Dạo tháng 7.2010, một lần ngồi bên bàn cà phê
mái lá lụp xụp của nghệ sĩ Đông Dương cạnh trụ sở Đoàn Cải lương Tây Ninh, Giám
đốc Bảo tàng Đào Duy Phước rủ tôi… đi đào cổ vật. Vẫn chưa hết ớn đận lội bộ mấy
cây số đường bờ giữa đồng nắng chát Long Yên đào xác máy bay Mỹ dạo nọ, tôi ngập
ngừng. Nhưng nghe ông bảo, mới phát hiện mấy chục rìu đá của người tiền sử, niên
đại đâu chừng 3.000 năm, tôi liền xiêu lòng, gật đầu ngay, không cần suy nghĩ.
 |
Hiện vật được khai quật tại di tích
Gò Bà Đao |
Tây Ninh được xem là một trong những “địa chỉ
đỏ” của giới khảo cổ ở khu vực miền Đông Nam bộ. Dù đã có nhiều lần khảo sát,
khai quật từ thời Pháp, nhưng dưới lòng đất Tây Ninh vẫn còn rất nhiều chứng
tích lịch sử của các nhóm cư dân sinh sống suốt thời gian kéo dài trên dưới
3.000 năm – từ thời tiền sử đến các thế kỷ thuộc các nền văn minh Óc Eo, hậu Óc
Eo sau này. Tuy nhiên, phần lớn những hiện vật được tìm thấy đều thuộc về nền
văn hoá Óc Eo của đế chế Phù Nam tồn tại vào những thế kỷ đầu tiên sau Công
nguyên. Ở một số tỉnh khác, chỉ cần phát hiện một chiếc rìu đá của người tiền
sử, báo chí địa phương đã la rân trời, vì chỉ cần chừng ấy- một giai đoạn lịch
sử hình thành và phát triển có thể sẽ phải viết lại. Đằng này lại “mấy chục”,
không đi mới là lạ.
Dạo đi đào xác máy bay, giữa mênh mông đồng lúa,
không một bóng cây, năm bảy tấm lưng trần phơi dưới nắng, hì hục đào đất, moi
sình. Đào từ sáng sớm đến lúc trời đã chạng vạng, thấy được “nó” rồi “hò dô ta”
cả chục lần, cũng không lôi lên được. Tay lăm lăm máy ảnh, tôi gần như nằm dài
trên đường bờ để chờ đợi giây phút trục được xác chiếc máy bay Mỹ đã bị du kích
Long Yên bắn cháy năm xưa. Một giờ đồng hồ trôi qua, “nó” chỉ xục xịch được đôi
chút. Tức mình, tôi cũng lao xuống hố, cũng “hò dô ta” đến khàn cả cổ.
Chuyện đi khảo cổ, dù không mất nhiều sức lực,
nhưng nếu không phải là người tỉ mẫn thì không thể nào làm được. Có một mẩu
chuyện cười mà cánh bảo tàng thường kể lúc đã “sần sần” bên bàn rượu. Đại để là
khi lập dự toán công trình khai quật một di tích cổ, dân bảo tàng ghi tiền công
đào 1cm giá 50.000 đồng. Khi duyệt chi, có vị cán bộ tài chính trợn mắt: “Mấy
ông tính dị kỳ vậy? Đào có một xăn-ti mà tính năm chục ngàn, tui chỉ cần trả một
trăm ngàn, người ta đào được mấy thước đất”. Là chuyện để cười, nhưng cũng là
chuyện thật về cái nghề khảo cổ. Một tay cầm chiếc cuốc nhỏ xíu, một tay cầm cây
cọ, phải đào thật nhẹ, quét thật khẽ như sợ những hiện vật của người xưa sẽ tan
thành đất, dù đó chỉ là một mảnh gốm thô kệch, không hoa văn hay những cục đá
dèm dẹp mà nếu các vị chuyên gia không nói đó là đầu rìu của người tiền sử thì
phàm phu tục tử như tôi chắc cũng xem nó là cục đá như mọi cục đá khác...
 |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long xác định
chiều dài rìu đá tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Gò Bà Đao |
* * *
Lần ấy, chúng tôi đến Gò Bà Đao (ấp Chánh, xã An
Thạnh, huyện Bến Cầu). Người phụ trách khai quật di chỉ khảo cổ là tiến sĩ
Nguyễn Văn Long – người của Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ hợp tác với Bảo
tàng Tây Ninh thực hiện đề tài “Điều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn,
phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh”. Chỉ mới khai quật đến tầng thứ
hai, mấy chục cái rìu đá đã phát lộ cùng với hàng ngàn mảnh gốm. Có cả những
chiếc bình gốm, hình thù trông khá nguyên vẹn nhưng nằm sâu dưới lòng đất, trải
qua bao cuộc biến thiên, dời đổi... thân bình nó đã bị nứt ngang, nứt dọc, chỉ
cần mạnh tay là vỡ nát. Dù chưa kiểm nghiệm, tiến sĩ Long vẫn khẳng định như
đinh đóng cột rằng, những hiện vật được tìm thấy ở Gò Bà Đao có niên đại tương
đương với những hiện vật tìm thấy ở di chỉ khảo cổ An Sơn (ấp Sơn Lợi, xã An
Ninh Tây, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An), gần 3.000 năm. Điều đó có nghĩa là,
người tiền sử đã từng sinh sống tập trung khá đông ở Bến Cầu. Tuy nhiên, các
loại rìu đá vai và rìu tứ giác bằng đá silic tìm thấy ở Gò Bà Đao có thể không
do cư dân cổ ở đây chế tác, vì loại đá này không có ở khu vực Tây Ninh. Có khả
năng, để có được các loại rìu đá này, họ đã phải trao đổi với cư dân cổ sống ở
vùng Bắc Đồng Nai. Giả thuyết này cũng được các nhà khảo cổ thuộc Viện Hàn lâm
khoa học Nga tán đồng khi đến thám sát tại Gò Bà Đao.
 |
Lần tìm từng mảnh gốm cổ |
Cầm mảnh rìu đá được mài khá bén trên tay, một
người dân ở gần khu vực khảo cổ cứ cười cười: “Tưởng gì, mấy thứ này tui lượm
hoài! Hồi đó, chỉ cần vài ba cơn mưa lớn, nó trồi lên nhiều lắm. Cũng nghe người
ta nói đây là cổ vật, nên tui đem về chưng chơi. Vậy mà bữa mấy ông Nga qua đây,
nhìn thấy mấy thứ này dưới hố khai quật, mắt họ sáng rỡ, xí xô xí xào cứ như đào
được vàng không bằng”.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh
nói, chỉ ở mỗi khu vực Gò Bà Đao, giá trị lịch sử của những cổ vật được tìm thấy
đã lớn như vậy. Cách đó không xa là di chỉ Bến Đình (xã Tiên Thuận) được các nhà
khảo cổ đánh giá là có quy mô rất lớn, bao gồm cả khu vực cư dân sinh sống, bến
cảng, đền tháp của người xưa. Nghe đâu, tỉnh có quy hoạch làm dự án xây dựng gì
đó, cánh bảo tàng đâm lo ngai ngái. Rồi những di chỉ như gò Chốt Mỹ, gò Tràm
Lơn... nằm ở bờ Nam sông Vàm Cỏ, nếu không kịp khai quật, tất cả sẽ không còn
gì!
* * *
Cuối thập niên 1980, Bảo tàng Tây Ninh phối hợp
với Viện KHXH tại TP.HCM (nay là Viện phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ) điều
tra, khảo sát và phát hiện, kiểm chứng nhiều di tích khảo cổ học gồm: các di
tích thuộc Văn hoá Đồng Nai, thời đại đá mới như Cao Sơn Tự (huyện Gò Dầu) và
Dinh Ông (huyện Bến Cầu), các di tích thuộc Văn hoá Óc Eo, hậu Óc Eo như Chót
Mạt (huyện Tân Biên), 11 di tích trên địa bàn xã Thanh Điền (huyện Châu Thành)
xếp thành hàng kéo dài khoảng 4km theo trục Bắc-Nam, Gò Tháp, Gò Cây Dương,
Truông Dầu (xã Phước Chỉ, Trảng Bàng), tháp Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng), miễu
Bà (huyện Bến Cầu)… Qua các đợt điều tra, khảo sát và khai quật của những năm
cuối thế kỷ XX đã thu được trên 2.000 hiện vật có giá trị. Một số di tích quan
trọng được trùng tu, tôn tạo và xếp hạng để bảo vệ như tháp cổ Chót Mạt, tháp cổ
Bình Thạnh, gò Cổ Lâm…
 |
Cẩn thận từng nhát bay để phát lộ rìu
đá của người tiền sử |
Trong những đợt khảo sát gần đây nhất, các nhà
khoa học xác định toàn tỉnh có tất cả 120 địa điểm di tích khảo cổ học. Trong số
này có đến 29 di tích đã bị mất hoàn toàn. Hầu hết các di tích khảo cổ học thời
kỳ Óc Eo, hậu Óc Eo là những khu gò đất lớn, do vậy tình trạng người dân đào lấy
đất để san lấp mặt bằng hoặc san ủi để sản xuất nông nghiệp, làm đường giao
thông đã vô tình phá huỷ khá nhiều di tích vô cùng quý giá. Chỉ riêng huyện
Trảng Bàng đã có 18 di tích bị đào thành ao sâu hoặc bị san bằng. Có những địa
điểm di tích được phát hiện trước đây nay đã bị chùa Phật hoặc các thánh thất
Cao Đài xây đè lên. Đơn cử tại xã Bình Thạnh, có 3 di tích thời kỳ Óc Eo, hậu Óc
Eo biến mất hoàn toàn là gò chùa Prei Cek (còn gọi là Gò Chùa Bà Dệt), gò tháp
Bình Quới, gò Cây Dầu.
* * *
Mất hơn một năm sau, tiến sĩ Long và Bảo tàng
Tây Ninh mới hoàn tất được bản báo cáo về di tích khảo cổ Gò Bà Đao. Kết quả
phân tích của Phòng thuỷ văn đồng vị thuộc Trung tâm Hạt nhân TP.HCM cho thấy,
những hiện vật được tìm thấy có niên đại cách nay từ 2.600 – 2.700 năm. Với số
lượng di vật được khai quật khá lớn, nếu đem so sánh với những di tích cùng thời
kỳ đã được khai quật ở khu vực miền Đông Nam bộ như di tích Bình Đa, Gò Me, Rạch
Lá, Cái Vạn... ở Đồng Nai, Dốc Chùa, Mỹ Lộc... ở Bình Dương thì di tích Gò Bà
Đao ở Tây Ninh không thua kém về độ dày của tầng văn hoá, về mật độ của các di
vật cũng như các loại công cụ bằng đá, gốm cổ có trong tầng văn hoá.
Đặng Hoàng Thái