Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến nay 8/8 xã của huyện đã thành lập và kiện toàn Ban quản lý, với 169 thành viên; 45/45 ấp đã thành lập Ban phát triển ấp, với 455 thành viên.

Theo đánh giá chung của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Gò Dầu, đến nay huyện đã hoàn chỉnh bước 1 (thành lập hệ thống quản lý đúng quy định), và đang triển khai thực hiện các bước 2 (tổ chức thông tin tuyên truyền), bước 3 (khảo sát đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí xây dựng NTM), bước 4 (xây dựng quy hoạch NTM ở các xã), và bước 5 (lập đề án xây dựng NTM ở các xã). Huyện cũng đã tổ chức triển khai các nội dung theo kế hoạch phân bổ vốn về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Huyện đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) huyện; Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển các ấp đúng theo quy định về số lượng và thành phần. Đến nay 8/8 xã của huyện đã thành lập và kiện toàn Ban quản lý, với 169 thành viên; 45/45 ấp đã thành lập Ban phát triển ấp, với 455 thành viên. Qua rà soát đánh giá thực trạng NTM, đến nay huyện Gò Dầu chỉ có 3/8 xã (Bàu Đồn, Thanh Phước, Cẩm Giang) đạt được 5/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí của Trung ương. Các xã còn lại đạt dưới 5 tiêu chí. 8/8 xã đã triển khai lập đồ án quy hoạch NTM. Tuy nhiên công tác lập quy hoạch NTM bước đầu còn nhiều lúng túng, chưa có sự thống nhất nội dung giữa nhà tư vấn và lãnh đạo ở các xã. Do đó tiến độ ký hợp đồng chậm, chưa có xã nào hoàn thành đạt tiêu chí này.
![]() |
Vùng nhân lúa giống tập trung tại xã Bàu Đồn |
Đáng lưu ý ở huyện Gò Dầu là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Huyện đã tiến hành triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3 xã điểm xây dựng NTM. Cụ thể là ở xã Phước Đông có 6 điểm chăn nuôi gà thả vườn, mỗi điểm 200 con. Xã Phước Trạch 7 điểm xử lý mùi hôi chăn nuôi để phát triển nuôi heo bảo đảm vệ sinh môi trường. Hỗ trợ xã Bàu Đồn xây dựng vùng nhân lúa giống tập trung 10 ha, chủ động cung ứng nguồn lúa giống cho nhu cầu sản xuất tại xã. Tổng số vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3 xã điểm này là 105 triệu đồng (vốn từ ngân sách NTM của tỉnh). Hiện nay, Phòng NN & PTNT huyện đang phối hợp các xã lập đề án “Phát triển sản xuất tăng thu nhập cho cư dân nông thôn gắn với đào tạo nghề cho nông dân và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp ở vùng nông thôn”. Đề án này đang được xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Ngành chức năng cũng hỗ trợ xây dựng vùng nhân lúa giống tập trung tại xã Bàu Đồn, hình thành tại xã này một hợp tác xã giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp. Huyện cũng đã triển khai 8 lớp dạy nghề cho 201 học viên, tập trung cho các đối tượng lao động nông thôn, nông dân bị thu hồi đất trong vùng quy hoạch khu công nghiệp.
Để phát triển các hình thức sản xuất và liên kết sản xuất có hiệu quả, bền vững, huyện Gò Dầu kiến nghị, đề xuất: Cần áp dụng tổng hợp các nội dung cụ thể như đào tạo nghề cho nông dân gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất cho các nhóm đối tượng đã qua đào tạo. Sau đó hình thành tổ liên kết sản xuất từ các nhóm đối tượng này, hướng dần các nhóm nông dân theo hướng sản xuất liên kết hàng hoá lớn, tiến lên hợp tác xã khi đạt đến độ chín muồi. Thực hiện theo phương thức này sẽ góp phần đạt cùng một lúc các tiêu chí NTM. Đó là tiêu chí 10 (thu nhập bình quân đầu người /năm so với mức bình quân chung của tỉnh), tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất) và chỉ tiêu 3 (tỷ lệ lao động qua đào tạo) của tiêu chí 14 (giáo dục). Quá trình thực hiện phải tiến hành từ ấp, xã đưa lên bằng các dự án nhỏ. Từ đó ngành chuyên môn mới có cơ sở tổng hợp thành đề án chung cho ngành mình. Sau đó từ nguồn vốn đề án có được, ngành sẽ phân bổ xuống các xã tổ chức triển khai thực hiện.
D.H