Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gò Dầu: Một vùng cây ăn trái 

Cập nhật ngày: 10/01/2019 - 13:17

BTN - Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Gò Dầu đang từng bước đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh diện tích trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường.

Người dân sử dụng bọc ni-lông trái mãng cầu, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.

Tây Ninh đang định hướng phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu, đồng thời triển khai chuỗi sản xuất gắn liền với tiêu thụ, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cho nhà máy chế biến nông sản Tanifood tại xã Thạnh Ðức (huyện Gò Dầu).

Ðể thực hiện định hướng trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Gò Dầu đang từng bước đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh diện tích trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường. Trong đó, các loại cây ăn trái giá trị cao như sầu riêng, nhãn, thanh long, dứa… là những cây trồng chủ lực được địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi.

Làm giàu t cây ăn trái

Những năm gần đây, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam có phần giảm mạnh do gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Thái Lan, Ấn Ðộ… Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến có phần phức tạp khiến lợi nhuận từ cây lúa của nông dân không còn đáng kể.

Nhằm tìm hướng đi mới, nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất của mình, nhiều nông dân tại Gò Dầu đã mạnh dạn học hỏi, đưa về trồng các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao.

Sầu riêng xã Bàu Đồn ngày càng được nhiều người biết đến.

Vụ sầu riêng năm 2018 vừa qua, với gần 1,5 ha, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, ông Bùi Văn Lộc (nông dân ngụ ấp 7, xã Bàu Ðồn, huyện Gò Dầu) nhẩm tính lợi nhuận thu được cho gia đình ông là hơn 1,2 tỷ đồng- một con số mà rất nhiều nông dân mơ ước.

Theo ông Lộc, so với các loại cây trồng khác, cây sầu riêng gần như đang đứng đầu về giá trị kinh tế mang lại trên cùng một diện tích đất. Bình quân, mỗi ha sầu riêng cho lợi nhuận từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Đu đủ trồng xen với sầu riêng và bưởi trong vườn ông Nguyễn Văn Tài.

Năm 2015, nhận thấy việc sản xuất lúa cho lợi nhuận thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình, ông Nguyễn Văn Tài đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 0,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại ấp Xóm Bố (xã Hiệp Thạnh) sang trồng 50 gốc sầu riêng xen bưởi da xanh và đu đủ với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Sau hơn 3 năm, vườn cây bắt đầu cho trái và mang lại khoản lợi nhuận khá.

Theo ông Tài, chỉ tính riêng đu đủ, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 120 triệu đồng, cao gấp 5 lần lợi nhuận từ trồng lúa trước kia. Ông Tài tin tưởng trong vài năm nữa, khi vườn bưởi và sầu riêng cho thu hoạch, chắc chắn thu nhập sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Nhận thấy việc trồng lúa “khó ăn” nên từ hơn 4 năm trước, ông Nguyễn Văn Ðức (ngụ tổ 10, ấp 7, xã Bàu Ðồn) mạnh dạn chuyển đổi 0,4 ha đất lúa sang trồng hơn 300 gốc bưởi da xanh. Theo ông ước tính, đợt tết năm nay, vườn bưởi sẽ mang về cho gia đình ông lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Tim năng phát trivùng chuyên canh cây ăn trái

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đã và đang mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Ðồn cho biết, thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, từ nhiều năm qua, nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được nông dân địa phương tích cực chuyển đổi sang các loại cây ăn trái, bước đầu mang về thu nhập khá tốt cho nông dân.

Nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nhà nông và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, địa phương đang vận động nông dân tham gia hợp tác xã sản xuất cây ăn trái xã Bàu Ðồn. Còn theo ông Phạm Thành Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, do giá cả các loại trái cây thời gian qua ở mức cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng nên nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện khoảng 1.850 ha. Trong đó, nhiều nhất là cây nhãn (hơn 1.029 ha); kế đến là sầu riêng (hơn 571 ha); còn lại là một số cây trồng khác như thanh long ruột đỏ (36 ha), xoài (37 ha), chôm chôm, mít, vú sữa, quýt, chanh...

Theo bà Nhung, nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Ðức đi vào hoạt động là một tín hiệu tốt cho việc hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản của người nông dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng có xu hướng tự phát, không theo định hướng quy hoạch của địa phương, không chú trọng kỹ thuật của người nông dân đang là vấn đề đáng lo ngại đối với ngành nông nghiệp huyện.

Với lợi thế về vị trí địa lý là trung tâm kinh tế - xã hội khu vực phía Nam của tỉnh, có nhiều tuyến đường giao thông thuỷ, bộ quan trọng đi qua, trung tâm huyện Gò Dầu là nơi hội tụ giao thương giữa các trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh - TP. Tây Ninh và Campuchia, qua đường sông Vàm Cỏ Ðông trung chuyển hàng hoá từ Tây Ninh đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại.

Ðồng thời, với điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp cho nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, cùng với định hướng cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh, Gò Dầu có nhiều điều kiện thuận lợi để sớm trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái lớn của Tây Ninh.

Minh Dương