Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bút xanh
Gô cơm của ba
Chủ nhật: 23:30 ngày 07/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Còn vài ngày nữa là đến ngày giỗ của ba tôi. Tròn 23 năm kể từ ngày ba mất, tôi cứ ngỡ ba vẫn ở đâu đây rất gần. Từ khi tôi hiểu biết là tôi cũng biết ba mắc bệnh. Mẹ nói ba bị bệnh động kinh hay dân gian gọi là “chết xù”.

Người lớn kể lại lúc trẻ ba tôi đẹp trai, rất giỏi cày cuốc, chỉ thích đá banh. Mỗi chiều, ba hay lén ông bà nội đi đá banh. Có lần, sau khi đi đá banh về, ông nội giận quá vừa mắng vừa ném khúc củi về phía ba. Ông cố tình ném trật ra nhưng không ngờ ba tôi né ngay về phía đó.

Thế là ba bị thương ngay đầu, máu chảy rất nhiều. Vết thương rồi cũng lành, cả nhà tưởng rằng không sao. Ai dè, sau đó một thời gian, khi đang đi cày, ba lảo đảo rồi té xuống, bất tỉnh. Bác sĩ nói ba tôi mắc bệnh động kinh. Từ đó, thỉnh thoảng ba tôi lại té bất tỉnh như vậy.

Có lần, mẹ tôi giận ba, nói là sẽ về ngoại ở. Tôi rất thương mẹ nên tôi nói với mẹ là mẹ đi đi, con ở lại với ba. Mỗi tuần con về ngoại thăm mẹ, xin mẹ gạo và thức ăn mang về nuôi ba, con không thể theo mẹ, bỏ ba bệnh tật ở lại một mình được. Lúc đó, tôi không biết mẹ nghĩ gì mà ôm tôi khóc. Kể từ đó, mẹ không bao giờ nhắc tới chuyện bỏ ba tôi nữa.

Và cũng từ đó, tôi nghĩ là mình phải giúp mẹ thật nhiều, những gì ba tôi không thể làm được thì tôi phải làm thay ba để mẹ đỡ vất vả cũng đỡ tủi thân. Còn ba thì lúc nào cũng muốn chia sẻ công việc với mẹ. Ba muốn về ngoại mượn trâu để cày ruộng bưng, mẹ không cho vì sợ khi bệnh, ba té bất tỉnh dưới nước. Rồi ba muốn lùa bò đi ruộng cho ăn, mẹ cũng không cho. Tôi nài nỉ riết rồi mẹ cũng đồng ý để tôi thay ba đi lùa bò.

Ngày đầu tiên tôi đi chăn bò, ba dậy thật sớm, nấu cơm và cho vào gô sẵn. Đợi tôi thức, ba đưa tôi chiếc giỏ, trong đó có gô cơm, tấm nylon để che khi trời mưa, cái nọc (cộc) sắt, cuộn dây bò và cái liềm. Tôi hăm hở lên đường cùng đám bò. Từ đó, mẹ dậy tráng bánh là ba dậy nấu cơm để tôi đem theo. Có những hôm bày cơm ra ăn, thấy cơm chưa chín, quá nhão hoặc cháy khét là tôi hiểu ba đã lên cơn bệnh lúc nấu cơm nên không canh lửa, canh nước được.

Lần đó, vào buổi chiều muộn, trên đường lùa bò về, tụi con nít trong xóm tụ tập chơi trò gì đó, thấy tôi đi ngang, chúng nó ùa ra cùng một lúc, rồi hô to: “con ông chết xù, con ông chết xù”. Tụi nó la lên một cách vui sướng. Tôi nghe lùng bùng lỗ tai, tới lần hô thứ ba là tôi thả dây bò ra, buông cái giỏ xuống đất, trên tay tôi đang cầm sẵn cái roi chăn bò, nhưng thấy chưa đủ hay sao mà tôi còn quơ thêm cây trúc, tôi lao vào quơ túi bụi, có bao nhiêu sức là tôi dùng hết. Mới đầu tụi nó chống cự, nhưng có lẽ nhìn tôi dữ tợn lắm hay sao mà thằng đầu đàn ra lệnh “chạy tụi bây ơi!”.

