Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với 14 Chương, 198 điều, Dự thảo Luật Thi hành án dân sự do Bộ Công an chủ trì xây dựng nhằm khắc phục những điểm bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thi hành án hình sự hiện nay.

|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (ngày 10.3.2009). |
Với 14 Chương, 198 điều, Dự thảo Luật Thi hành án dân sự do Bộ Công an chủ trì xây dựng nhằm khắc phục những điểm bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thi hành án hình sự hiện nay.
Trước đó, Dự thảo đã được các Bộ, ngành, thành viên Ban soạn thảo và UBND các tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến. Dự thảo Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Ban soạn thảo, Bộ Công an đánh giá tác động.
Theo Bộ Công an, tổng kết thực tiễn cho thấy, công tác thi hành án hình sự (THAHS) đã bộc lộc một số hạn chế, tồn tại như có tình trạng coi nhẹ việc thi hành các hình phạt khác ngoài hình phạt tù và tử hình. Do được ban hành từ lâu, trong một thời gian dài nên các văn bản quy định về THAHS có tình trạng tản mạn. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ THAHS còn thiếu chặt chẽ, cán bộ cơ quan quản lý THAHS và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ THAHS còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng. Kinh phí đầu tư cho công tác THAHS chưa tương xứng, cơ sở vật chất chưa được đảm bảo.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong công tác THAHS, Dự thảo Luật quy định thống nhất, đầy đủ, cụ thể nguyên tắc, trình tự, thủ tục THAHS, quyết định của Tòa án về các hình phạt; hệ thống tổ chức THAHS và người có thẩm quyền trong THAHS; quyền và nghĩa vụ của người phải chấp hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến THAHS...
Cụ thể, theo quy định tại điều 8, điều 10 của Dự thảo Luật, trong lĩnh vực thi hành án hình sự có 3 loại cơ quan, tổ chức: cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, cơ quan quản lý công tác thi hành án hình sự và cơ quan, tổ chức trực tiếp thi hành các án hình sự (bao gồm cơ quan chuyên trách và cơ quan, tổ chức khác không chuyên trách).
Tại các điều 87, 99, 111 và 120, Dự thảo Luật quy định về thủ tục thi hành các loại hình phạt ngoài hình phạt tù và tử hình, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục trong việc công bố công khai, hướng dẫn người phải chấp hành án và những người khác có liên quan về thủ tục thi hành án, quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án, trách nhiệm và quyền của cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục và người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục, trách nhiệm của gia đình phải thi hành án, kết quả chấp hành án của người đó.
Về nội dung, biện pháp, quan hệ phối hợp trong việc thi hành một số hình phạt ngoài hình phạt tù và tử hình, dự thảo Luật có các quy định theo hướng Chính phủ quy định về chương trình, biện pháp quan hệ phối hợp trong giáo dục, cải tạo, thử thách đối với người phải chấp hành án (các điều 85, 97 và 150).
Theo Bộ Công an, việc ban hành Luật THAHS là cần thiết và là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác THAHS.
Mời độc giả xem toàn văn Dự thảo Luật và đóng góp ý kiến.
(Theo chinhphu.vn)