Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ở các huyện, thị, đội những chiếc nón mà lính Mỹ, nguỵ thường dùng từ trước năm 1975 thay nón bảo hiểm bắt đầu thành “mốt”.
Anh Phước phục chế, sửa chữa nón lính cho khách. |
Một lần, trong quán cà phê tôi thấy hai người đàn ông khoe với nhau về chiếc nón mới được tân trang lại từ những chiếc nón mà lính Mỹ, nguỵ thường dùng từ trước năm 1975. Tò mò, bước qua xem, tôi thấy hai chiếc nón được phục chế lại gần giống như nguyên mẫu. Bên ngoài trùm lên một lớp lưới màu xanh, phía trước gắn hình một con chim đại bàng xoè cánh, vành nón viền inox sáng loáng. Bên trong, dùng dây bẹ, (khoảng 2 cm) làm rọ.
Anh Vân (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) bắt đầu sưu tầm những chiếc nón này mới hơn một tháng nay và hiện đã được 3 cái. Anh Vân kể: “Cái nón này tôi thấy một người thợ sửa xe Honda hay dùng hứng nhớt, tôi phải năn nỉ mãi mới mua lại được”. Mua xong, anh ngâm xà bông và dùng bàn chải đánh xả mấy lần mới sạch nhớt. Sau đó, anh đem xuống Thị xã, nhờ một người thợ phục chế lại. Anh Vân giải thích: “Hệ thống dây rọ này có thể tăng – đưa rộng hẹp tuỳ theo kích thước của từng người và giúp chiếc nón không sát với da đầu”.
Theo lời anh Vân kể, trước kia, ở khu vực gần cổng sau của doanh trại Sư đoàn Bộ binh 5 hiện giờ có một bãi rác khá lớn. Sau ngày miền Nam giải phóng, nhiều người đem nón của lính Mỹ, nguỵ đến vứt bỏ tại đây. Một số dân địa phương nhặt về làm gàu múc nước, nạo vét giếng hoặc làm chậu trồng hoa kiểng. Hiện nay ở Châu Thành còn khá nhiều người còn giữ loại này.
Anh Phúc ở thị trấn Châu Thành có một chiếc nón màu vàng khá lạ mắt. Anh cho biết: “Chiếc nón này anh mua của một người đang dùng làm gàu múc nước nên nó đã bị bong tróc lớp bên ngoài. Thấy nó sần sùi, anh lột bỏ lớp ngoài, không ngờ lớp bên trong có màu vàng rơm, không đụng hàng với những chiếc nón khác”.
Anh Cường ở xã Thái Bình, hiện sở hữu một chiếc nón khá “zin”. Hệ thống dây phía trong còn y nguyên, dây viền còn bọc da màu vàng và in một số ký hiệu trong quân đội. Tôi thử ra giá mua chiếc nón này với giá 2 triệu đồng nhưng anh vẫn không bán.
Không chỉ riêng ở huyện Châu Thành, ở các huyện, thị khác, đội nón lính thay nón bảo hiểm cũng bắt đầu thành “mốt”. Anh Tài ở thị trấn Hoà Thành (huyện Hoà Thành) là người sinh sống bằng nghề mua bán vật dụng cũ. Những năm trước, hầu như lúc nào trong nhà anh lúc nào cũng có cả chục cái nón lính. Tuần rồi, đến nhà anh, tôi hỏi mua một cái thì không còn cái nón nào cả. Vợ anh Tài cho biết: “Đã bán hết rồi, mới chiều hôm qua có người đến hỏi mua nhưng không còn cái nào hết”. Một người chuyên sưu tầm đồ cổ ở xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành), trước đây cũng mua được vài chiếc nón lính, nhưng thời gian gần đây nhiều bạn bè đến nài nỉ, anh đã chia lại gần hết. Hiện tại, anh chỉ còn giữ lại duy nhất một cái.
Theo lời chỉ dẫn của những tay “chơi nón” tôi tìm đến khu phố 3, phường 1, Thị xã gặp anh Phước, người chuyên làm nghề phục chế, sửa chữa nón lính, nón bảo hiểm. Nhà anh ở sâu trong một con hẻm nhỏ, hầu như lúc nào cũng có vài ba chiếc nón của khách mang đến nhờ anh chữa. Anh Phước cho biết: “Tôi mới làm nghề này hơn một năm nay, nhưng đã sửa chữa, phục chế khoảng 200 chiếc nón cho khách”.
Có nhiều chiếc nón của khách hàng cũ kỹ, hư, bể khá nặng, nhưng qua bàn tay của anh chẳng bao lâu chúng trở thành lành lặn. Tuỳ theo mức độ nón bị hư ít hay nhiều và yêu cầu của khách hàng mà anh lấy tiền công từ 70.000 – 120.000 đồng/chiếc.
Người lớn tuổi cũng ưu thích loại nón này. |
Đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, thời gian gần đây, các nhà sản xuất đã tung ra thị trường nhiều kiểu nón bảo hiểm với mẫu mã kiểu dáng tương tự như nón lính Mỹ, nguỵ, thậm chí có kiểu nhái theo nón lính của phát xít Đức xưa kia. Giá mỗi chiếc từ 120.000 – 250.000 đồng. Trên thực tế có khá nhiều người mua các loại nón này về sử dụng.
Thú chơi “thời thượng” kiểu như vậy, liệu có nên để mọi người- đặc biệt là giới trẻ chạy theo không nhỉ?
ThẢo Nguyên