Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo ông Thuần, du khách rất thích thú khi đến thăm làng gốm Chăm Bàu Trúc bởi họ được tận mắt khám phá những nét độc đáo ở một làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, sản phẩm làm hoàn toàn thủ công.
Làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc ở Làng Bầu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) không những tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn mà còn là điểm tham quan lý tưởng hấp dẫn du khách.
Ông Phú Hữu Minh Thuần – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á, Bầu Trúc còn được coi như một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận. Thôn Bầu Trúc có khoảng trên 400 hộ, nhưng có đến 85% người dân sống thủy chung với nghề gốm.
“Hiện nay, trung bình mỗi năm HTX Gốm Chăm Bàu Trúc đón trên 6.000 lượt khách, trong đó có tới 80% lượng du khách nội địa đến tham quan du lịch làng nghề. Ngoài ra, làng nghề còn đón khoảng 20% du khách đến từ Nga, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Australia... Với cách làm du lịch kết hợp tham quan làng nghề như hiện nay ở Ninh Phước đã tạo sự khởi sắc cho gốm Chăm.
Hiện HTX Gốm Chăm Bàu Trúc đang trưng bày trên 1.000 sản phẩm các loại khác nhau, trong đó có nhiều sản phẩm có hoa văn tinh xảo, thu hút sự quan tâm của du khách như: Bình hoa, tháp Chăm, đĩa, chum, nồi niêu, ấm trà, bức tượng vũ nữ Apsara...
Theo ông Thuần, du khách rất thích thú khi đến thăm làng gốm Chăm Bàu Trúc bởi họ được tận mắt khám phá những nét độc đáo ở một làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, sản phẩm làm hoàn toàn thủ công. Với giá bán từ 15.000 đồng đến 5 triệu đồng/sản phẩm, bình quân mỗi năm HTX Gốm Bàu Trúc xuất bán từ 35.000 – 40.000 sản phẩm các loại, doanh thu trên 300 triệu đồng/năm.
Nghệ nhân Đàng Thị Phan - người có thâm niên hơn 50 năm làm nghề gốm cho biết, những sản phẩm bằng gốm được nặn bằng tay rất tỉ mỉ. Đất được lấy từ sông Quao, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, những sản phẩm gốm Chăm trở nên sinh động hơn rất nhiều. Đặc biệt, nét độc đáo sản phẩm gốm ở đây là mỗi sản phẩm, lại có một màu sắc khác nhau. “Làng Bàu Trúc bây giờ ai cũng biết làm nghề gốm, nhưng những phụ nữ Chăm luôn chiếm thế mạnh bởi bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn…” – bà Phan chia sẻ.
Để xây dựng thương hiệu cho làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đề án “Chiến lược marketting gốm mỹ nghệ Bàu Trúc giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”, với kinh phí 26,3 tỷ đồng./.
Nguồn Báo Dân Việt