BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góc Hà Nội của người Hà Nội

Cập nhật ngày: 06/03/2011 - 11:09

Từ cuối năm 2010, sau khi cậu con trai kiến trúc sư đầu tư về quê cho bố một không gian hàng kệ tủ đa năng Flexi của châu Âu hiện đại, hoạ sĩ Nguyễn Văn Bình đã có một không gian mới trên đường Nguyễn Thái Học.

Choáng lắm nhé! Toàn tường kính dày trong suốt. Trong ngoài ngăn cách mà không gian như đan cài, muốn lẫn vào nhau. Này nhé, ngay từ cổng vào đã thấy một nàng vũ nữ Chăm đất nung Bàu Trúc cong tay múa điệu ngàn năm sau bụi cỏ xanh. Bên cạnh là nước chảy liên hồi trên mặt đá đen, tuôn xuống hồ con dập dềnh rau má. Chiếc hồ cá lớn hơn lại nằm ở bên kia, sát chân vách kính. Cũng cỏ và dương xỉ nhưng mặt nước rập rờn một bụi lá tím, như có đàn bướm tụ về chơi đùa với bầy cá vàng đang lội nhởn nhơ. Cấu trúc này làm cho cái không gian kính, nước, đá đen giao hoà soi bóng vào nhau, nên cảm giác một không gian rộng.

Nhưng như thế vẫn chưa ra Hà Nội! Góc tâm hồn đăm đắm nhớ về Hà Nội của hoạ sĩ là ở bên trong những vách kính kia, trên những kệ tủ đa năng Flexi lộng lẫy. Giản dị thẳng ngay mà biến hoá vô cùng. Một vài lọ gốm đặt bày như ngẫu hứng. Một chiếc gạt tàn và một bình vôi có quai đích thị Bát Tràng. Một đầu tượng Phật gốm đen… Ở một Flexi khác, mới là một góc tập trung cao về Hà Nội. Đấy là nơi đặt 4- 5 đầu sách viết về Hà Nội của những nhà nghiên cứu nổi danh như Nguyễn Vĩnh Phúc, Trần Quốc Vượng… mới xuất bản dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long. Vật thể cũng có thêm một vài bình lọ gốc gác Thủ đô, nhưng nổi bật nhất là tượng con rối hình một nàng tiên áo dài mớ bảy mớ ba xưa Hà Nội. Góc bàn bên còn có hình bóng Trịnh Công Sơn trên bìa sách mới in, cùng một tượng nàng tiên nữ Apsara. Nhưng, vật thể mà ai cũng ngắm kỹ và trầm trồ vui thích chính lại là biểu tượng của hai nền văn hoá. Một là chiếc lọ gốm đất nung xù xì, thô mộc có đắp thêm những lá, hoa sen hàng gốm Bát Tràng. Hai là một tượng đất nung, hoạ sĩ mới “thửa” được ở ngay làng Bàu Trúc- làng gốm Chăm nổi tiếng của Phan Rang, Tháp Chàm vào năm trước. Tượng nắn hình một người thiếu nữ Chăm ngực trần đang thanh thản cong tay làm gối ngủ ngon lành. Xem mà lại nhớ đến bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” của Hồ Xuân Hương: “Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng…” vô tình mà đặt “nàng” đứng lên cạnh bình gốm sen, bỗng thấy nhiều nét tương đồng gần gũi.

Như đồng điệu một tâm hồn Hà Nội. Ừ! Gốc Hà Nội mà, của một người con từ đấy đã đi xa.

NGUYỄN QUỐC VIỆT