Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nhà nghiên cứu Dương Văn Trị cho rằng: đấy là loại tranh tả các hạng người và nghề cơ bản là “sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục”. Những tranh gốm được đặt hàng riêng cho đền thánh trong quá trình xây dựng, vào khoảng thập niên 30 và 40 của thế kỷ 20. Nhưng, những đề tài thể hiện trên tác phẩm chắc đã có lâu rồi, hẳn là cùng thời với các bộ linh vật gắn trên các mái đình Hiệp Ninh, Thái Bình từ đầu thế kỷ.

|
Các bức phù điêu gốm.
Nói đến Toà thánh là người ta hay nhắc đến các huyền thoại đi kèm theo quá trình mở mang, xây cất khu thờ tự này. Chuyện thuộc phong thuỷ thì có huyền thoại về sáu dòng sông ngầm bên dưới gặp nhau, tạo nên thế “lục long phò ấn”. Chuyện thiêng liêng, bí ẩn thì ở ngay trong quá trình xây dựng đền thánh.
Đồ sộ, nguy nga thế nhưng hoàn toàn không có bản vẽ thiết kế mà (theo lời kể truyền miệng) chỉ theo ý chỉ của đức đại tiên Lý Thái Bạch chỉ vẽ thông qua những buổi cầu cơ. Còn có chuyện quân Pháp khi chiếm, rồi rút đi đặt lại khối thuốc nổ 1.000kg mà không nổ. Gần gũi hơn là chuyện có bộ phận móng, đá bằng bê tông cốt tre, thế mà công trình vẫn vững vàng tồn tại đến nay… vv… và vv…
Chuyện kiến trúc thì người ta cũng chỉ hay bàn đến kích thước to lớn, hay chi tiết nghệ thuật cao siêu cầu kỳ, như cột rồng, như những ô cửa sổ rộng lớn kết toàn dây nho với lại hoa sen, hoặc những tháp cao của Bát Quái đài, Nghinh Phong đài và lầu trống, lầu chuông góp tạo nên một hình ảnh kiến trúc riêng đầy ấn tượng. Ấy thế mà vẫn có các chi tiết kiến trúc “bị bỏ quên”, ít người biết đến dù chúng có nguồn gốc từ tài hoa và văn hoá dân gian người Việt.
Như những mảng gốm phù điêu có trên bao lơn tiền sảnh phía trước ngôi đền thánh. Nguồn gốc của chúng- theo nhà nghiên cứu Dương Văn Trị thì đấy chính là những tác phẩm gốm của vùng đất Thủ Dầu Một, hoặc Biên Hoà xưa mà ta quen gọi là gốm Thủ Biên. Sách giới thiệu Toà thánh thì giải thích tranh ấy mô tả theo các sự tích xưa của Trung Hoa cổ đại, như chuyện các vua Nghiêu, Thuấn, Võ hoặc tình bạn Bá Nha, Tử Kỳ của thời đại từ mấy nghìn năm trước.
Chà! Thế mà lâu nay nhiều người lại cứ nghĩ đấy là tranh vẽ hoặc đắp vữa xi măng rồi sơn phết như kiểu một số công trình tín ngưỡng gần đây thường có. Lại nữa, người đi xe qua con đường trước mặt thường chỉ phóng nhanh qua. Khách du lịch thì thường được các trật tự viên hướng dẫn lùi xa thềm chính trước để đi về hai phía cửa biên. Vì thế mà không mấy người kịp ngắm kỹ những bức tranh gốm đặc sắc của người nghệ nhân Nam bộ.
Đặc sắc! Quả nhiên, dù 8 bức tranh gốm ấy chỉ có vài màu truyền thống là vàng, nâu, đen, xanh dương trầm mặc; mà những tranh gốm thời nay chưa chắc đã vượt qua. Là bởi nhìn tranh, ta hơi khó hình dung theo những cổ tích Trung Hoa, mà lại dễ dàng liên tưởng đến một không gian Nam bộ xưa thời cha ông đi mở đất.
Đấy nhé, bức chăn trâu với hai con trâu, một nghé, mỗi con một tư thế nghoẹo đầu. Hai người một trẻ, một già đang nghếch cổ nhìn nhau trò chuyện. Lại có bức mô tả cảnh hai ông thợ rêu và thợ mộc rất sinh động. Thợ rêu đứng, tay kìm gắp, tay giơ cao quai búa. Còn thợ mộc ngồi cũng tay dùi tay đục dáng ung dung. Phía sau có một ngôi nhà cột cây, ván tấp, có cả những đôi liễn đối kiểu như một ngôi miếu, đình Nam bộ mà các ông đang xây dựng.
