Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gọi tỏ tình nhân viên trực 115: Sắp có quy định để xử
Thứ ba: 17:12 ngày 05/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều người thiếu ý thức liên tục gọi đến tổng đài 113, 114, 115… để quấy rối, đùa giỡn.

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, lần đầu tiên Bộ Công an đưa ra quy định xử phạt đối với hành vi gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113 (công an), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu) hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm.

Đây được xem là giải pháp khắc phục tình trạng quấy rối các đường dây nóng.

Gọi 115 để tỏ tình

Chị Nguyễn Thị Hạnh là trưởng êkíp điều phối cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu (TTCC) 115 TP.HCM. 16 năm túc trực đường dây nóng 115, nơi tiếp nhận những cuộc gọi cấp cứu, chị Hạnh đã quá quen thuộc với những cuộc gọi quấy phá, đùa giỡn.

Theo chị Hạnh, có rất nhiều kiểu quấy rối tổng đài 115. Có người gọi đến tổng đài để buông những lời bậy bạ, để trút giận, có người lại tỏ tình với điện thoại viên, số khác gọi đến nhưng im lặng.

Chị Hạnh kể có nhiều trường hợp nhận cuộc gọi, người gọi im lặng, điều phối viên liên tục hỏi thăm thì nghe tiếng cười lớn rồi cúp máy nhưng sau đó họ lại tiếp tục gọi đến, có khi vài chục lần trong một ca trực.

Trường hợp khác, người gọi báo tin cấp cứu giả, đến khi TTCC xuất xe đi tới nơi thì được trả lời: “Không có ai gọi cấp cứu cả”.

“Những cuộc gọi quấy rối thường tập trung vào giờ nghỉ trưa, nửa đêm, những ngày nghỉ trong tuần hoặc nghỉ lễ. Người gọi quấy rối thì nam có, nữ cũng có và có cả trẻ nhỏ” - chị Hạnh nói.

Chị Hạnh nói thêm tính chất công việc không cho phép chị và đồng nghiệp từ chối bất cứ cuộc gọi nào. Trước những cuộc gọi quấy phá, chị chỉ có cách nhắc nhở “đây là TTCC, xin đừng gọi phá” nhưng đáp lại vẫn là những tiếng cười cợt.

BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc TTCC 115 TP.HCM, cho biết theo thống kê, một ngày TTCC 115 nhận khoảng 400 cuộc gọi. Trong đó có gần phân nửa số cuộc gọi đến thì người gọi im lặng, hoặc trêu đùa, quấy rối nhân viên điều phối. Riêng những cuộc gọi liên tiếp quấy rối trong thời gian dài sẽ bị tổng đài chặn lại.

Chị Nguyễn Thị Hạnh túc trực bên những cuộc gọi cấp cứu. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

“Không chỉ mất thời gian, tạo áp lực cho đội ngũ nhân viên tiếp nhận cuộc gọi mà mỗi cuộc gọi trêu đùa là mỗi phút giây như ngồi trên lửa của những người đang có nhu cầu thực sự” - BS Long trăn trở.

BS Long bày tỏ việc đưa ra chế tài xử phạt nặng những người quấy rối, đe dọa, xúc phạm các đầu số khẩn cấp là cần thiết. Đồng thời nên có các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Ông khuyến cáo người dân không nên có hành vi gọi điện thoại quấy phá để tránh khi có tình huống xảy ra thì không liên hệ được cấp cứu, vì số điện thoại đã bị chặn.

Sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp

ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Khoa luật Hành chính nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định trước đây do chưa được định danh cụ thể nên khi xảy ra vi phạm trên, cơ quan có thẩm quyền phải lựa chọn giải pháp tình thế là “vay mượn” quy định báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt người vi phạm. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với thực tế khi mục đích của hành vi vi phạm là gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm chứ không phải để báo tin giả.

Do vậy, dự thảo bổ sung, sửa đổi Nghị định 167 đã bổ sung hành vi gọi điện thoại đến các số đường dây nóng để quấy rối, đe dọa, xúc phạm là kịp thời khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn xử lý vi phạm.

“Đây là bước tiến trong kỹ thuật lập pháp khi đã kịp thời xây dựng cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, giúp người có thẩm quyền dễ dàng hơn trong việc xác định hành vi vi phạm” - ThS Nguyễn Nhật Khanh bày tỏ.

Tại dự thảo, hành vi gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm (điểm đ khoản 3 Điều 5 dự thảo) sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Như vậy, mức phạt này đã cao hơn so với quy định hiện hành đang áp dụng cho hành vi báo tin giả cho cơ quan nhà nước, mức phạt cũng phù hợp với mức độ trượt giá, tỉ lệ lạm phát.

Gọi đúng tên hành vi gọi điện thoại quấy rối...

Quy định hiện hành, hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013).

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013, hành vi gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. 

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục