị tôi nhớ kỹ lại, thời gian qua, trong quá trình đi photocoppy sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân để mua bán hoặc làm giấy tờ nhà đất thì có thu lại những bản sao kê, sao chép, bản mẫu hay không hay vứt đi để những nhóm đối tượng xấu đánh cắp thông tin của mình.

Sau khi nghe tôi trình bày, thời gian qua, tôi có sử dụng dịch vụ photocopy một số giấy tờ tuy thân nhưng đều giữ gìn kỹ những giấy tờ cá nhân. Nam thanh niên này cho hay, vừa qua cơ quan Công an thành phố Hà Nội có gửi thông báo đến Công ty Điện lực rằng thời gian gần đây, cơ quan công an phát hiện một số nhóm đối tượng xấu, chuyên lợi dụng thông tin cá nhân của người dân để làm những việc phi pháp mà người dân không hề hay biết.

Công ty Điện lực đang nghi ngờ có khả năng một số nhóm đối tượng nào đó lợi dụng thông tin cá nhân của tôi để ra Hà Nội đăng ký đồng hồ điện. Giọng nam này khuyên tôi nên trình báo sự việc với cơ quan Công an để nhờ điều tra, làm rõ và cho hay, với những thông tin cá nhân của tôi đã bị đánh cắp, kẻ xấu có thể dùng để vay tiền ngân hàng, mua bán trả góp, thậm chí vay tín dụng đen và sau này bản thân tôi sẽ là người chịu trách nhiệm.

Khách hàng phản ánh có kẻ mạo danh, tự xưng là nhân viên Điện lực (ảnh mang tính minh họa).

Giọng nam đầu dây bên kia hỗ trợ tôi bằng cách cho biết số điện thoại đường dây nóng của Công an thành phố Hà Nội và hướng dẫn cách trình báo vụ việc và căn dặn kỹ tôi phải nhờ cơ quan Công an lập một bộ hồ sơ báo án để phối hợp với Điện lực Hà Nội không cắt điện đồng hồ điện tôi đang đứng tên, ngừng khởi kiện tôi ra Tòa án nhân dân, khấu trừ số tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi.

Ngược lại, Điện lực và cơ quan Công an sẽ giúp tôi điều tra làm rõ vụ việc. Để tạo niềm tin với tôi, nam nhân viên này giới thiệu rõ họ tên là T.D.Hùng- nhân viên chăm sóc khách hàng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và cung cấp cho tôi số điện thoại đường dây nóng của Công ty Điện lực thành phố Hà Nội: 024220706.

Anh Hùng dặn tôi không tắt điện thoại và hỗ trợ tôi kết nối với đường dây nóng của cơ quan Công an thành phố Hà Nội. Trong điện thoại tôi nghe hộp thư tự động thông báo với nội dung: “Xin vui lòng đợi trong giây lát, điện thoại viên đang giúp quý khách chuyển tới đường dây nóng của cơ quan công an”.

Sau nhiều lần lặp lại thông báo với nội dung nêu trên, có nam thanh niên, cũng giọng miền Bắc, nghe điện thoại và trịnh trọng giới thiệu là Đại úy H.P.Hùng, hiện đang công tác Phòng Điều tra PC 45, Công an thành phố Hà Nội. Do chưa nắm rõ sự việc nên Đại úy Hùng đề nghị tôi cung cấp một số thông tin cá nhân để gửi sang Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, yêu cầu chuyển hồ sơ của tôi sang Công an để dễ dàng nắm bắt vụ việc.

Nhận thấy trong câu chuyện này có vấn đề không ổn, tôi bắt đầu đề cao cảnh giác. Để kiểm tra những cơ quan nêu trên có thực hay không, tôi cố tình khai báo với Đại úy Hùng những thông tin cá nhân và địa chỉ thường trú của tôi không đúng sự thật. Đại úy Hùng bảo tôi chờ trong giây lát để gửi thông tin cá nhân của tôi sang Công ty Điện lực thành phố Hà Nội thẩm tra lại.

Vài phút sau, Đại úy Hùng cho hay, Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã phản hồi lại những nội dung cần thiết. Tới lúc này, họ không phát hiện ra những thông tin cá nhân tôi không trùng khớp, chứng tỏ những cơ quan này chẳng có thẩm tra gì cả.

Tuy nhiên, để xem họ “diễn tuồng” như thế nào, tôi tiếp tục giao dịch trên điện thoại. Đại úy Hùng hỏi han rộng thêm về nghề nghiệp của tôi. Xen kẻ giữa những đoạn đối thoại đó là những lúc liên lạc bị đứt quãng, im lặng và cuối cùng là phía đầu dây của Đại úy Hùng ngưng giao dịch.

Một lúc sau, Đại úy Hùng gọi điện thoại lại, trách móc tôi vì sao đang giao dịch lại tắt máy và yêu cầu tôi đúng 14 giờ cùng ngày phải có mặt tại trụ sở Công an thành phố Hà Nội, tại địa chỉ số 2, Tràng Thi, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để lấy lời khai, lập biên bản bằng hình thức viết tay.

