Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện Gò Dầu đều có câu lạc bộ (CLB) ca nhạc, CLB tài tử cải lương. Trên địa bàn huyện hình thành nhiều tụ điểm hát với nhau.
Cấp uỷ và chính quyền các cấp luôn tạo mọi điều kiện cho việc phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích mọi người tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống. Hằng năm, huyện đều tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hoá, văn nghệ.
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động về văn học nghệ thuật, ngành chức năng huyện còn chú trọng đến việc đào tạo bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hoá, văn nghệ.
Ðáng lưu ý là hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật huyện. Hội có 5 phân hội: Văn học; Sân khấu, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Lý luận phê bình văn học với 56 hội viên. Hội luôn có ý thức củng cố tổ chức, thường xuyên đổi mới cách thức sinh hoạt, tổ chức các buổi toạ đàm, bình chọn những tác phẩm hay của hội viên, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Hội cũng tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, sinh hoạt dã ngoại, thực hiện chương trình biểu diễn các tác phẩm do hội viên sáng tác, qua đó, động viên, tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho hội viên. Từ năm 2008 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật huyện Gò Dầu đã in được 15 tập văn, thơ.
Trong đó, riêng nhà thơ nữ Trần Nhã My đã có 3 tuyển tập gồm: “Dỗi”, “Mảnh vỡ không lời” và “Huyễn hoặc ngày em”; một nhà thơ nữ khác- chị Nguyệt Quế cũng đã có cho mình 2 tuyển tập: “Tóc rau hẹ” và “Trăng ngân”.
Ngoài các tác phẩm in riêng, còn có một tuyển tập in chung “Thơ văn Gò Dầu”. Các tác phẩm trên đều được Hội Văn học Nghệ thuật huyện tổ chức giới thiệu trước công chúng. Hội cũng thường xuyên tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu nhân dịp chào mừng Ngày thơ Việt Nam hằng năm.
Bên cạnh đó, Hội còn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động khác như mừng thọ hội viên, chương trình đêm thơ nhân chào mừng các ngày lễ lớn trong năm.
N.H