Một bức khác tạo hình ông già đội nón rộng vành, ngồi trên đá tảng ven bờ sông câu cá, kiểu dáng như ông Lã Vọng; cũng có thêm một chú nhỏ theo hầu. Gần gũi nhất với người Nam bộ thời nay có lẽ là bức phù điêu tả ngư, tiều. Trong đó, ông dân chài (Bá Nha trong tích cổ) ung dung ngồi giữa chiếc ghe câu, tay gảy đàn kìm với nụ cười đôn hậu.
Trên bờ là anh tiều chắc vừa đi rừng về, đặt gánh củi, ngồi nghe. Xem, và nghe giải thích, hẳn có ai đó phải nghĩ: liệu cái thời Hán, Sở tranh hùng kia đã có chiếc đàn kìm? Trong khi rõ ràng cây đàn này là biểu tượng của đờn ca Nam bộ. Cũng còn thấy đó đây miền sông nước trong bức tranh tả một con thuyền buôn chuyến, có cả mui ghe chất đầy hàng hoá. Hai vợ chồng chủ thuyền có trang phục và gương mặt hơi lạ nhưng vẫn toát ra vẻ ung dung nhàn nhã. Nhìn kỹ, trên mui xếp toàn đồ gốm sứ, những tô, đĩa, lọ, lu vò…
Tuy vậy có một bức mà nay đã có thể không còn thấy nữa. Đó là hình ảnh người nông dân đi cày, với một đôi voi vừa kéo, vừa tung vòi nghịch với bầy chim. Xa xa có một ông quan cưỡi ngựa đứng coi. Theo giải thích, đấy là vua Thuấn đi cày trong điển tích.
Ông Dương Văn Trị cho rằng: đấy là loại tranh tả các hạng người và nghề cơ bản là “sĩ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục”. Những tranh gốm được đặt hàng riêng cho đền thánh trong quá trình xây dựng, vào khoảng thập niên 30 và 40 của thế kỷ 20. Nhưng, những đề tài thể hiện trên tác phẩm chắc đã có lâu rồi, hẳn là cùng thời với các bộ linh vật gắn trên các mái đình Hiệp Ninh, Thái Bình từ đầu thế kỷ.
|
Đôn sứ Thủ Biên trong Hiệp Thiên đài.
Ngoài bộ tranh gốm kể trên, cũng còn một số lượng không nhiều các vật dụng bằng gốm Thủ Biên còn trong các cơ sở Đạo. Như ở khu văn phòng Hiệp Thiên đài, còn một bộ hai chiếc đôn sứ tuyệt đẹp từ gốm Thủ Biên. Kèm theo là chiếc bình hoa cổ và một chiếc khạp (hay vò) đựng nước.
Dù men gốm với các sắc vàng, nâu, xanh lá, xanh dương có chỗ đã bong tróc hoặc nhạt màu. Nhưng vẫn thấy rõ các hình dáng, chi tiết chạm thủng, hay các phù điêu đắp nổi hoàn mỹ tinh tế. Dường như những con cá chép đùa giỡn trong làn nước xanh cùng với rong rêu trên chiếc đôn sứ vẫn đang bơi lội tung tăng. Hoặc đôi chim chào mào đậu giữa những cành hoa cúc, hoa lan vẫn đang đấu hót.
Chiếc đôn còn lại chủ yếu gồm họa tiết hình dơi xen kẽ cuốn thư, ống bút hoặc là những đĩa hoa trái dâng cúng ông bà các dịp lễ tết trong năm. Thú vị nhất, và có lẽ cổ nhất chính là chiếc khạp nay vẫn còn đựng nước. Men gốm trắng mờ màu phấn. Nổi bật những hình đắp ở trên màu xanh dương vẫn còn bóng và rất đậm.
Hình muốn tả gì đây, khi phần đầu thấy rõ là tôm, nhưng chân sau đã lại móng vuốt như rồng. Kỳ nữa là đôi “tôm- rồng” ấy cũng chầu vào một hình nhật, nguyệt. Chẳng biết là người xưa có gởi gắm dụng ý gì đây trong tác phẩm đầy tính ngẫu hứng này.
Điều thú vị còn đọng lại sau khi xem gốm Thủ Biên trong Toà thánh Cao Đài là: có thể bảy hoặc sáu mươi năm đã qua, nhưng độ bền vững vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Và các đường nét tài hoa dung dị vẫn ánh lên, chẳng thể nhạt phai.
TRẦN VŨ