Tôi viện lý do tình hình dịch Covid- 19 đang bùng phát, ở miền Nam, các tỉnh thành hạn chế đi lại và quãng đường từ thành phô Hồ Chí Minh ra Hà Nội quá xa, nên không thể có mặt tại trụ sở công an theo yêu cầu được. Đại úy Hùng cho biết, nếu vụ việc không được giải quyết trong ngày hôm nay thì Công ty Điện lực thành phố Hà Nội sẽ khởi kiện tôi ra Tòa án nhân dân cấp cao.

Sau một lúc suy nghĩ, xem xét, Đại úy Hùng tỏ ra thông cảm hoàn cảnh của tôi và quyết định hỗ trợ tôi lập văn bản báo án bằng hình thức ghi âm lại toàn bộ quá trình làm việc. Để tạo sự tin tưởng, Đại úy Hùng hướng dẫn tôi vào Goole tìm địa chỉ Công an quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và ghi rõ số điện thoại công khai của đơn vị Công an này.

Sau đó, Đại úy Hùng bảo tôi so sánh với số điện thoại của Công an quận Hoàn Kiếm xem có giống với số điện thoại Đại úy Hùng đang liên lạc với tôi không? Qua kiểm tra kỹ hai số điện thoại, quả thật tôi nhận thấy hai số điện thoại này giống nhau y chan.

Cụ thể, số điện thoại của Công an quận Hoàn Kiếm là 02438256227, còn số điện thoại Đại úy Hùng đang dùng để liên hệ với tôi là 0882438256227. Đại úy Hùng phân tích, lý do số điện thoại anh đang gọi cho tôi có kèm theo số đầu 088 là mã số dùng để ghi âm của ngành công an.

Đại úy Hùng yêu cầu trong quá trình ghi âm, không được phép có người thứ ba hoặc tiếng ồn ào nào khác. Vì vậy, Đại úy yêu cầu tôi di chuyển đến một nơi yên tĩnh để hoàn tất hồ sơ. Đồng thời, Đại úy nhắc tôi cầm theo giấy tờ tùy thân và thiết bị sạt dự phòng cho điện thoại để đảm bảo đủ điện trong quá trình ghi âm.

Đại úy Hùng dặn kỹ, trong quá di chuyển, tôi không tắt điện thoại và giữ kín vụ việc, không để lộ thông tin cho bất kỳ ai biết, không để người khác nghe lén điện thoại, vì như thế, ngành Công an mới dễ dàng tìm ra kẻ chủ mưu. Tôi hẹn sẽ lái xe ô tô đến một khu vực yên tĩnh và tiếp tục giao dịch. Sau khi đến nơi, Đại úy Hùng nhấn mạnh cuộc ghi âm hôm nay sẽ là bằng chứng trước Tòa nên đề nghị tôi trả lời đầy đủ, thành thật, rõ ràng những thông tin cần thiết, như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân v.v…

Tôi giả vờ thành thật cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết, riêng số chứng minh nhân dân tôi hẹn sẽ cung cấp sau, vì đang trong quá trình đổi sang thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử nên chưa biết số căn cước công dân. Nghe đến đây, Đại úy Hùng tỏ ra bực tức, bảo tôi chờ máy để liên lạc với Bộ Thông tin xem sao. Cuối cùng Đại úy Hùng hẹn sẽ liên lạc lại sau.

Thông báo của Điện lực Tây Ninh.

Trao đổi vấn đề này với ông Đỗ Anh Dũng- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, ông Dũng cho biết, thời gian gần đây, một số khách hàng phản ánh có kẻ mạo danh, tự xưng là nhân viên Điện lực hoặc hình thức hộp thư thoại Điện lực thông báo sẽ tạm ngừng cấp điện do nợ tiền điện hoặc vi phạm sử dụng điện, sau đó yêu cầu bấm phím 9 hoặc phím 0 để được hỗ trợ...

Để giúp Quý khách hàng có thể nắm bắt thông tin kịp thời, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo, Điện lực Tây Ninh thông báo: Đối với trường hợp khách hàng còn nợ tiền điện, Điện lực sẽ thông báo tiền điện thông qua tin nhắn SMS hoặc Zalo, có tên thương hiệu EVN SPC hoặc từ email cskh@evnspc.vn hoặc qua ứng dụng EVNSPC CSKH, hoặc nhân viên Điện lực sẽ gọi điện để nhắc khách hàng thanh toán đúng hạn. Nếu khách hàng còn nợ quá hạn chưa thanh toán, trước khi tạm ngưng cung cấp điện, Điện lực sẽ nhắn tin thông báo cho khách hàng biết trước 24 giờ.

Tất cả các trường hợp liên hệ khách hàng, nhân viên Điện lực đều có xưng danh, thông báo là nhân viên Điện lực và kèm thông tin khách hàng rõ ràng. Để tránh thiệt hại cho khách hàng từ những trường hợp giả mạo, Điện lực Tây Ninh cảnh báo: Nếu khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là “Tổng Công ty Điện lực miền Nam” hay “Điện lực...” hoặc là Trung tâm Chăm sóc Khách hàng” nhưng không nói rõ tên, chức danh nơi công tác, thông tin không rõ ràng, minh bạch, khách hàng vui lòng thông báo ngay cho Điện lực qua Tổng đài Trung tâm Chăm sóc Khách hàng EVN SPC số 19001006 hoặc 19009000 để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục