Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Gò Dầu: Ly hôn ngày càng tăng
Thứ tư: 04:52 ngày 18/01/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các vụ ly hôn xảy ra ở đủ thành phần, độ tuổi, thậm chí có trường hợp đã ngoài tám mươi cũng đưa nhau ra toà để chấm dứt cuộc sống hôn nhân.

Những năm gần đây, tình trạng ly hôn ở Gò Dầu ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Các vụ ly hôn xảy ra ở đủ thành phần, độ tuổi, thậm chí có trường hợp đã ngoài tám mươi cũng đưa nhau ra toà để chấm dứt cuộc sống hôn nhân. Nhưng phần lớn là các cặp vợ chồng trẻ từ 18-30 tuổi và đa số nguyên đơn là phụ nữ.

Cán bộ TANDToà án nhân dân huyện Gò Dầu đang trao đổi về việc xin ly hôn của một cặp vợ chồng còn khá trẻ (ảnh minh hoạ)

Đầu năm 2011, M. và C. kết hôn với nhau. M. mới 18 tuổi, làm công nhân khi chưa xong bậc trung học phổ thông. Còn C. 25 tuổi, không nghề nghiệp ổn định, hằng ngày đi làm thuê kiếm sống. Làm vợ, làm dâu chưa được 7 tháng, M. rời bỏ gia đình chồng về sống với cha mẹ ruột. Sau đó cô nộp đơn xin ly hôn. Lý do, do M. là công nhân đi làm suốt ngày, có khi tăng ca, nên đi về thất thường làm cho C. nghi ngờ vợ có quan hệ với người khác. C. còn nghe lời cha mẹ nhiều lần đánh đập vợ, Toà án nhân dân (TAND) huyện Gò Dầu công nhận hai bên thuận tình ly hôn. Vậy là đôi vợ chồng trẻ cưới nhau chưa đầy một năm đã chia tay, ai về nhà nấy. Cũng may là họ chưa có con với nhau.

Năm 2001, anh Ch. (sinh năm 1977) và chị L. (sinh năm 1985) tự nguyện sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn. Họ ở chung với cha mẹ của anh Ch. Sau khi có con, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, mâu thuẫn vợ chồng phát sinh chị L. rời bỏ nhà chồng, bồng con về sống với cha mẹ ruột. Sau 8 năm sống ly thân, năm 2011, anh Ch. làm đơn gửi đến toà xin ly hôn. Tuy nhiên căn cứ Luật Hôn nhân Gia đình, toà tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh Ch. và chị L. Theo sự thoả thuận giữa hai người thì chị L. nuôi con, anh Ch. không phải cấp dưỡng. Vậy là dù có cha, nhưng từ lúc mới một tuổi đến nay, con của anh Ch. và chị L. thiếu hẳn sự chăm sóc của cha.

Không chỉ có những cặp vợ chồng trẻ ly hôn mà tuổi trung niên, thậm chí lão niên cũng đưa nhau ra toà.

Vào cuối năm 2010, TAND huyện Gò Dầu ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn giữa người chồng là một cụ ông đã ngoài 80 tuổi và người vợ là một cụ bà trẻ hơn 15 tuổi. Họ đã có với nhau 7 người con chung. Do các con của họ đã trưởng thành nên không yêu cầu giải quyết về việc nuôi con. Tài sản chung cũng do tự hai bên giải quyết. Theo vị thẩm phán tham gia giải quyết vụ ly hôn khá đặc biệt này cho biết: do mâu thuẫn gia đình, cụ ông thấy mình bị vợ con cô lập, mất quyền trong gia đình nên mới quyết ly hôn. Sau đó, cụ ông rời khỏi gia đình, giao nhà lại cho vợ và các con rồi đi… ở đậu nhà người khác.

(ảnh minh hoạ)

Cũng có những trường hợp xin ly hôn nhưng được Toà hoà giải thành, và cũng có những trường hợp Toà không chấp thuận cho ly hôn. Như trường hợp chị T. (sinh năm 1991) và anh N. (sinh năm 1986). Qua tìm hiểu hai người đã cưới nhau từ tháng 2.2011, có đăng ký kết hôn. Cưới nhau chẳng được bao lâu, giữa đôi vợ chồng trẻ phát sinh mâu thuẫn. Họ thường hay cãi vã nhau, chưa đầy nửa năm sau ngày cưới, cả hai bắt đầu sống ly thân. Sau đó chị T. làm đơn gửi ra Toà. Nguyên nhân, theo chị T. là do vợ chồng không tin tưởng nhau trong cuộc sống, tình cảm vợ chồng không còn. Ngược lại,  theo anh N. là tại chị T. thường ham mê… đám tiệc. Có lần anh N. không cho đi, chỉ vậy mà chị T. bỏ về nhà mẹ ruột. Anh N. nói mình vẫn còn thương vợ và xin được đoàn tụ. Xét thấy tình trạng mâu thuẫn chưa đến mức nghiêm trọng, Toà đã không chấp thuận đơn yêu cầu của chị T.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhàn, Chánh án TAND huyện Gò Dầu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các cặp vợ chồng xin ly hôn. Trước hết là do trước khi cưới nhau, các cặp vợ chồng trẻ chưa tìm hiểu đến nơi đến chốn, khi về sống chung với nhau mới biết tính tình không hợp nhau và phát sinh mâu thuẫn. Kinh tế phát triển, nhiều công ty xí nghiệp được thành lập, chồng (hoặc vợ) làm công nhân đi sớm về khuya dẫn đến nghi kỵ mất niềm tin với nhau cũng dẫn đến ly hôn. Cũng không ít trường hợp do người chồng bê tha, rượu chè, bài bạc, thiếu trách nhiệm với gia đình khiến người vợ ngán ngẩm. Cũng có trường hợp hai bên kết hôn với nhau chỉ là để giải quyết kinh tế nên khi sống chung không có hạnh phúc thế là dẫn đến ly hôn. Còn có một nguyên nhân khác: sự chịu đựng nhẫn nhịn của giới trẻ ngày nay rất giới hạn. Họ thường quá coi trọng “cái tôi” của mình. Vì thế có những trường hợp chỉ là mâu thuẫn đơn giản, nhỏ nhặt, có thể dàn hoà được nhưng các cặp vợ chồng trẻ cũng nằng nặc làm đơn xin ly hôn…

Hậu quả của tình trạng ly hôn thường là giáng xuống những đứa con, phần lớn còn ở tuổi vị thành niên của các cặp vợ chồng tan rã. Ở với mẹ thì thiếu sự chăm sóc của cha, mà ở với cha thì thiếu bàn tay của mẹ. Chưa kể, cảnh gia đình đổ vỡ luôn có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của những đứa trẻ. Để hạn chế tình trạng ly hôn, nhất là các vụ ly hôn chưa đến mức cần thiết, theo ông Chánh án TAND huyện Gò Dầu, trước hết là cần phải tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống trong nhân dân, nhất là giới trẻ. Các ngành chức năng, phối hợp cùng các đoàn thể địa phương xã, ấp như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… cùng với các tổ dân cư tự quản đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn, giúp đỡ cho nam nữ thanh niên trước khi quyết định tiến tới hôn nhân phải tìm hiểu nhau thật kỹ cả về tính tình, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhau. Về phía gia đình, cha mẹ cũng cần tôn trọng hôn nhân tự nguyện của con cái, chỉ nên tư vấn, giúp đỡ những điều cần thiết, tránh can thiệp quá sâu hoặc dựng vợ gả chồng cho con vì mục đích vật chất.

N.H

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục