Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Google gỡ bỏ 6.700 clip YouTube phản động theo yêu cầu Bộ TT&TT
Thứ ba: 17:02 ngày 10/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Google đã gỡ bỏ 6.700 video clip ra khỏi YouTube có nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước. Bộ TT&TT cũng thành công trong việc buộc Facebook tôn trọng chủ quyền Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sáng 9/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT).

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ TT&TT đã tích cực thực hiện công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực Viễn thông và CNTT.

Hiện cả nước có 75 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và 71 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đang hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp viễn thông đã phát triển thêm được 22.665 trạm BTS, 19.865 Km cáp quang.

Số thuê bao di động đến thời điểm hiện tại là 136,1 triệu thuê bao, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó thuê bao 4G tăng 53%. Số thuê bao điện thoại cố định 5.051.774 thuê bao.

Doanh thu dịch vụ viễn thông ước tính 6 tháng đầu năm 2018 là 181.948 tỷ đồng, bằng 49,18 % so với kế hoạch. Tổng nộp ngân sách ước tính là 23.531 tỷ đồng, bằng 51,35% so với kế hoạch.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Thông tin & Truyền thông. Ảnh: Trọng Đạt

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông giảm giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng di động từ ngày 1/5/2018. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện việc bổ sung đăng ký thông tin cá nhân nhằm hạn chế tình trạng SIM rác, tin nhắn rác.

Trong khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành số hoá truyền hình mặt đất. Hiện một nửa dân số Việt Nam có thể xem được các chương trình truyền hình số.

Về lĩnh vực CNTT, cả nước hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp CNTT, 4 khu CNTT tập trung đã hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT ước đạt 1.026.000 tỷ đồng, tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu phần cứng ước đạt 912.800 tỷ đồng, nộp ngân sách 20.000 tỷ đồng, xuất khẩu CNTT của Việt Nam đạt 918.384 tỷ đồng.

Cảnh giác mã độc tấn công, SIM rác quay trở lại

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành TT&TT còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại cần phải giải quyết trong năm 2018 và thời gian tiếp theo.

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng tin nhắn rác, SIM kích hoạt sẵn, việc bổ sung thông tin cá nhân của thuê bao di động theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP phải kéo dài thời gian do quá nhiều thuê bao phải bổ sung thông tin.

Tại một số thành phố lớn, do có đặc điểm nhiều nhà cao tầng, việc triển khai các trạm viễn thông BTS gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn tới hiện tượng người dân tự ý mua thiết bị kích sóng lắp trong nhà để tăng vùng phủ sóng.

Việc người dân tự ý sử dụng những thiết bị mà chỉ doanh nghiệp được phép dùng đã gây ảnh hưởng đối với hệ thống kỹ thuật thông tin. Ngoài ra, một số tuyến cáp quang biển còn gặp sự cố làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet.

Ngành Nội dung số trong nước đang gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều sức ép do sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam.

Trong thời gian qua, xảy ra một số vụ việc liên quan đến hoạt động thanh toán các dịch vụ nội dung số, trong đó có trò chơi điện tử trực tuyến. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến ngành dịch vụ nội dung số. Việc dừng thanh toán game bằng thẻ cào dẫn đến nguy cơ toàn bộ dòng tiền thanh toán trò chơi điện tử trực tuyến trong nước sẽ “chảy” qua kênh của Google, Apple và khiến cho doanh nghiệp nội dung số trong nước gặp khó khăn hơn.

Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT làm xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa an ninh quốc gia từ không gian mạng. Nguy cơ sự cố mất ATTT từ mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) đang gia tăng nhanh chóng.

Nhiều máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus, mã độc đào tiền ảo qua dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Các chiến dịch tấn công lừa đảo vẫn tiếp tục được các đối tượng thực hiện nhắm vào người dùng Internet Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư Nhà nước cho ứng dụng CNTT tại một số địa phương, bộ ngành vẫn còn ở mức chưa tương xứng.

Tích cực đấu tranh, buộc Facebook, Google tôn trọng pháp luật Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, toàn ngành TT&TT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong công tác cải cách hành chính, Bộ TT&TT đã vươn lên đứng thứ 2/19 trong Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ và cơ quan ngang bộ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thúc đẩy việc xây dựng các chính sách nhằm quản lý thị trường viễn thông, khuyến khích chuyển đổi thuê bao trả sau, hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, các cơ quan chức năng của Bộ đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng mạng viễn thông, Internet để kêu gọi tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự ở một số địa phương.

Trong thời gian qua, Bộ cũng đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, làm việc với đại diện Facebook và Google, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên mạng xã hội.

Tính đến hết tháng 6/2018, Google đã gỡ bỏ 6.700/7.800 video clip ra khỏi YouTube, trong đó có gần 300 video clip có nội dung phản động, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, 6 kênh YouTube đã bị chặn hoàn toàn, Facebook cũng đã gỡ bỏ gần 1.000/5.500 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, 107/107 tài khoản giảo mạo, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phả Đảng, Nhà nước. Bộ TT&TT đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng mạng xã hội Việt Nam.

Một trong những công việc nổi bật của ngành viễn thông là việc ban hành kế hoạch chuyển đổi mã mạng, đồng thời có biện pháp giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin để người sử dụng hiểu rõ sự cần thiết của việc chuyển đổi. Điều này nhằm phục vụ sự phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy việc xây dựng các chính sách nhằm quản lý thị trường viễn thông, khuyến khích chuyển đổi thuê bao trả sau, hạn chế SIM rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Bên cạnh đó, một trong những công tác trọng tâm là hoàn thành việc chuyển đổi mã mạng từ 11 số sang 10 số và triển khai Đề án chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao, xây dựng biện pháp quản lý thẻ cào điện thoại.

Nguồn vietnamnet

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
iphone 15 pro max iphone 15 Khám phá bard ai mới nhất
Tin cùng chuyên mục