Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gò Dầu: Nguy cơ mất mùa nhãn vì bệnh chổi rồng
Thứ sáu: 14:44 ngày 16/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vài năm trở lại đây, nhiều diện tích trồng nhãn ở huyện Gò Dầu liên tục bị nhiễm bệnh chổi rồng và thối gốc, khiến năng suất thu hoạch giảm đáng kể.

Từ lâu, cây nhãn được xem là cây trồng quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đóa giảm nghèo của nông dân xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều diện tích trồng nhãn của địa phương liên tục bị nhiễm bệnh chổi rồng và thối gốc, khiến nhà nông hết sức hoang mang, lo lắng.

Những đọt, bông nhãn hóa chổi rồng.

Có gần 4 ha trồng nhãn da bò tại ấp Xóm Bố, xã Hiệp Thạnh, anh Võ Châu Thanh cho biết, bệnh chổi rồng xuất hiện trên vườn nhãn nhà anh cách nay gần 2 năm, ban đầu chỉ vài cây bị nhiễm với biểu hiện hoa và đọt non bị xoăn, về sau khô lại tạo thành bó như chổi.

Theo anh Thanh, cây bị bệnh chổi rồng thường không đậu trái hoặc nếu có thì trái kém phát triển, về sau khô dần và rụng đi nên năng suất vườn nhãn của anh suy giảm gần 2/3 so với bình thường.

Ông Phạm Văn Danh- Trưởng ấp Xóm Bố cho biết, hiện trên địa bàn ấp có khoảng 100 ha trồng nhãn da bò, trong đó có hơn một nữa bị nhiễm bệnh chổi rồng. Với cây nhiễm bệnh chổi rồng, năng suất và chất lượng đều giảm mạnh. “Thời gian qua, diện tích nhãn tại địa phương cho năng suất trái bình quân từ 10-20 tấn/ha. Với mức giá như hiện nay, nhiều nông dân trồng nhãn có thể đạt mức thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh chổi rồng bùng phát thời gian qua khiến năng suất nhãn giảm, nhiều nông dân hết sức lo lắng”.

Anh Võ Châu Thanh lo lắng với vườn nhãn bị bệnh chổi rồng.

Ông Danh cho biết thêm, giải pháp tạm thời được nhiều nông dân địa phương áp dụng là cắt bỏ nhánh bị nhiễm bệnh để làm trái. Mặc dù vậy, hiện diện tích bị nhiễm bệnh khá lớn, nhiều người đành chờ hết vụ rồi mới cắt tỉa cành để chờ vụ sau.

Ngoài bệnh chổi rồng đang hoành hành trên cây nhãn, ông Danh thông tin thêm, hiện nay trên địa bàn ấp còn xuất hiện thêm tình trạng cây nhãn bị móp gốc, thối rễ dẫn đến chết khô nhưng không biết bị bệnh gì.

Có gần 150 gốc nhãn hơn 5 năm tuổi, đang thời kỳ làm trái nhưng ông Huỳnh Thiên Phú (ngụ ấp Xóm Bố) không khỏi hoang mang, lo lắng bởi nhiều cây bị héo lá chết khô. Theo ông Phú, hiện vườn của ông có khoảng hơn 30 cây đang chết dần dần với biểu hiện ban đầu là gốc cây bị móp hai bên, sau đó thối rễ, héo lá, rồi chết.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh chổi rồng trên cây nhãn xuất hiện tại nhiều vùng trong tỉnh Tây Ninh từ nhiều năm qua, nguyên nhân được xác định là do nhện lông nhung (tên khoa học là Eriphyes dimocarpi) gây hại các bộ phận non của cây nhãn tạo ra triệu chứng chổi rồng.

Cây nhãn bị móp gốc, thối rễ dẫn đến chết khô trong vườn của ông Huỳnh Thiên Phú.

Đây là loại côn trùng rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy, có khả năng di chuyển phán tán theo gió và vận chuyển giống. Vì vậy, muốn phòng bệnh chổi rồng trên cây nhãn, trước hết nhà vườn phải tiêu diệt tác nhân truyền bệnh là nhện lông nhung, công tác phòng trừ cần tiến hành đồng loạt và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, từ cắt cành tỉa tán, vệ sinh, tiêu hủy cành cây nhiễm bệnh, xử lý thuốc, bón phân tăng cường dinh dưỡng cho cây là các biện pháp thiết yếu để ngăn chặn dịch.

Còn đối với bệnh móp gốc, chết khô trên cây nhãn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết sẽ xuống địa phương nắm tình hình thực tế, tìm nguyên nhân và giải pháp giúp nông dân sớm khắc phục.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục