Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
Góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống
Chủ nhật: 09:38 ngày 24/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Hoà giải viên thường xuyên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trong 9 tháng năm 2021, việc tuyên truyền pháp luật trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Các cấp, ngành đã tăng cường tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL.

Qua đó, đã tổ chức được 3.594 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 139.000 lượt người tham dự; trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng 192 vụ việc; tư vấn pháp luật cho 90 lượt người; tổ chức 32 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật; treo 773 băng-rôn, 469 pa-nô, 1.437 cờ phướn, phát hành 77.404 tài liệu…

Hiện toàn tỉnh có 544 tổ hoà giải với 3.690 hoà giải viên. Các tổ hoà giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn theo Luật Hoà giải cơ sở. Trong 9 tháng năm 2021, đã thụ lý 339 vụ tranh chấp, đưa ra hòa giải 333 vụ, trong đó hoà giải thành 283 vụ, số vụ hòa giải không thành hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 50 vụ.

Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; kiện toàn đội ngũ tập huấn viên ở cấp tỉnh và huyện (gồm 4 tập huấn viên cấp tỉnh, 45 tập huấn viên cấp huyện), tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, hoà giải viên. 

Đối với công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, toàn tỉnh có 91/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 (tăng 7 xã so với năm 2019). Trong đó, có 34 xã duy trì nông thôn mới và 10 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; còn lại 3/94 xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (giảm 8 xã so với năm 2019).

Trên cơ sở quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Chủ tịch UBND cấp huyện, Sở Tư pháp thẩm định và đề nghị xem xét công nhận 6 xã: Phước Vinh và Hoà Thạnh (huyện Châu Thành), Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), Tân Đông và Tân Hoà (huyện Tân Châu), Tân Bình (TP. Tây Ninh), TP.Tây Ninh và thị xã Hoà Thành đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra, các địa phương áp dụng nhiều mô hình hay, cách làm mới, nhất là khắc phục được những khó khăn phát sinh do tình hình dịch bệnh Covid-19, như tăng cường tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (chương trình “Tư vấn pháp luật”, “Gặp gỡ Luật sư”, “Pháp luật với đời sống”, Chương trình Phát thanh đăng tải trên Báo Tây Ninh online; chuyên mục “Đối thoại tại phiên tòa” của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh), các trang mạng xã hội (chương trình “Thanh niên và pháp luật” của Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn), trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh, hệ thống thông tin điện tử, phát thư ngỏ…

Bên cạnh đó, gắn công tác tuyên truyền, PBGDPL với bảo vệ trực tiếp quyền lợi của người lao động và xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật; tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới, địa bàn; vận động thành viên, hội viên các tổ chức đoàn thể và người dân tham gia tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần phát huy hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL tại địa phương

Phát tờ rơi tuyên truyền về bầu cử đến từng cử tri.

Các cấp, ngành còn quan tâm triển khai thực hiện kế hoạch “Ngày pháp luật” của UBND tỉnh. Hằng tháng, cơ quan, đơn vị dành ít nhất một buổi để tuyên truyền, giới thiệu các văn bản pháp luật, chính sách mới, liên quan đến công việc chuyên môn hoặc gắn với tình hình địa phương và được nhân dân quan tâm. 

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã hạn chế tập trung cán bộ, công chức và nhân dân để phổ biến pháp luật trực tiếp mà tăng cường áp dụng các hình thức phù hợp như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, xe loa, pa-nô, áp-phích…

Trong đó, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ của nhà nước liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai các mặt công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị, cấp, ngành, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số huyện còn trễ thời gian quy định. Nguyên nhân do một số cơ quan, đơn vị, cấp, ngành chưa quan tâm công tác công tác PBGDPL, hoà giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cán bộ pháp chế của các cơ quan, doanh nghiệp đều kiêm nhiệm nên chưa tập trung trong việc tham mưu lãnh đạo triển khai công tác PBGDPL tại đơn vị.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục