Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Thường thấy, nói đến lạm thu người ta hay nghĩ đến việc phụ huynh học sinh phải oằn lưng cõng nhiều loại phí khác nhau theo liệt kê của trường học - nơi có con em mình tham gia học tập. Và hẳn các trường học cũng rất ngại bị nêu tên vì đã góp phần đẩy lạm thu ngày càng đi vào… nhiễu loạn.

|
Trong giờ học (ảnh minh hoạ). Ảnh: Quang Hà.
Lạm thu (có người còn gọi loạn thu) đã gần như là “bệnh” khó trị. Báo Tây Ninh cũng như nhiều kênh truyền thông khác đã từng đề cập đến “căn bệnh” này. Và cũng gần như ngành quản lý không kiểm soát được tình trạng lạm thu tràn lan.
Trên thực tế, các văn bản chỉ đạo (không cho phép hoặc hạn chế tình trạng thu những khoản tiền ngoài quy định) cũng chỉ dừng ở mức “gợi ý”, cần chấn chỉnh chứ chưa có tác dụng răn đe hay xử lý triệt để nhằm chấm dứt tình trạng trên.
Thường thấy, nói đến lạm thu người ta hay nghĩ đến việc phụ huynh học sinh phải oằn lưng cõng nhiều loại phí khác nhau theo liệt kê của trường học- nơi có con em mình tham gia học tập. Và hẳn các trường học cũng rất ngại bị nêu tên vì đã góp phần đẩy lạm thu ngày càng đi vào… nhiễu loạn. Cho nên, ngoài việc “vận động” (mà không ai có thể từ chối) phụ huynh học sinh đóng góp, nhiều trường học đã “biến tấu” việc lạm thu bằng cách thu tiền học sinh dưới danh nghĩa các loại quỹ. Dưới đây là một số loại quỹ mà học sinh (thực chất cũng là cha mẹ các em) phải gồng mình để đóng trong suốt quá trình học tập ở trường.
Loại quỹ phổ biến nhất là quỹ lớp. Với một số tiền nhất định do cả tập thể lớp góp vào, học sinh thường dùng nó để chi phí cho các công việc, hoạt động của lớp mình. Điều đáng nói là quỹ lớp cứ… tăng dần- theo những quy định hoặc “gợi ý” nào đó của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, có khi là do yêu cầu của nhà trường.
Một học sinh ở một trường phổ thông tại Trảng Bàng than thở: “Đầu năm học, tụi em góp mỗi người 30.000 đồng làm quỹ lớp. Số tiền này dùng vào việc mua khăn trải bàn, bình hoa trên bàn giáo viên, đặt một băng-rôn làm khẩu hiệu cho lớp và một số dụng cụ để làm vệ sinh lớp mỗi ngày.
Ngoài ra tụi em còn phải mua… phân bón về bón cho các bồn hoa theo phân công của nhà trường”. Em học sinh này cho biết khoảng 1 triệu đồng tiền quỹ của lớp em chi vào việc mua cái này, sắm cái nọ hoặc đi phô-tô vài tài liệu học tập theo yêu cầu của giáo viên đã “ra đi” nhanh chóng.
Và khi quỹ lớp cạn kiệt thì “tiếp tục nộp vào” là việc phải làm. Bởi vì có “ngân sách” thì lớp mới có thể “tự tin” cân đối tiếp tục cho những khoản chi khác nhau sau đó. Có em học sinh kể rằng có giáo viên chủ nhiệm còn “sáng kiến”: bàn giáo viên phải có đủ các sắc hoa, đề nghị lớp chuẩn bị mỗi tháng một bình hoa với một màu khác nhau. Nhưng vì lớp đi tìm không đủ… 9 màu hoa cho 9 tháng học tập nên chỉ có thể đáp ứng được 3 màu, sau đó xoay vòng trở lại. Việc trang trí cầu kỳ như vậy được giải thích là... góp phần giúp cho nhà trường giữ vững “danh hiệu” xanh- sạch- đẹp.
Một loại quỹ khác học sinh phải nộp là quỹ Đoàn, thường gọi Đoàn phí. Theo quy định, mỗi tháng một đoàn viên/thanh niên nộp 3.000 đồng vào quỹ này. Nhiều trường phổ thông thực hiện nghiêm túc việc thu theo tháng, có công khai việc thu chi rõ ràng nhưng cũng có trường thu theo kiểu tính một năm học, như lời một học sinh đã kể: “Cán bộ Đoàn lớp em thông báo mỗi bạn nộp 24.000 đồng tiền Đoàn phí để nộp về cho Đoàn trường.
Số tiền này là của cả một năm học. Năm rồi, ngoài Đoàn phí nộp cho Đoàn trường, tụi em còn đóng tiền để “nuôi heo đất” và thực hiện một công trình thanh niên. Tất cả đều nộp về Đoàn trường. Thực sự trước đến giờ em chưa bao giờ được biết Đoàn phí dùng vào việc gì vì chẳng nghe công bố gì cả!”.
Cũng theo các em học sinh phổ thông thì “nặng” nhất với các em chính là việc mua tài liệu học tập do nhà trường ấn hành. Hiện nay, khi điều kiện in ấn, nhân bản đã rất thuận tiện, một số trường học đã chủ động biên soạn tài liệu học tập cho học sinh.
Tài liệu này phổ biến là những kiến thức cơ bản được tóm tắt gọn lại (đối với các môn khoa học xã hội) hoặc các dạng bài tập khác nhau (đối với các môn khoa học tự nhiên) học sinh phô-tô phục vụ việc học. Tuy nhiên, nhiều trường có vẻ… “lo xa” việc học sinh phải mất thời gian đi phô-tô tài liệu nên đã nhận “lo trọn gói” khâu này cho các em.
Học sinh chỉ việc nộp tiền, giá cả là chuyện chẳng thể tranh cãi, băn khoăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một trường nọ- một tài liệu hệ thống kiến thức môn Ngữ văn cho học sinh lớp 12 có tổng số trang chưa tới 110 tại một trường phổ thông đã “bán ra” cho học sinh với giá không dưới 25.000 đồng; một tài liệu môn Lịch sử lớp 11 dày 36 trang có giá 8.000 đồng…
Các em học sinh còn cho biết đang chờ nhà trường phát tài liệu học tập môn Giáo dục công dân, chưa biết “mặt mũi” ra sao nhưng mỗi em đã phải nộp 12.000 đồng. Vài người làm nghề phô-tô cho biết, số tiền thu so với số trang như thế cao hơn tại các điểm phô-tô tập trung gần trường học (đó là còn chưa kể nếu phô-tô với số lượng lớn còn được giảm giá).
Khi chúng tôi hỏi, các tài liệu này có giúp ích gì cho các em không, một học sinh lớp 12 trả lời: “Chúng em cảm thấy… quá tải, vì thực ra trên lớp giáo viên đã cho chúng em ghi bài trên vở rồi, tài liệu có trên tay cũng gần giống với bài ghi. Không mang tài liệu lên lớp là bị giáo viên… ghi tên vào sổ đầu bài, mà mang thì thấy nặng nề quá.
Có tài liệu trên tay mà không ghi bài vào vở cũng bị thầy cô… ghi tên vào sổ” (?). Mang thắc mắc ấy hỏi một số giáo viên, chúng tôi nhận được 2 luồng ý kiến trái chiều: Một là đi học phải có tài liệu học tập, có nhiều tài liệu thì… hiểu biết càng rộng! Một là có tài liệu trên tay, học sinh dễ ỷ lại, độ tập trung vào bài giảng của giáo viên sẽ thấp hơn vì cho rằng thế nào mình cũng có cái để… học thuộc!
Có thể thấy, trên hành trình đi tìm con chữ, người học và gia đình người học còn phải gánh rất nhiều thứ được “quy đổi ra tiền”. Để sẻ chia gánh nặng với xã hội, lẽ nào ngành giáo dục không trăn trở?
H.V.L