Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều điểm thi công chưa hoàn thành, người dân phải dùng ván lót, kê tạm thời để buôn bán; đường trong chợ thì luôn ứ nước, sình lầy, có nơi bị thu hẹp chỉ còn gần 1m, xe máy cứ vô tư chạy ra vào khiến việc buôn bán thực phẩm hết sức mất vệ sinh.
Tiểu thương buôn bán tạm thời bên trong nhà lồng khu B.
Chợ huyện Gò Dầu (chợ Gò Dầu) là khu chợ truyền thống lâu đời, nằm ở vị trí thuận lợi, hai mặt tiếp giáp với hai tuyến đường quan trọng là đường Xuyên Á (quốc lộ 22A) và quốc lộ 22B, mặt còn lại tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Ðông.
Từ lâu, chợ này là trung tâm mua bán không chỉ trong huyện mà còn là điểm trung chuyển hàng hoá từ các tỉnh miền Tây đến khu vực phía Nam của tỉnh Tây Ninh, thu hút đông đảo người dân từ các huyện Bến Cầu và Trảng Bàng đến mua sắm. Chợ có từ trước năm 1975 và được xây dựng lại từ những năm 1980, chợ Gò Dầu có diện tích nhỏ hẹp, lại nằm trong khu dân cư sống tập trung đông đúc, nên không đáp ứng nhu cầu mua bán của tiểu thương và người dân.
Do đó, vào tháng 11.2017, UBND huyện Gò Dầu đã khởi công xây dựng và nâng cấp chợ Gò Dầu với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tiểu thương khi bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, Ban Quản lý chợ Gò Dầu có chủ trương di dời và bố trí mặt bằng mua bán tại chợ tạm trong sân vận động huyện.
Tuy nhiên đến nay, việc di dời và bàn giao mặt bằng thi công xây dựng vẫn ì ạch, “giậm chân tại chỗ”, còn chợ tạm trong sân vận động chỉ có lèo tèo vài ba hộ kinh doanh. Hầu hết tiểu thương bám trụ tại chợ cũ để buôn bán trong khi đơn vị thi công vẫn làm xây dựng khiến chợ Gò Dầu trở nên hỗn tạp, nhếch nhác. Nước thải, sình lầy, bụi bặm khắp nơi. Trong khi nhiều người bày bán lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông.
Tấp xe máy vào một điểm bán thịt heo trong chợ Gò Dầu, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, đường sá sình lầy cứ như lội ruộng nhưng vẫn phải vào chợ mua sắm chứ không thể khác. Còn chị Trịnh Thị Thu Hương thì rất ngán ngẩm tình trạng mất vệ sinh ở đây nhưng đành chịu.
Một tiểu thương kinh doanh hàng tạp hoá trong chợ cho biết, khi hay tin chợ Gò Dầu được đầu tư nâng cấp, xây mới, tiểu thương hết sức vui mừng, bởi trong những năm qua, chợ này đã xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, niềm vui ấy nào có lâu, việc đơn vị thi công đào chỗ này, xới chỗ kia mà chẳng nơi nào hoàn thành khiến việc kinh doanh của gia đình ông và nhiều tiểu thương khác gặp khó khăn.
Doanh số bán hàng chưa bằng 1/5 so với trước đây, vắng khách, một tiểu thương buôn bán vải trong nhà lồng khu B vừa mới xây xong buồn rầu rĩ cho biết, bà chuyển vào đây gần cả tháng nhưng buôn bán ế ẩm. “Do chợ sình lầy, dơ bẩn nên nhiều người chỉ đi đến đầu chợ mua vài món cần thiết rồi đi ngay, chứ chẳng mấy người vào trong. Có thể nói, nhiều người phải đi chợ này một cách miễn cưỡng”- Dù bán buôn ế ẩm là vậy nhưng tiểu thương vẫn phải đóng nhiều loại thuế phí chứ không được miễn giảm phần nào.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều điểm thi công chưa hoàn thành, người dân phải dùng ván lót, kê tạm thời để buôn bán; đường trong chợ thì luôn ứ nước, sình lầy, có nơi bị thu hẹp chỉ còn gần 1m, xe máy cứ vô tư chạy ra vào khiến việc buôn bán thực phẩm hết sức mất vệ sinh. Ðáng chú ý là do tình trạng chợ như đã nêu nên nhiều tiểu thương “đổ” ra khu vực vòng xoay ngã ba giữa quốc lộ 22B và đường Xuyên Á buôn bán, mất an ninh trật tự và gây nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm, khu vực này rất đông xe cộ qua lại.
Bỏ ra số tiền gần 30 triệu đồng để làm ki-ốt bán hàng ở chợ tạm trong sân vận động huyện, nhưng chưa đầy 1 tháng, bà T.T. K đã “bỏ của chạy lấy người”, bởi chẳng bán được nên đành quay về lại chợ cũ. Như vậy, sau một năm triển khai di dời, khu chợ tạm chỉ “đìu hiu” vài ba hộ còn buôn bán, trong khi hầu hết đã đóng của chuyển về chợ cũ.
Thi công trì trệ vì “không có” mặt bằng
Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng Ban quản lý chợ Gò Dầu cho biết đã nhiều lần vận động, thuyết phục tiểu thương di dời về chợ tạm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nhưng chỉ số ít người đi, phần lớn vẫn cố bám trụ lại. Do không có mặt bằng thi công nên nhà thầu chỉ có thể tranh thủ những lúc chợ vắng khách từ trưa đến tối mới thi công.
Hiện nay, khu chợ đã được thi công xong nhà lồng khu B. Ðể tiếp tục thi công khu A, Ban Quản lý cho di dời tạm tiểu thương vào trong nhà lồng buôn bán. Sau khi chợ được thi công xong, Ban Quản lý sẽ sắp xếp buôn bán theo quy hoạch, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư công trình huyện Gò Dầu- đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng, nâng cấp chợ Gò Dầu cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chợ Gò Dầu đã thi công trên 42% công trình, dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, do Ban Quản lý chợ và UBND Thị trấn không hoàn thành việc giải phóng mặt bằng khiến quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ.
Ông Trần Công Tạo, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Gò Dầu cho biết, nếu tiểu thương có nguyện vọng được giảm thuế, phí trong thời gian thi công chợ, thì có thể gửi đơn về đội thu thuế của UBND Thị trấn để được xem xét giải quyết.
Nhằm tạo điều kiện người dân được mua bán trong thời gian thi công chợ huyện, ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND Thị trấn Gò Dầu cho biết, tạm thời, chính quyền địa phương sẽ để tiểu thương buôn bán ở những tuyến đường nhỏ xung quanh chợ. Khu vực vỉa hè vòng xoay giao lộ giữa quốc lộ 22B và đường Xuyên Á, trong tuần sau, UBND Thị trấn sẽ kiên quyết xử lý tình trạng buôn bán gây mất trật tự an toàn giao thông.
Minh Dương