Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa có kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

![]() |
Trao quyết định đặc xá trước thời hạn cho các phạm nhân. |
(BTNO) – UBND tỉnh vừa có kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Mục tiêu đề ra của kế hoạch này là nhằm giúp mọi người dân nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm tội; đảm bảo các biện pháp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tuyên tuyền cho cán bộ, công nhân viên nắm nội dung cơ bản của Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ; kêu gọi từng cá nhân trong các cơ quan, tổ chức nâng cao trách nhiệm chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, xoá bỏ thái độ kỳ thị, định kiến; tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng; tuyên truyền các mô hình điển hình, các cá nhân tiên tiến, cách làm sáng tạo, có hiệu quả trong thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng.
Kế hoạch của UBND tỉnh cũng giao cho Công an tỉnh phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, thị trường lao động và trang bị kiến thức cần thiết, nhất là các biện pháp đảm bảo tái hoà nhập cộng đồng cho phạm nhân sắp hết hạn chấp hành án phạt tù. Tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng; hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu, làm giấy CMND. Kiểm tra, đánh giá năng lực của từng phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án, từ đó lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức dạy nghề phổ thông đơn giản cho người chưa có nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, định hướng tìm kiếm việc làm cho họ sau khi chấp hành xong án phạt tù. Đảm bảo an ninh trật tự và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, tổ chức và cá nhân tham gia việc giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề và tiếp nhận, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Lập hồ sơ quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù làm thủ tục xoá án tích khi có đủ điều kiện; theo dõi và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của người chấp hành xong án phạt tù, đồng thời đề xuất UBND cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương theo quy định của pháp luật... Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các quan liên quan, tổ chức trong tỉnh thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người chấp hành xong án phạt tù, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cho họ khi có đủ điều kiện, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định; Chủ động phối hợp với Công an tỉnh và Toà án tỉnh để cập nhật thông tin về xoá án tích, thực hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người chấp hành xong án phạt tù.
Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đào tạo, dạy nghề, cho vay vốn và tạo việc làm đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, giúp họ ổn định cuộc sống. Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND các huyện, thị xã mở các lớp đào tạo, dạy nghề và tổ chức dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Trực tiếp quan tâm, tìm hiểu tâm tư tình cảm, tâm lý để giúp đỡ vật chất, tinh thần cho người chấp hành xong án phạt tù gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt...
P.L