BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giúp người chẳng đợi lúc giàu sang

Cập nhật ngày: 24/09/2009 - 05:26

Một người đàn bà nghèo, làm nghề bán sữa đậu nành, thu nhập mỗi ngày chỉ hơn 30.000 đồng lại dám đón nhận, cưu mang một người đàn bà khác đang bụng mang dạ chửa và hoàn toàn xa lạ với mình. Câu chuyện cảm động này diễn ra ở ấp Ninh Phước, xã Ninh Thạnh, Thị xã.

Gia đình bà Phạm Thị Ánh 61 tuổi, thuộc diện nghèo liền kề ở ấp Ninh Phước. Hiện tại cả gia đình bà đang sống trong một căn nhà nhỏ, chật chội và ẩm thấp. Từ bao năm nay, ngày nào bà Ánh cũng thức khuya dậy sớm nấu sữa đậu nành rồi chở đi bán dạo cho bà con trong xóm. Bán hết nồi sữa, bà Ánh lại trở về nhà nấu thêm một nồi tàu hủ non rồi chở vào nội ô Toà Thánh bán tiếp cho du khách. Ngày nào may mắn bán hết nồi sữa và nồi tàu hủ non thì bà cũng kiếm lời được hơn ba mươi ngàn đồng. Số tiền đó chỉ vừa đủ để nuôi một người chồng đã hết tuổi lao động và hai đứa con trai chưa có công ăn việc làm ổn định. Thế rồi, trong một lần đi bán hàng gặp một người đàn bà bụng mang dạ chửa với bộ dạng tiều tuỵ, khổ sở, bà Ánh hỏi thăm thì được biết đó là chị Võ Thị Tím, 43 tuổi, quê ở Hậu Giang, vì giận chồng có vợ bé nên đã bỏ nhà ra đi hơn 8 tháng nay. Thời gian qua, chị Tím sống lây lất bằng cách làm thuê làm mướn khắp nơi. Khi gặp bà Ánh, chị Tím đang rửa chén thuê cho một tiệm bán hủ tiếu nhỏ và ở nhờ tại đó. Nhưng chị sắp tới ngày sinh nở, chủ tiệm hủ tiếu không cho chị làm và không cho ở trong nhà nữa. Chị Tím đành lang thang, chưa biết đi đâu, chưa biết làm gì để có tiền sinh sống và sinh nở. Bà Ánh kể lại: “Sau khi biết được hoàn cảnh đáng thương của Tím, tôi cầm lòng không đậu, bèn rủ Tím về nhà, rồi tôi đi tìm thuê một căn nhà với giá 200.000 đồng/tháng cho Tím ở để chuẩn bị sinh con”.

Bà Ánh bên mẹ con chị Tím.

Từ ngày nhận chị Tím về nuôi dưỡng, gánh nặng cơm áo càng nặng nề thêm trên đôi vai gầy yếu của bà Ánh. Hằng ngày bà phải thức khuya hơn để nấu sữa đậu nành, nấu tàu hủ nhiều hơn và bà phải đạp xe đi xa hơn để bán, cố kiếm thêm năm ba ngàn đồng trả tiền nhà trọ và chuẩn bị mua sữa, áo quần cho mẹ con chị Tím. Những ngày chị Tím gần sinh nở, không may, trong một lần thức khuya nấu sữa đậu nành, bà Ánh bị trượt chân té ngã, gãy cả xương cánh tay phải. Là trụ cột của gia đình, nên khi bà Ánh bị tai nạn cả nhà phải đối diện với nguy cơ lo không có cái ăn, nói chi đến việc đùm bọc cho mẹ con chị Tím. “Lúc đó, tôi thật sự lo lắng. Tôi không thể làm việc được nhiều như trước mà Tím thì không thể lùi ngày sinh”, bà Ánh nhớ lại. Tình thương người lại giúp bà Ánh thêm sức mạnh. Không chờ cánh tay lành lại, bà quyết định trở lại nghề bán sữa đậu nành. Bà nhờ người em gái từ dưới quê lên giúp một tay, thay bà đi mua đậu, nấu sữa rồi nhờ chồng chở bà đi bán dạo. “Cũng may, nhờ bà con chòm xóm thương tình, thấy hoàn cảnh của tôi nhiều người cũng ráng mua giúp”, bà Ánh kể.

