BAOTAYNINH.VN trên Google News

KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG 15.7:

Giúp nhau vươn lên trong cuộc sống 

Cập nhật ngày: 14/07/2021 - 09:55

BTN - Tây Ninh bị tàn phá hết sức nặng nề trong các thời kỳ kháng chiến cứu nước, vừa được giải phóng đã phải tiếp tục đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại do bọn diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary gây ra trên suốt tuyến biên giới dài hơn 240km, cho đến những năm 1980 mới thực sự hoà bình, bắt tay vào khôi phục sản xuất, xây dựng lại nền kinh tế.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim trao tặng nhà tình nghĩa cho cựu TNXP ở Tây Ninh. Ảnh chụp ngày 15.7.2020

Trong những năm 1975-1979 cực kỳ khó khăn ấy, hàng ngàn thanh niên tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng, của Ðoàn, hăng hái lên đường ra biên giới phục vụ chiến đấu, cùng bộ đội đẩy lùi, đánh bật bọn diệt chủng ra khỏi lãnh thổ tỉnh nhà; đồng thời tham gia xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế đầu tiên của tỉnh như các công trình thuỷ lợi Tây Bến Cầu, Trà Phí, Tà Băng, Suối Hùng, các nông trường Nước Trong, Phước Vinh, Bời Lời…

Ðến năm 1981, từ ngày kỷ niệm 6 năm đất nước, tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, sau khi Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, thanh niên Tây Ninh hồ hởi kéo nhau lên công trường, xung phong cống hiến sức trẻ, tuổi xuân tham gia xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ngay trên vùng đất quê hương mình.

Với diện tích mặt hồ 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ mét khối nước, hơn 28km đập chắn, hàng ngàn ki-lô-mét kênh mương, tưới tiêu cho hàng trăm ngàn héc-ta đất canh tác, cung cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp cho toàn tỉnh Tây Ninh và một số vùng thuộc các tỉnh, thành lân cận… Hệ thống thuỷ nông Dầu Tiếng cho đến ngày nay vẫn còn là công trình thuỷ lợi lớn nhất nước ta và cả khu vực ASEAN.

Sau mùa thi công đầu tiên, với kết quả đào đắp chỉ đạt khoảng vài trăm ngàn mét khối đất, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh nhận thấy nếu không huy động tổng lực thì khó hoàn thành hệ thống kênh mương dẫn nước do tỉnh phụ trách, với khối lượng ước tính khoảng 11 triệu mét khối trong tổng số khoảng 70 triệu mét khối trên toàn công trình (số còn lại thuộc hệ thống công trình đầu mối như hồ chứa, các con đập và các kênh chính do Bộ Thuỷ lợi đảm trách).

Cuối mùa khô 1981-1982, Tỉnh uỷ quyết định giao cho Tỉnh đoàn tổ chức Ðại hội Tuổi trẻ trên công trường thuỷ lợi, bàn việc: làm thế nào để đạt 2,5 triệu mét khối đất đào đắp trong mỗi mùa thi công? Ðồng thời còn có phần việc thi công các hạng mục công trình xây lắp trên kênh như cống đầu kênh, cầu qua đường, cửa van tháo nước trên toàn hệ thống công trình đất trải rộng khắp tỉnh.

Từ Ðại hội này, các cấp, các ngành và tuổi trẻ toàn tỉnh quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu đào đắp 2,5 triệu mét khối đất của mùa thi công 1982-1983, và những năm tiếp theo cho đến khi hoàn thành công trình vào năm 1985.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Tỉnh đoàn và các huyện Hoà Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng đã thành lập 5 Liên đội TNXP để thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, cụ thể là tập trung xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng từ tháng 10 năm 1982.

Bên cạnh đó, Tổng đội TNXP Tây Ninh sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong chiến tranh biên giới, hầu hết cán bộ, đội viên trở về địa phương tham gia phong trào làm thuỷ lợi, bộ phận còn lại chuyển sang tham gia Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế (XDKT) của tỉnh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông, lâm trường, sản xuất cây công nghiệp.


Thanh niên Xung phong trên công trường thuỷ lợi.

Sau 5 năm, hệ thống công trình thuỷ nông Dầu Tiếng hoàn thành đúng tiến độ quy định vào năm 1985. Hơn 35 năm qua, dòng nước ngọt mát lành từ hồ Dầu Tiếng đổ ra các kênh chính Ðông, Tây đổ vào hệ thống kênh tự chảy đến khắp các vùng tưới trong tỉnh, đến tận một số địa phương thuộc các tỉnh, thành lân cận, cung cấp nước cho các loại cây nông nghiệp, đồng thời cung cấp nước sạch cho các nhà máy cấp thuỷ, nhà máy công nghiệp của tỉnh Tây Ninh và một số nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời làm thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp ở Tây Ninh, từ tập quán quảng canh một vụ mỗi năm, chuyển thành sản xuất thâm canh, tăng lên 2-3 vụ mỗi năm, dẫn tới năng suất, sản lượng cây trồng tăng lên gấp nhiều lần, đem lại sự sung túc trong đời sống nông dân, góp phần mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.

Ðối với đội ngũ “làm thuỷ lợi chuyên nghiệp” là các Liên đội TNXP-XDKT thành lập từ tháng 10.1982, khi công trình thuỷ lợi hoàn thành, có 2 liên đội thuộc Tỉnh đoàn và huyện Trảng Bàng kết thúc hoạt động vào năm 1986, còn lại các Liên đội thuộc các huyện Châu Thành, Hoà Thành và Gò Dầu cho đến các năm 1990-1999 mới kết thúc nhiệm vụ.

Tuy nhiên, cũng còn có những người theo nghề thuỷ lợi đến gần trọn cuộc đời, cho đến tuổi nghỉ hưu mới chịu chia tay như ông Lê Thành Công- nguyên Giám đốc và nhiều cán bộ, nhân viên Công ty Khai thác thuỷ nông Tây Ninh, Xí nghiệp thuỷ nông các huyện, thị trong tỉnh. Riêng Tổng đội TNXP-XDKT thuộc Tỉnh đoàn Tây Ninh vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay, sau khi chuyển thành Công ty TNHH-MTV Thanh niên xung phong Tây Ninh.

Hơn bốn thập niên đã trôi qua, những người từng một thời cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương Tây Ninh nay đều đã cao tuổi, người trẻ nhất thời ấy bây giờ tuổi cũng đã quá 60.

Hoàn thành nhiệm vụ TNXP, họ trở về địa phương làm đủ nghề để sống, có nhiều người thành đạt, khá giả, nhưng cũng có không ít người khó khăn. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nhưng tất cả họ cùng một điểm chung là niềm tự hào về thời trai trẻ của mình, đã đứng trong đội ngũ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập: Lực lượng TNXP Việt Nam.

Và đặc biệt nhất là niềm tự hào về phần thưởng vô giá mà Bác Hồ đã tặng TNXP đúng 50 năm trước, đó là 4 câu thơ: “Ðâu có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Ðào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Trong niềm hạnh phúc đó, những cựu TNXP đã đoàn kết, tập hợp nhau lại dưới “mái ấm” Hội Cựu TNXP. Trong nghĩa tình đồng đội sâu nặng, nhiều năm qua, anh chị em hội viên cựu TNXP đã giúp nhau bằng mọi cách để cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

NGUYỄN TẤN HÙNG