Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một số được đầu tư xây dựng đã khá lâu, đến nay trở nên quá tải và xuống cấp, khiến cho việc lưu thông của người dân gặp khó khăn, thậm chí trở thành điểm đen về tai nạn giao thông.
Cống qua kênh N4 tại ấp Đường Long, xã Thạnh Đức bị vỡ nắp.
Nhiều năm qua, với mục tiêu phát triển thuỷ lợi gắn với phát triển kinh tế nông thôn, các công trình thuỷ lợi dẫn nước phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân không ngừng được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, với nhiều hạng mục đầu tư như hệ thống kênh mương dẫn nước, các trạm bơm… Ðồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân, hệ thống cầu cống bắc qua các tuyến kênh cũng được đầu tư.
Tuy nhiên, trong những công trình đó, một số được đầu tư xây dựng đã khá lâu, đến nay trở nên quá tải và xuống cấp, khiến cho việc lưu thông của người dân gặp khó khăn, thậm chí trở thành điểm đen về tai nạn giao thông.
Theo người dân xã Phước Thạnh (huyện Gò Dầu), để vận chuyển hàng hoá từ đường Phước Thạnh - Bàu Ðồn vào đường số 49, người dân phải bắc cầu qua tuyến kênh thuỷ lợi N14. Tuy nhiên, do cầu được đầu tư xây dựng từ lâu, mặt cầu nhỏ hẹp, tải trọng nhỏ nên việc vận chuyển nông sản, hàng hoá của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lớn (ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh) cho biết, cầu bắc qua kênh N14 được xây dựng chỉ để cho xe máy đi qua. Do đó, để vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng… người dân phải dùng xe nhỏ. Hơn nữa, mặt cầu lại thấp hơn mặt đường hơn 0,5m, tạo thành dốc đứng, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Ðã có nhiều trường hợp vào cua xuống cầu rồi trượt ngã xuống kênh.
Người dân tổ 7 ấp Ðường Long, xã Thạnh Ðức kiến nghị các ngành chức năng sửa chữa cống Cao bắc qua tuyến kênh N4 do cống này bị đặt lệch làm đoạn đường qua đây bị uốn cong về một bên. Cộng với bờ kênh nhô cao, che khuất tầm nhìn, “điểm đen” này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Trưởng ấp Ðường Long cho biết, cống bắc qua kênh thuỷ lợi N4 có tên thường gọi là cống Cao, được xây từ khoảng năm 2000, phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 200 hộ dân ở khu vực xung quanh. Ban đầu, cống đặt cao hơn mặt đường khiến người dân mỗi lần qua cống phải lên dốc rất cao, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hoá. Ðến năm 2012, cống này được sửa chữa cho bằng với mặt đường nhưng lại bị đặt lệch khiến đường bị uốn cong tại đoạn qua cống.
Theo ông Ân, chính việc tuyến đường bị uốn cong đột ngột khiến nhiều phương tiện rớt xuống kênh N4. Trước tình trạng trên, ngành chức năng huyện Gò Dầu đã cho cắm cọc tiêu và biển báo, nhưng đến nay các cọc tiêu này đã bị gãy đổ gần hết. Một người dân sống gần cống Cao cho biết, đã có trường hợp tử vong do té xuống cống.
Ông Lê Xuân Lành - Phó Chủ tịch HÐND xã Thạnh Ðức cho biết chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị với ngành thuỷ lợi huyện có phương án khắc phục tình trạng nguy hiểm ở cống Cao.
Theo Phòng Quản lý nước thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, việc mở rộng, làm đường giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế địa phương. Ðối với đề xuất của người dân về việc nâng cấp cầu bắc qua tuyến kênh N14 vào đường số 49 ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh, hiện nay, công ty không có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nên công ty đề nghị UBND huyện Gò Dầu xem xét đầu tư bổ sung cầu qua kênh N14 theo quy định tại Ðiều 13, khoản 2 của Quyết định số 2147/QÐ-UBND, ngày 14.10.2009 của UBND tỉnh: “Ðối với trường hợp UBND huyện, xã đầu tư đường giao thông nông thôn xuyên qua các tuyến kênh trong hệ thống thuỷ lợi: UBND huyện, xã cần đầu tư đồng bộ công trình qua kênh (cống qua đường, cống tiêu luồn…). Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật…”.
Minh Dương