Cam go nhất là những ngày Tím chuyển dạ sinh con. Bà Ánh vẫn phải đi bán sữa để kiếm tiền lo viện phí. Muốn nhờ chồng đi nuôi chị Tím thì bà lại sợ người khác hiểu lầm, cuối cùng bà phải thuyết phục con trai của mình lo giùm việc ấy. Bà Ánh vui cười kể tiếp: “Con trai mà bắt phải đi ẵm bồng người đàn bà đẻ, khi gặp máu ra nhiều nó hoảng sợ, điện thoại về hỏi tôi liên tục. Nhưng cuối cùng thì Tím cũng được mẹ tròn con vuông, chỉ tội nghiệp cho thằng con trai của tôi, ai cũng tưởng là nó nuôi vợ đẻ”.

Bà Ánh dẫn đường cho chúng tôi đến thăm mẹ con chị Tím, ở cách nhà bà khoảng 200 mét. Trong căn nhà vách ván nhỏ xíu, chị Tím đang cho con bú sữa bình. Nghe chúng tôi hỏi thăm, chị Tím không kìm được nước mắt kể: nhà chị ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Những năm gần đây, chồng chị sinh nhiều tật xấu, thường hay nhậu nhẹt say sưa và có bồ nhí. Nhiều lần khuyên can chồng không được, chị buồn lắm. Giọt nước làm tràn ly là khi chị báo tin cho chồng biết là chị đã có thai, nhưng người chồng dửng dưng bảo chị “muốn tính sao thì tính”. Buồn giận, từ Hậu Giang chị một mình khăn gói đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để nạo phá thai. “Nhưng bệnh viện từ chối, vì bào thai đã lớn. Sau đó, tôi không trở về nhà nữa mà tìm đến Tây Ninh để làm thuê, làm mướn kiếm sống. Tôi dự định khi sinh đứa con này ra, tôi sẽ đem cho người khác vì sợ không có khả năng nuôi dưỡng. Nhưng rất may là gặp được cô Ánh, cô khuyên tôi đừng cho đứa bé, để lại, cô sẽ giúp tôi nuôi dưỡng”- chị Tím quệt nước mắt nói.

Cuối cùng chị Tím từ bỏ ý định cho con, nhưng chị và bà Ánh hoàn toàn không lường trước được hết các trở ngại. Sức khoẻ của chị Tím không tốt nên sau khi sinh, chị không có sữa cho con bú. Muốn nuôi đứa bé phải nhờ vào sữa bột mà chị thì không có tiền. Chị Tím nhớ lại: “Mấy ngày đầu mới xuất viện, còn hộp sữa bột đem từ bệnh viện về nên không sao. Khi hết hộp sữa đó, tôi không đủ tiền mua hộp sữa khác nên đành mua sữa bò (sữa đặc) về cho uống. Uống sữa lạ, bé bị ọc, tiêu chảy, sốt cao, phải mua thuốc về cho uống”. Trước hoàn cảnh quá ngặt nghèo này, bà Ánh lại ra tay cứu giúp. “Tôi dẹp tự ái sang một bên, đi bán sữa đậu nành. Tới đâu, tôi cũng trình bày hoàn cảnh của Tím và xin tiền về mua sữa bột cho đứa bé”, bà Ánh nói. Gần đây, bà Ánh còn tìm đến Hội Từ thiện Hoà Thành để cầu cứu và những người trong Hội đã nhận trợ cấp cho mẹ con chị Tím mỗi tháng 10 kg gạo và một số thực phẩm: dầu ăn, nước tương, đường … Chị Tím nước mắt rơi lã chã nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của cô Ánh chắc mẹ con tôi không sống được đến ngày hôm nay”.

Đứa bé con của chị Tím đến nay đã được hơn một tháng tuổi, trông kháu khỉnh và lanh lợi. Nhưng bé càng lớn lên, nhu cầu uống sữa càng nhiều nên đã ngoài khả năng lo liệu của bà Ánh. Hiện tại, mẹ con chị Tím đang rất cần được giúp đỡ.

DƯƠNG AN