Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Hiệu quả từ việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân đã thể hiện rõ, nông dân thu lợi nhuận tăng thêm từ 4 triệu đến 8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa không ký hợp đồng bao tiêu.

Ngày 22.3, tại ấp 2 xã Bàu Đồn (Gò Dầu), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Gò Dầu phối hợp với Công ty Cổ phần Ninh Bình tổ chức hội thảo mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Qua 2 năm triển khai, số diện tích sản xuất lúa được bao tiêu là 190 ha, gồm hai nhóm giống: nhóm các giống hướng cao sản (Hoa ưu 109, GL105) được đánh giá thích nghi cao, năng suất ổn định, có thể thay thế cho giống IR50404 chất lượng kém, hiện đang sản xuất đại trà) và nhóm các giống chất lượng cao (gồm 2 giống lúa Nhật PC26 và DS1; giống HT18, HDT8, AIQ1102).
Năng suất của các giống lúa mới này đều đạt cao hơn hoặc tương đương những giống lúa đang sản xuất chủ lực tại địa phương. Hiệu quả từ việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân đã thể hiện rõ là nông dân thu lợi nhuận tăng thêm từ 4 triệu đến 8 triệu đồng/ha, so với nông dân sản xuất lúa không ký hợp đồng bao tiêu.
Thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong vụ Đông Xuân 2015- 2016, Công ty ký hợp đồng với nông dân xã Bàu Đồn triển khai sản xuất 70 ha lúa sạch (theo hướng VietGAP) sử dụng 2 giống lúa Nhật PC26 và DS1. Đây là hai giống lúa có giá trị xuất khẩu cao, đã được triển khai quy mô rộng tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Riêng ở Tây Ninh, huyện Gò Dầu là điểm đầu tiên triển khai mô hình VietGAP trên lúa với quy mô lớn.
![]() |
Các đại biểu tham quan cánh đồng sản xuất giống lúa Nhật PC26 và DS1 tại ấp 2, xã Bàu Đồn. |
Việc triển khai thực hiện mô hình bước đầu giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, được thị trường chấp nhận; đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân là Công ty thu mua sản phẩm ký hợp đồng với nông dân cao hơn giá thị trường 20% (tại thời điểm nông dân thu hoạch và bán lúa cho Công ty).
Nhân buổi hội thảo, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh cùng với Trạm Bảo vệ thực vật Gò Dầu trao giấy khen và phần thưởng cho bà Trương Thị Hoàng (sinh năm 1974), ngụ tại ấp 2, xã Bàu Đồn vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” vụ Đông Xuân 2015- 2016 (gia đình bà Trương Thị Hoàng thực hiện mô hình “Bờ hoa ruộng lúa”).
N.H