Đến khi người lớn trong xóm kêu tôi lùa bò về đi, để họ dạy lại con, tôi mới buông cây xuống và đi về. Hôm đó về nhà tuyệt nhiên tôi không kể cho ba mẹ nghe. Nhưng chừng vài ngày, có anh ở xóm đó lên nhà tôi mua bánh tráng, câu đầu tiên khi vừa bước vào nhà tôi là: “Mợ Bảy đừng nghĩ H.N hiền nhen. Bữa đó xém chút xíu nữa là nó nhai đầu tụi con nít xóm con rồi...”. Thật tình lúc đó tôi cũng không hiểu sao có thể liều lĩnh chiến đấu với một đám đông con nít trạc tuổi mình như thế.

Thế rồi những mùa hè chăn bò cũng trôi qua, gô cơm của ba đã không theo tôi ra đồng nữa mà theo tôi đến trường vì tôi học cấp 3 ở trường huyện, khá xa nhà. Tôi học hết cấp 3 cũng là lúc ba tôi không còn đi đứng được nữa. Ngày cuối cùng trước khi phải nằm một chỗ, ba tôi vẫn cố hết sức ra sau nhà chặt những cây trúc làm chà dưa leo, cuốc đất lên vồng chuẩn bị gieo hạt.

Hôm đó, ba chặt toàn những cây trúc còn non, hàng dưa ba lên vồng cũng ngả nghiêng như đường đi xiêu vẹo của cái cuốc trên tay. Hôm sau, tôi mới hiểu là ba đã cố dùng hết sức yếu ớt còn lại để làm những việc cần làm. Tôi ra sau nhà, nhìn hàng dưa liêu xiêu của ba, nhìn đống trúc non mà lặng lẽ khóc một mình. Tôi cảm nhận sâu sắc bài học từ ba, phải làm việc đến khi sức cùng, lực kiệt; làm một con người, có sức khoẻ là hạnh phúc lớn lao mà thượng đế đã ưu ái ban tặng.

Một năm sau đó ba tôi ra đi. Lúc ba mới mất, tôi mừng cho ba vì từ nay ba không còn bị bệnh tật hành hạ. Ba không phải chịu đau đớn bởi những vết thương va trúng chỗ này, chỗ kia mỗi khi té bất tỉnh. Nhưng theo thời gian, khoảng trống ba để lại trong tôi ngày càng lớn. Có lần, ba của bạn tôi lên thăm ở ký túc xá. Bác ấy mang theo gạo và quà ở quê lên cho con. Tôi nghe bác hỏi thăm tình hình học tập, kể chuyện dưới quê, dặn dò cô bạn việc này việc kia, khiến tôi nhớ ba vô hạn. Lúc ấy, tự nhiên tôi không thể ngăn dòng nước mắt. Tôi đã khóc như trẻ con, tôi đã làm cho ba của cô bạn bối rối.

Theo thời gian, tôi trưởng thành và cũng trải qua những thăng trầm trong cuộc sống như bao người. Mỗi khi va vấp trong đời, tôi đều nhớ đến ba. Ba đã cho tôi sức mạnh để vượt qua. Nhớ ba, tôi hiểu được làm con của ba là một niềm hạnh phúc lớn lao, vì ba bệnh, tôi thay ba giúp mẹ nên tôi mới có những ngày thơ ấu bên ruộng đồng, mới có những ngày mưa nhiều sấm sét, ngồi co ro nơi góc bờ ruộng trú mưa, nhìn lên quốc lộ thấy những chiếc xe đò ngược xuôi, thầm ước mơ một ngày nào đó, tôi cũng sẽ được ngồi trên những chiếc xe ấy để bước chân vào đại học...

Tất cả, tôi gom cất giữ hết vào trong cái gô cơm mà ngày xưa ba thường đưa tôi đem theo. Cái gô đã trở thành người bạn đồng hành trong đời tôi.

Hồng Nhung

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục